Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu việc di dời trạm thu phí gần cầu Vàm Cống

Cơ quan chức năng đang cập nhật lưu lượng xe để tính toán phương án tài chính dự án nâng cấp quốc lộ 91 và xử lý bất cập trạm T2.

Ngày 30/5, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, vị trí đặt trạm thu phí T2 (gần cầu Vàm Cống) đã được nhà đầu tư, đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ và có chấp thuận của các cơ quan của địa phương. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trạm T2 nảy sinh một số bất cập cả hướng xe di chuyển trên quốc lộ 80 Kiên Giang - An Giang và hướng An Giang - Đồng Tháp.

Theo ông Nhật, Bộ Giao thông Vận tải đang cập nhật lại lưu lượng xe để tính toán phương án tài chính của dự án và xử lý bất cập nêu trên. Phương án cụ thể sẽ căn cứ trên cơ sở phương án tài chính dự án, đảm bảo hoàn vốn trả nợ ngân hàng, đồng thời hài hòa lợi ích giữa các bên là Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

"Trong các phương án được tính toán, Bộ nghiên cứu cả việc di dời trạm thu phí T2", Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.

Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu việc di dời trạm thu phí gần cầu Vàm Cống - Ảnh 1.

Một tài xế đòi trả 2.000 đồng cho 300 m đường khi qua trạm T2. Ảnh: Cửu Long.

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin thêm, trạm thu phí T2 để hoàn vốn đầu tư cho dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91 theo hình thức BOT. Ngoài trạm T2 đặt trên quốc lộ 91, dự án còn một trạm thu phí khác là T1 đặt ở đầu tuyến, chủ phương tiện chỉ phải mua vé một lần.

Ông Tuấn Anh nói, giống như các dự án thu phí trên quốc lộ khác, hai trạm thu phí T1 và T2 áp dụng thu phí hở (theo lượt phương tiện). Phương thức thu phí này không thể tránh khỏi bất cập, bởi phương tiện đi quãng đường ngắn phải qua trạm thu phí sẽ mất tiền cả tuyến, nhưng cũng có nhiều phương tiện đi quãng đường trong phạm vi dự án mà không qua trạm thì không mất phí.

Khi cầu Vàm Cống thông xe đã hình thành một tuyến mới qua trạm T2. Các xe từ  hướng Bắc (Đồng Tháp) xuống phía Nam (Cần Thơ) qua cầu Vàm Cống, khi rẽ về An Giang sẽ đi qua trạm T2. Dù các phương tiện đi quãng đường không dài nhưng phải trả tiền bằng cả chặng. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã dừng thu phí trạm T2 để nghiên cứu giải pháp xử lý.

Tại dự án này, đến nay nhà đầu tư đã miễn giảm giá vé cho 11.793 phương tiện, gồm 1.718 phương tiện thuộc TP Cần Thơ qua trạm T1 và 10.075 phương tiện thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang qua trạm thu phí T2. Hiện nay, Bộ Giao thông chuẩn bị đầu tư dự án tuyến tránh thành phố Long Xuyên. Sau khi được xây dựng và đưa vào sử dụng, các phương tiện qua khu vực không phải qua trạm thu phí T2.

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 gồm hai hợp phần: hợp phần một là cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn km14 - km50+889 dài khoảng 29 km; hợp phần 2 nhằm mở rộng và tăng cường nền, mặt đường quốc lộ 91B đoạn từ Km0 - Km15+793 dài khoảng 15 km.

Dự án này có tổng mức đầu tư ban đầu 1.720 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư dự án tạm tính sau quyết toán là 1.651 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu việc di dời trạm thu phí gần cầu Vàm Cống - Ảnh 2.

Vị trí trạm BOT T2 bị tài xế phản ứng. Ảnh: Thanh Huyền.

Là một trong hai trạm thu phí thuộc Dự án cải tạo nâng cấp mở rộng quốc lộ 91 và 91B, trạm BOT T2 từ khi hoạt động cách đây ba năm đã bị chỉ ra sự bất hợp lý trong vị trí đặt trạm. Nhiều xe chỉ đi vài trăm mét nhưng bị thu phí toàn tuyến, 35.000 - 200.000 đồng. Sự bất cập này lại nóng lên khi cầu Vàm Cống khánh thành mới đây, khi các xe qua cầu đã "đụng" trạm thu phí.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải An Giang, Đồng Tháp đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ như: Di dời trạm thu phí về vị trí khác; phát thẻ thu phí với mức phí khoảng 2.000 đồng mỗi lượt cho những xe chỉ đi từ 300 m trên quốc lộ 91...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.