Bộ Công Thương nói gì về đề xuất thay đổi biểu giá điện thành 5 bậc?

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho rằng thực chất, việc thay đổi biểu giá điện sinh hoạt bậc thang không phải là điều chỉnh giá điện, mà chỉ xem xét lại các bậc thang giá điện sinh hoạt cho phù hợp với thực tế sử dụng của người dân.
Bộ Công Thương nói gì về đề xuất thay đổi biểu giá điện thành 5 bậc? - Ảnh 1.

Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ chọn phương án giá điện 5 bậc thang theo kịch bản thứ nhất. Lí do là sẽ có mức tăng giá điện hợp lí giữa các bậc. (Ảnh: EVN).

Theo dự thảo quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện vừa được Bộ Công Thương trình lên Chính phủ, có 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, gồm 1, 3, 4 và 5 bậc. Trong đó, phương án 5 bậc được Bộ này đưa ra 2 kịch bản.

Kịch bản một, giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang, trong đó giá điện bậc 1 (cho 0-100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành, bậc 2 từ 101-200 kWh, bậc 3 từ 201-400 kWh, bậc 4 từ 401-700 kWh, bậc 5 từ 701 kWh trở lên.

Kịch bản hai, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi. Gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1, nhằm đảm bảo ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi. Phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700 kWh. Giá điện của bậc 201-400 kWh được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201-300 kWh) và bậc 5 (301-400 kWh) của giá điện cũ.

Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ chọn phương án giá điện 5 bậc thang theo kịch bản thứ nhất. Lí do là sẽ có mức tăng giá điện hợp lí giữa các bậc, đảm bảo toàn bộ số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh (chiếm 98,2% tổng số hộ) trả tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới.

Giải thích rõ hơn cho sự lựa chọn trên, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho biết để xem xét các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đã thống kê thực tế sản lượng điện của các khách hàng trong thời gian qua.

Bộ Công Thương nói gì về đề xuất thay đổi biểu giá điện hiện nay? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng thực chất việc thay đổi biểu giá điện sinh hoạt bậc thang không phải là điều chỉnh giá điện. (Ảnh: VGP).

Kết quả cho thấy có khoảng hơn 1,2 triệu khách hàng dùng dưới 50 kWh/tháng. Khoảng trên 18 triệu hộ, chiếm 72% khách hàng, dùng từ 50-300 kWh/tháng, tương ứng khoảng 60% tổng sản lượng. Số khách hàng trên 700 kWh/tháng so với lần khảo sát năm 2015 đã tăng lên đáng kể, chiếm khoảng 1,7% với sản lượng tiêu thụ khoảng 13%.

Dựa trên cơ sở báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, kiểm tra và đề ra 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, gồm 1 bậc (tất cả các khách hàng sinh hoạt áp dụng chung 1 mức giá), 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc. Riêng phương án 5 bậc có 2 kịch bản khác nhau như đã đề cập.

Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn khẳng định việc thay đổi các bậc thang này phải bám sát với mức giá điện sinh hoạt bình quân đã được phê duyệt. Thực chất, việc cải tiến biểu giá điện sinh hoạt bậc thang không phải là điều chỉnh giá điện, mà chỉ xem xét lại các bậc thang giá điện sinh hoạt cho phù hợp với thực tế sử dụng điện hiện nay của các khách hàng.

Ông Tuấn cũng cho biết các phương án 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc đều có nhược điểm chung.

Cụ thể là, các khách hàng ở mức thấp đều phải trả nhiều tiền hơn, còn khách hàng sử dụng nhiều điện lại phải trả ít đi. Như với phương án 1 bậc, 2 bậc và 3 bậc, các khách hàng sử dụng dưới 300 kWh/tháng, chiếm tỉ lệ 87%, lại bị thiệt. Như thế không thực hiện mục tiêu là khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, đồng thời ngân sách Nhà nước phải hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách lại bị tăng lên.

Phương án 5 bậc mà Bộ Công Thương đề xuất được cho là khắc phục các nhược điểm trên. Hàng chục triệu khách hàng sử dụng dưới 250 kWh/tháng sẽ được hưởng lợi, trả tiền điện thấp hơn, đặc biệt là các hộ nghèo, chính sách tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ - có khoảng 1,8 triệu hộ với tổng số tiền hỗ trợ khoảng trên 1.000 tỉ đồng/năm như hiện nay.

Cũng theo phương án này, các hộ khách hàng sử dụng điện nhiều trên 700 kWh/tháng sẽ bị thiệt. Tổng số chỉ 0,46 triệu khách hàng, chiếm 1,8% tổng số khách hàng phải trả cao hơn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực thông tin thêm.

Hiện Bộ Công Thương đã có văn bản xin ý kiến rộng rãi các UBND tỉnh, các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng... Trên cơ sở những đóng góp đó, Bộ sẽ tổng hợp, hoàn chỉnh phương án, trình Thủ tướng xem xét, chỉ đạo và ban hành biểu giá mới.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.