Ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ Trưởng vụ dạy nghề Chính quy (Tổng cục dạy nghề), Bộ LĐTB&XH. |
Thưa ông, ông có nhận xét gì về thực tế nhu cầu học nghề của các em học sinh hiện nay?
Ông Đỗ Văn Giang : Mấy năm gần đây, nhận thức của cha mẹ và học sinh về cơ bản đã thay đổi. Thực tế cho thấy có em đỗ Đại học theo kỳ thi chung gần đây, học xong Đại học – thậm chí cả Thạc sĩ vẫn xin vào học nghề vì không xin được việc làm. Có thể kể ra một số trường có số lượng thí sinh chọn vào học nhiều như các trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội, Cao đẳng Việt Đức ở Hà Tĩnh.
Đây là những trường có số lượng thí sinh chọn học nghề nhiều hơn cả. Điều đó khẳng định sự điều tiết xã hội. Đại học không là con đường duy nhất, cần có một nghề để nuôi sống bản thân. Mặt khác, ngày nay, các trường cũng đã rút ngắn thời gian đào tạo, khi ra trường là các em có thể đi làm luôn.
Thống kê cho thấy có 78,8 % các em học Trung cấp, Cao đẳng ra có việc làm. Con số này có giảm một chút so với những năm trước nhưng so với mặt bằng tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng không xin được việc làm thì đây thực sự là điều học sinh cần cân nhắc lựa chọn con đường của mình. Tháng 1/2016 vừa qua, có 3 trường được giao tự chủ và làm công tác tuyển sinh rất tốt.
Vậy đâu là những nhóm ngành nghề được nhiều học sinh quan tâm khi chọn nghề, thưa ông?
Trong những năm qua, khối ngành Kỹ thuật với các ngành như: hàn, điện tử công nghiệp, ô tô, cắt gọt kim loại,... là những ngành được nhiều người học. Các em học xong ra có việc làm ngay và cung gần như không đủ cầu. Xã hội cần nhưng người học vẫn chưa đủ. Riêng với những ngành nghề khó khăn, độc hại như nhóm ngành về than, khai thác khoáng sản, nông lâm thủy sản, nông lâm ngư nghiệp... có số người theo học nghề ít. Đây là khó khăn của các trường nghề.
Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ mối quan tâm dành cho các trường dạy nghề. |
Trước việc hội nhập khu vực, các trường nghề đối diện với những khó khăn thách thức nào, trong thời gian sắp tới?
8 ngành nghề theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN gồm nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch. Thực tế cho thấy trình độ của các em học sinh tại các trường dạy nghề còn yếu về ngôn ngữ và giao tiếp. Điều này là thách thức lớn trong vấn đề hội nhập, đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp phải nỗ lực, có những giải pháp hướng đi phù hợp cho giai đoạn tới để hội nhập sâu vào cộng đồng ASEAN.
Về việc dự thảo của Bộ bỏ điểm sàn 2017, ông có ý kiến gì?
Theo tôi, Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo Tuyển sinh ĐH năm 2017 bỏ điểm sàn (chỉ cần tốt nghiệp THPT đã đủ điều kiện vào ĐH) là đi ngược chủ trương phân luồng giáo dục và không theo thị trường lao động. Thời điểm đưa ra việc bỏ điểm sàn hiện nay không hợp lý. Bộ xác định mục tiêu: “Phấn đấu đến 2020, có 30% số học sinh trung học phổ thông (THPT) đi học nghề” nhưng việc bỏ điểm sàn đang phá vỡ quy hoạch, định hướng phân luồng học sinh vào học nghề và phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Để giải quyết những hạn chế về nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020. Theo Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề), các giải pháp trong Đề án này tập trung vào việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng dạy nghề, tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong hội nghị “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” tổ chức tại TP HCM vừa qua cũng nhìn nhận đến nay bậc ĐH có khoảng chục trường tự chủ, CĐ mới chỉ có 3 trường. Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tự chủ thì mới có thể phát triển, chìa khóa để đổi mới và nâng cao giáo dục nghề nghiệp chính là phải để các trường được tự chủ. |