Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình nhập khẩu thịt heo nhằm đảm bảo nguồn cung và hạ giá thành trong nước, Bộ cho biết đang gặp khó về việc tìm nguồn cung.
Cụ thể, tính từ tháng 11/2019, tức kể từ khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng về nhập khẩu 100.000 tấn thịt heo đến ngày 31/1/2020, Bộ Nông nghiệp đã tiến hành nhập khẩu được 17.421 tấn thịt heo và sản phẩm từ heo.
Riêng tháng 1/2020, tổng sản lượng thịt heo nhập khẩu cả nước hơn 4.500 tấn, có xu hướng tăng hơn so với cùng kì năm 2019 và chủ yếu nhập từ Đức, Ba Lan, Canada, Hoa Kì.
Các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo cho biết việc nhập khẩu đang có một số khó khăn bởi dịch tả heo châu Phi xảy ra ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp cho các thị trường trên thế giới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu thường sản xuất dựa trên kế hoạch và hợp đồng đã kí trước đó tối thiểu 3-5 tháng. Thời gian qua là kì nghỉ Giáng sinh và Tết dương lịch, do đó các nhà máy giết mổ gia súc và các doanh nghiệp xuất khẩu thường đóng cửa.
Bộ Nông nghiệp cũng cho rằng việc nhập khẩu thịt heo từ Hoa Kì về còn gặp khó khăn bởi giá cao hơn so với một số nước như Brazil, Ba Lan, Australia. Trong khi đó, thời gian và chi phí vận chuyển về Việt Nam cũng lâu hơn và cao hơn.
Do đó, doanh nghiệp nhập khẩu cần có số vốn lớn, vì để nhập 200-300 tấn mỗi tháng, các doanh nghiệp phải đặt cọc vài chục tỉ đồng cho mỗi lần mua.
Đáng chú ý, Bộ Nông nghiệp cho biết dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) cũng đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, gồm việc đi lại của các doanh nghiệp sang các nước để tìm kiếm, đàm phán nhập khẩu thịt heo.
Tại cuộc họp về điều hành giá sau Tết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Nông nghiệp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, tổ chức các giải pháp để bình ổn, giảm giá mặt hàng thịt heo.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan và doanh nghiệp nhập khoảng 100.000 tấn thịt heo thành phẩm ngay trong quý I, để ổn định nguồn cung và giảm giá heo hơi trong nước.
Kể từ khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng về việc yêu cầu các doanh nghiệp cùng chung tay giảm giá heo hơi, đưa giá heo về vùng trước khi xảy ra dịch tả châu Phi, dao động từ 45.000-50.000 đồng/kg, giá heo hơi trong nước đã liên tục giảm những ngày qua.
Mức sụt giảm nhiều nhất là các tỉnh, thành phía Bắc. Cập nhật giá heo hơi hôm nay (14/2) tại các tỉnh phía Bắc cho thấy một số nơi rơi xuống vùng giá chỉ 75.000 đồng/kg, giảm mạnh nhất trong hôm qua, 13/2, với mức 6.000 đồng/kg.
Cụ thể, Hưng Yên vốn luôn đứng đầu về giá nhưng hôm nay đã rớt xuống dưới mức 80.000 đồng/kg. Phú Thọ ở 75.000 đồng/kg.
Khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá heo hơi cũng giảm về quanh mức 75.000-84.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh miền Nam, trong đó có vùng chăn nuôi heo lớn nhất nước, mức giá chung dao động còn 78.000-82.000 đồng/kg.
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ngày 13/2, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu tuần tới, các doanh nghiệp phải giảm giá thịt heo xuống dưới 75.000 đồng/kg.
Nếu không điều chỉnh, sẽ căn cứ luật định để yêu cầu doanh nghiệp giảm giá thịt heo xuống ở mức hợp lí.
Giá heo hơi giảm thời gian qua một phần do doanh nghiệp lớn giảm giá, tác động đến mức giá chung của thị trường. Theo C.P Việt Nam, công ty đã nhiều lần họp bàn đề cố gắng giảm giá thịt heo, và từ sau Tết đến nay đã có 2 lần giảm, với tổng cộng gần 3.000 đồng/kg, đưa mức giá chung của CP Việt Nam hiện còn 78.500-79.500 đồng/kg.
Tính toán đưa giá heo hơi về vùng trước khi xảy ra dịch tả châu Phi, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra lộ trình cụ thể. Theo đó, giá heo hơi trong tháng 2-3 phải giảm tối đa 10% mỗi tháng, giúp giá heo hơi về mức 60.000-65.000 đồng/kg.
Các tháng tiếp theo phải bình ổn hoặc tiếp tục giảm về mức 45.000-50.000 đồng/kg, tức mức bình thường trước khi có dịch tả heo châu Phi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 31/1/2020, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 8.570 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số heo tiêu hủy là 5.982.679 con, tổng trọng lượng là 341.957 tấn. Đến nay, dịch bệnh này đã được kiểm soát tốt, nhiều địa phương tập trung tái đàn hiệu quả.
Hiện tổng đàn heo cả nước trên 24 triệu con. Từ tháng 1/2020, các tỉnh bắt đầu có heo nuôi tái đàn sau dịch, số heo tái đàn cung ứng ra thị trường sẽ tăng cao từ tháng 2/2020.
Bộ Nông nghiệp dự báo khả năng trong nước sẽ đảm bảo nguồn cung năm 2020 khoảng hơn 4 triệu tấn nếu kiểm soát tốt được dịch bệnh. Nếu lượng heo trong nước tăng nhanh, giá giảm xuống mức trước đây sẽ khiến các doanh nghiệp nhập khẩu "mắc kẹt" bởi hiện nay, nguồn cung thịt nhập khẩu không hề dễ dàng vì các nước, nhất là Trung Quốc đang có nhu cầu nhập lớn, giá cũng tăng cao.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020