Bộ Xây dựng chỉ ra nguyên nhân ngập úng tại các đô thị

Theo hai bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ngập úng đô thị như biến đổi khí hậu, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, quy hoạch chưa thực hiện bài bản và có định hướng lâu dài,...

Mật độ xây dựng dày đặc là một trong những nguyên nhân gây ngập úng đô thị. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).  

Nói về tình trạng ngập úng đô thị tại các đô thị, nhất là đô thị lớn tại phiên họp Quốc hội ngày 4/6, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, một những nguyên nhân đến từ việc mất dần các ao, hồ. Thay vào đó là sự hiện diện của các công trình bê tông, các khu dân cư khi lấn chiếm phần diện tích ao, hồ này.   

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhìn nhận, trong quá trình phát triển đô thị, việc lấp ao hồ tự nhiên đã dẫn đến tình trạng ngập úng. 

"Trước đây, công tác quy hoạch chưa được thực hiện bài bản, trong đó có quy hoạch đánh giá tác động môi trường. Hiện chúng ta chủ yếu làm về quy hoạch phát triển đô thị, chú trọng hạ tầng, dịch vụ, dân cư mà chưa tính sâu, sát theo định hướng lâu dài.

Tại sao trước đây chúng ta không bị ngập? Thứ nhất, là do ao, hồ giúp điều tiết, giữ nước khi có mưa lớn. Khi hệ thống thoát nước chảy chưa kịp thì ao, hồ chính là nơi tích trữ. Thứ hai, ao, hồ còn chính là cảnh quan giúp giữ gìn môi trường cho đô thị.

Hiện nay, mật độ xây dựng quá dày đặc cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập úng đô thị. Hệ thống thoát nước tại nhiều nơi còn chưa đảm bảo khi có lưu lượng mưa lớn. Như vậy, muốn chống ngập úng đô thị, cần giải quyết một cách đồng bộ các nguyên nhân.

Cùng với đó, trong các khu đô thị mới, khu vực phát triển mới, cần giữ nhiều ao, hồ để vừa có cảnh quan, vừa là nơi tích trữ nước khi mưa lớn. Từ đây, giúp chống gây tràn, ngập úng cho đô thị. Cần có sự nghiên cứu quy hoạch, xây dựng đô thị bài bản. Tôi đề nghị nâng cấp các hệ thống thoát nước cho các đô thị, đặc biệt là với những đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM thì càng cần có hệ thống thoát nước đồng bộ", ông Khánh nói. 

Đường phố Hà Nội ngập sau mưa lớn. (Ảnh: VnExpress). 

Cùng tham gia trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, tình trạng ngập úng đô thị hiện nay diễn ra rất phức tạp.

Một số nguyên nhân được ông Nghị chỉ ra gồm tác động của điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, dẫn đến nhu cầu xây dựng tăng cao, việc san lấp ao hồ, kênh rạch khiến diện tích bề mặt ngày càng bê tông hóa, làm khả năng tiêu thoát nước, thẩm thấu tự nhiên bị giảm xuống.

Tiếp đến là công tác quy hoạch chưa đảm bảo trong khâu dự báo cũng như đáp ứng yêu cầu về phòng, chống ngập úng đô thị. Việc triển khai quy hoạch và công tác lập, thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, còn do ý thức của người dân còn chưa cao, việc xả rác thải vẫn còn diễn ra dẫn đến tình trạng rác thải cản trở dòng chảy thoát nước. 

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác thoát nước, xử lý nước thải. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Cấp, thoát nước; Luật Quản lý phát triển đô thị và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến xử lý nước thải.

Thứ hai, chú trọng nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Thứ ba, tập trung nguồn lực để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm đảm bảo công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải đô thị.

Cuối cùng, tiếp tục rà soát, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương trong việc triển khai quy hoạch cũng như thực hiện các quy định pháp luật trong xử lý nước thải, cấp, thoát nước thải đô thị.  

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.