Bolero 'bị nhảm' do các gameshow truyền hình | |
Đàm Vĩnh Hưng: Tùng Dương đang tự ảo tưởng |
Tranh cãi về bolero thế này, nhạc mới thế kia có thực sự cần thiết hay không?! |
Hay lọt vào tai tôi nhất là Đường xưa lối cũ. Hồi đó tôi không quan tâm lắm, sau này mới biết lời bài hát của Hoàng Thi Thơ rất tình cảm. Còn cậu tôi - người có gu nhạc lạc loài trong nhà - thì hay chơi những bản vàng đẫm hơn. Tôi nhớ nhất bài: “Anh khóc trên vai em, anh khóc trên vai em, một lần cuối, một lần cuối, một lần cuối cùng. Để còn thấy lòng run lần cuối. Một lần cuối cùng thôi, em ơi!”.
Nghe nam ca sĩ nức nở tưởng như anh đang vĩnh biệt người yêu trước khi chính anh hoặc cô kia chết. Nói chung bài hát, cách hát tạo nên ngay một không gian đầy tâm trạng. Gần đây Quang Dũng hát lại cũng hay, nhưng cảm xúc đem lại cho người nghe nhẹ hơn nhiều. Nói chung với những bài thực sự gọi là nhạc vàng mà hát kiểu pop thì cũng mất chất. Nó cũng giống như ca sĩ nhạc nhẹ mà hát cải lương thì vẫn nghe được dù chẳng còn là cải lương.
Thế mới biết nhạc vàng tạo nên cả một trường phái kỹ thuật, cảm xúc riêng mà cho dù hôm nay có rất nhiều ca sĩ hát lại, nhưng những gì gọi là vàng vẫn không tránh khỏi mai một dần. Có lẽ chỉ một số giọng ca hải ngoại là vẫn tiếp nối truyền thống của nhạc vàng mà thôi.
Những bài nhạc vàng não nuột nhất thường chỉ diễn tả một khoảnh khắc buồn bã của con người chứ không có sự chuyển biến cao trào này kia như hình thức ballade các nhạc sĩ sau này hay dùng. Chính vì thế nghe nhạc vàng có cảm giác bí bách, không lối thoát. Ai trong đời chả có lúc buồn, thậm chí khủng hoảng, bế tắc. Khi đó nghe những bản nhạc tương ứng, có thể vỡ òa ra được. Nhạc vàng cũng như một người bạn ta gặp để tâm sự. Sau đó nỗi buồn sẽ được xoa dịu hoặc còn thảm hơn, cũng không chắc.
Nhưng nói chung người buồn thì đừng đổ cho nhạc. Vì có những bài không vàng tí nào nhưng nghe cũng rất buồn. Chán nản của Văn Phụng chẳng hạn: “Gió, gió đã cuốn đi bao nhiêu ước mơ- ôi, xa vời. Sóng, sóng đã cuốn đi cuộc đời tốt tươi. Buồn ơi, chán ơi!”. Cái giỏi của nghệ sĩ là đóng gói được những cảm xúc nhất thời của con người, biến thành tác phẩm trường tồn với thời gian.
Thực ra lằn ranh giữa các dòng nhạc có thể là rất mơ hồ. Cho nên, nhiều bài có thể hát được theo kiểu nhạc vàng hoặc theo kiểu nhạc pop, tùy ca sĩ. Một ca sĩ trong nước được coi là đại diện của dòng bolero hiện nay như Lệ Quyên, thực ra vẫn gộp cả các bài tạm gọi sang và sến trong kho nhạc xưa để hát theo kiểu của riêng cô.
Bolero mặc định là một cách nói tránh của nhạc vàng nhưng về mặt khái niệm không thể thế chỗ. Định danh “nhạc vàng” thiên về tinh thần, giọng điệu của dòng nhạc, trong khi bolero lại khu biệt ở tiết tấu. Không phải bài nhạc vàng ủy mị nào cũng được viết hay trình diễn theo điệu bolero và ngược lại, nhiều bản bolero chả vàng vọt tí nào. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng khái quát nhạc vàng thời ông chỉ có hai thể điệu (đều đã được Việt hóa thành rất chậm) là bolero và slow-rock. Cho nên nếu đã gọi bolero thì chắc phải có thêm dòng nhạc slow-rock?! Nổi tiếng vàng như Thành phố buồn hay Một lần cuối kể trên đều được viết theo lối slow-rock. Trong khi Nắng chiều được coi là ca khúc Việt đầu tiên viết theo điệu bolero nghe lại rất bay bướm. Rồi Tình yêu trên dòng sông quan họ - bolero chính hiệu. Ngay như And I love her của Beatles - một cục bolero.
Nói là ca sĩ và khán giả đang chạy theo bolero cũng không hẳn, nhiều người đang thích dòng nhạc trữ tình thịnh hành ở miền Nam trước 1975 thì đúng hơn. Sự ưa thích khá dai dẳng thời gian gần đây có thể được lý giải từ hoàn cảnh lịch sử. Trong khi ca khúc miền Nam phát triển tương đối tự nhiên, vẫn tiếp tục diễn tả các cung bậc cảm xúc đời thường, thì ở miền Bắc, những cảm xúc riêng tư phải gác lại - dồn năng lượng cho hành động cách mạng. Hai miền thống nhất rồi, dòng nhạc trữ tình miền Nam cũng bị lắng xuống. Thính giả của nhạc vàng, nhạc sến trên cả nước đều phải nghe thứ mình thích một cách không công khai.
Thời điểm bây giờ chính là lúc sở thích của một lớp khán giả chủ yếu trung niên trở lên được bùng phát. Nhưng không hẳn họ được quay trở lại không gian đẫm đìa nhạc vàng mà phải qua màng lọc của các giọng ca hôm nay. Nghĩa là nhiều ca sĩ kể cả không chủ định làm mới nhạc vàng thì cũng không thể nào nghĩ như xưa, hát như xưa được nữa. Có lẽ chính vì được trở lại với một hình thức tương đối mới, nhạc vàng càng khiến khán giả thích thú - đến mức làm các đại diện dòng nhạc khác đâm sốt ruột.
Tóm lại, thực đơn âm nhạc hôm nay đủ phong phú để khán giả cũng như nghệ sĩ tha hồ chọn lựa. Việc một số người cứ lao vào tranh cãi bolero thế này, nhạc mới thế kia âu cũng là một cách biến mình thành tâm điểm truyền thông.
Sân chơi nhạc vàng đang thu hút khá nhiều ca sĩ từ các dòng nhạc trẻ, nhạc thị trường tới nhạc đỏ. Nhiều người cho hay đã nghe, thích và hát theo nhạc vàng từ bé, nhưng bây giờ mới “dám” hát chính thức. Lựa chọn của họ đôi phần có thể mang tính vụ lợi vì nhạc vàng đang kiếm tốt, nhưng dù sao cũng là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự hòa giải giữa các dòng nhạc, cũng như sự bình thường hóa những cảm xúc cá nhân. Nói chung dù lựa chọn hát/nghe nhạc vàng hay không, chỉ cần biết đó là dòng nhạc bình đẳng và cũng cần đất sống như bất cứ dòng nhạc nào. Thế là đủ.
Tóm lại, thực đơn âm nhạc hôm nay đủ phong phú để khán giả cũng như nghệ sĩ tha hồ chọn lựa. Việc một số người cứ lao vào tranh cãi bolero thế này, nhạc mới thế kia âu cũng là một cách biến mình thành tâm điểm truyền thông. |