Văn phòng Chính phủ vừa có kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tác động của tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), cập nhật kịch bản tăng trưởng và giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Thủ tướng cho biết quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là tập trung phòng, chống dịch quyết liệt, hiệu quả với tinh thần "chống dịch như chống giặc"; nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 khẩn trương, bình tĩnh không hoang mang, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển, chủ động ứng phó hiệu quả và có các giải pháp đạt được mục tiêu đề ra, phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch Covid-19.
Thủ tướng cho biết hiện vẫn chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, để ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19.
Trong đó lưu ý đánh giá diễn biến và tác động trên các lĩnh vực, giải pháp để kiểm soát tình hình, bảo đảm an toàn cho người dân.
Đặc biệt, phải cập nhật, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng theo các diễn biến tình hình dịch bệnh. Riêng kịch bản tăng trưởng GDP theo chỉ tiêu đã đề ra (6,8%) cần xác định rõ các mức phấn đấu cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực trong mỗi quý, và có những giải pháp, đối sách kịp thời, hiệu quả để thực hiện.
Đồng thời, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và dài hạn, trong đó có các giải pháp thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực và các giải pháp về hoàn thiện thể chế, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định tâm lí tiêu dùng và tâm lí doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng yêu cầu trước mắt chưa đặt vấn đề điều chỉnh tăng giá các dịch vụ như điện, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020, tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, nhất là đối với các công trình, dự án trọng điểm.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu phải có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại thị trường, mở rộng thị trường quốc tế nhằm tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã kí vừa qua.
Theo Thủ tướng, hiện nay cần phải đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước. Các cơ quan liên quan lập phương án để kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất; thúc đẩy sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng; kiểm soát tốt thị trường, giá cả, nhất là mặt hàng thịt heo và các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá; tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa... , thích ứng tốt hơn với các biến động.
Các ngành, địa phương sớm đề xuất cơ chế, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó có du lịch, dịch vụ như miễn, giảm chi phí, kéo dài thời hạn visa, chi phí logistic, thuế, phí, giảm chi phí sản xuất kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thủ tướng lưu ý phải khẩn trương đề xuất hình thức đầu tư phù hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam, nghiên cứu phương án báo cáo Quốc hội để điều chỉnh hình thức đầu tư, từ đối tác công tư sang đầu tư công, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Các Bộ, ngành, địa phương không được để xảy ra tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần hoàn thành các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội quyết định.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải nghiên cứu thành lập các đội phản ứng nhanh để kịp thời đề xuất các giải pháp về kinh tế, tài chính, sản xuất kinh doanh, góp phần giảm thiểu các tác động nhằm bù đắp giảm sút kinh tế do dịch Covid-19.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020