Bức ảnh Đại sứ Nhật cúi đầu xin lỗi: Cái cúi đầu trước nỗi đau!

Dù đó có là biểu thị của lối hành xử văn minh, không hiểu sao tôi lại không mong muốn nhìn thấy nó, ít nhất là ở trong sự việc này.
buc anh dai su nhat cui dau xin loi cai cui dau truoc noi dau
Ông Kunio Umeda Đại sứ Nhật Bản cúi đầu xin lỗi gia đình cháu bé bị sát hại tại Nhật. Ảnh: Đức Tùy.

Có người hỏi tôi về cảm xúc của mình khi nhìn bức ảnh chụp 2 vị cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về gặp và đứng cúi đầu trước anh Lê Anh Hào (quê Tân Dân, Khoái Châu, Hưng Yên), bố của cháu bé Lê Nhật Linh, bị sát hại tại Nhật Bản cách đây không lâu.

Thực ra trong bức ảnh đó, không chỉ có 2 vị đại diện cho chính quyền và nhân dân Nhật Bản đứng cúi đầu mà anh Hào cũng cúi đầu, đáp lại.

Một bức ảnh rất nhiều ý nghĩa và ẩn chứa nhiều thứ cảm xúc, không dễ gì để nói trong một vài dòng. Nhưng, tôi gọi đó là cái cúi đầu trước những nỗi đớn đau.

Cũng phải nói thêm rằng, người đứng cúi đầu đáp lễ 2 vị khách Nhật Bản kia là anh bạn học cùng cấp 3 với tôi. Vì vậy, khi xem ảnh đó, ngoài những cảm xúc thông thường như bao người khác, tôi có những thứ cảm xúc riêng.

Trào dâng và lớn lao nhất đó là thương cháu gái, thương bạn, đau cùng bạn, xót xa cho bạn.

Tôi gọi cái cúi đầu của 2 bên là cái cúi đầu trước những nỗi đau, bởi với 2 vị khách người Nhật Bản kia, dù là người chủ động và đó có thể là công việc bình thường của một cán bộ Đại sứ quán, nhưng tôi nghĩ họ chắc chắn cũng đau đớn, xa xót tột cùng.

Xét về tầm cỡ thế giới, Nhật Bản vẫn được coi là một xứ sở văn minh, nơi quyền bảo vệ thân thể, nhất là trẻ con được đề cao tuyệt đối. Vì vậy, việc cháu bé Nhật Linh, đến từ Việt Nam bị sát hại trên đất Nhật như một sự kiện gây chấn động dư luận đất nước mặt trời mọc.

Nhiều người cảm thấy ấm lòng, tôn trọng con người và nền văn hóa Nhật Bản hơn khi nhìn hình ảnh 2 vị cán bộ Đại sứ quán cúi đầu trước gia đình nạn nhân.

Không được tiếp xúc nhiều với người Nhật, nhưng qua sách báo, phim ảnh, tìm hiểu về văn hóa, phong tục của họ, tôi biết, người Nhật Bản có sự tự trọng, lòng tự tôn rất cao.

Trong văn hóa người Nhật Bản, việc họ cúi gập người chào nhau vốn là hành vi ứng xử bình thường trong giao tiếp.

Nhưng tôi cho rằng, cái cúi đầu của 2 vị cán bộ kia không chỉ đơn thuần là cái cúi đầu của văn hóa giao tiếp chào hỏi thông thường. Nó là cái cúi đầu xin tha thứ, cúi đầu nhận lỗi, và cao hơn nữa, đó là cái cúi đầu để chấp nhận trước sự thật đau đớn.

Được biết, ngay sau khi vụ án mạng xảy ra, chính quyền Nhật Bản đã vào cuộc rất ráo riết, đầy trách nhiệm nhưng cũng rất chặt chẽ, bài bản. Vụ án mạng như gáo nước dội vào sự chủ quan của chính quyền địa phương nơi cháu Nhật Linh sinh sống, để họ giật mình hoảng hốt và tìm các biện pháp điều chỉnh, trước khi quá muộn.

Đối xứng với cái cúi đầu của người Nhật, là cái cúi đầu của người cha vừa bị mất con.

Đôi mắt thất thần kia lúc đó. Ánh mắt ấy đang nhìn về đứa con thân yêu của mình, đang nhảy nhót biết bao hình ảnh đau đớn về sự ra đi đột ngột của con gái. Người bố ấy đã coi đất nước Nhật Bản là nơi dừng chân lý tưởng để mưu sinh, phát triển.

Khi được định cư tại đó, anh đã làm các thủ tục để bảo lãnh cho vợ, con sang đoàn tụ, rồi xin việc cho vợ, tìm chỗ học cho con. Vậy mà, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Ánh mắt vừa chợt lấp lói lên những niềm vui giờ đã bàng hoàng trong sự đau xót.

Trong bối cảnh ấy, cái cúi đầu của người cha vừa là đáp lễ, nhưng cũng vừa là cúi đầu trước nỗi đau đớn tột cùng.

Nó cũng là cái cúi đầu bất lực trước sự trớ trêu của số phận, tạo hóa. Người cha nào chẳng mong muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho con, vậy mà…!

Nghĩ đến điều này, tự nhiên, không hiểu sao tôi lại đọc thấy trong ánh mắt của người cha ấy, trong cái cúi đầu ấy, có cả chút gì đó có sự ân hận trước quyết định của mình. Bao nhiêu câu “giá mà”…cứ lơ lửng trong đầu người bạn đáng thương của tôi.

Điều không phải bàn cãi trong cái cúi đầu của người Nhật Bản, đó là cách thể hiện lối ứng xử cầu thị, văn minh. Cách cúi đầu của người cha mất con cũng vậy. Ở vào hoàn cảnh ấy, giữa những chồng chất nỗi đau đớn, giằng xé đấy, không dễ gì người ta dành cho nhau những sự trân trọng, văn minh thế được.

Đó là điều mà tôi cho rằng, nó còn thiếu trong rất nhiều tình huống ứng xử hàng ngày của xã hội chúng ta. Nhiều lúc, cần lắm một cái cúi đầu nhận lỗi, một cái cúi đầu vị tha, mà sao khó thế.

Nhưng, dù đó có là biểu thị của lối hành xử văn minh, không hiểu sao tôi lại không mong muốn nhìn thấy nó, ít nhất là ở trong sự việc này.

Biết là thật khó để nói những điều nguyện ước, nhưng lúc này đây, nhìn lại bức ảnh ấy, miệng tôi vẫn đang lẩm bẩm: “ Giá mà nỗi đau đớn ấy đừng xảy ra, thì người ta đâu phải cúi đầu trước nhau một cách không mong muốn thế này”.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.