Bộ Xây dựng đề xuất loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Theo nhận định của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản từ nay đến hết năm 2021 sẽ không có chuyển biến mang tính đột phá, vì nền kinh tế phía nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Do đó, bộ đề xuất một loạt giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng thị trường.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành, nghề và ngành bất động sản cũng không phải là một ngoại lệ.

Báo cáo tình hình nhà ở và thị trường bất động sản quý III của Bộ Xây dựng cho thấy, hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước đều phải dừng thi công vì lệnh giãn cách và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu, thiết bị. Các dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng không thể triển khai vì cơ quan chính quyền các tỉnh phải tập trung chống dịch. Vì vậy nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt càng không có cơ hội để cải thiện.

Hoạt động giao dịch mua bán bất động sản cũng bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận trong khi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt, phải trải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch.

Từ đầu tháng 10, nhiều địa phương đã gỡ dần các biện pháp hạn chế chống dịch, đồng thời kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới. Tuy nhiên, theo dự đoán của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản từ nay đến hết năm sẽ không có chuyển biến mang tính đột phá, vì nền kinh tế phía nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh.

Bộ Xây dựng đề xuất loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản - Ảnh 1.

Biểu đồ so sánh lượng cung, số giao dịch thị trường bất động sản Việt Nam qua các quý. (Ảnh: VARS).

Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đã đề xuất loạt giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng thị trường bất động sản thời gian tới

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ thị trường

Trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Đảng và Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt thông qua nhiều nghị quyết, quyết định như Quyết định 27/2021 ban hành ngày 25/9 về việc giảm tiền thuê đất đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới về lĩnh vực xây dựng, bất động sản.

Thời gian tới, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản tiếp tục được rà soát, sửa đổi. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 cũng sẽ được nghiên cứu, trình ban hành và sớm triển khai.

Đối với kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị nghiên cứu, bố trí gói tín dụng theo phương thức cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách và các ngân hàng thương mại.

Diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cũng được theo dõi sát sao để kiểm soát và điều chỉnh chính sách kịp thời, giúp thị trường phát triển ổn định và lành mạnh.

Các bộ, ngành cũng cần nghiên cứu, rà soát các vướng mắc, hoàn thiện pháp luật về đầu tư, đặc biệt là cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

Công khai minh bạch thông tin thị trường, quy hoạch

Bên cạnh giải pháp về mặt chính sách, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện một số giải pháp nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng lừa đảo, đầu cơ thổi giá bất động sản.

Theo đó, các địa phương cần tổ chức công bố, công khai thông tin về thị trường bất động sản; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đầu tư phát triển hạ tầng và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương; các dự án đã được phê duyệt; các chủ đầu tư đủ điều kiện huy động vốn theo quy định...

Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương lập, phê duyệt, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm. Đây là cơ sở để chấp thuận chủ trương và triển khai thực hiện các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.

Thời gian xem xét, phê duyệt, cấp mới, điều chỉnh các dự án nhà ở, dự án bất động sản cũng cần được rút ngắn. Cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản cần được điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu của thị trường. Đặc biệt đẩy mạnh phát triển, tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân khu công nghiệp, nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp trung bình.

Bộ Xây dựng cũng nhắc nhở các địa phương khẩn trương chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người dân trong các dự án nhà ở, khu đô thị mới đã đủ điều kiện, tránh tình trạng thắc mắc, khiếu kiện kéo dài. Đồng thời, các địa phương tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.