Thông tin về "giá" ca khúc hay cụ thể hơn là số tiền mà ca sĩ phải bỏ ra để làm album thường rất hiếm khi được tiết lộ. Với nhiều nghệ sĩ, giá cả trong âm nhạc được xem là một đề tài nhạy cảm. Nhưng một khi đã gọi là "thị trường âm nhạc", ai cũng hiểu quan hệ mua - bán là không thể thiếu.
SlimV là một trong những producer được nhiều ca sĩ lựa chọn hiện nay. |
SlimV là một trong những nhà sản xuất (NSX) hiếm hoi lên tiếng công khai về giá cả của ca khúc được các ca sĩ đặt hàng. Trao đổi với Zing.vn, nhà sản xuất cho biết anh nhận 2.000-2.500 USD khi thực hiện mỗi sản phẩm.
Đây cũng là mức giá của việc phối khí của tác giả Phượng hoàng lửa. Như vậy, với một ca khúc vừa sáng tác - vừa phối khí, SlimV nhận được khoảng 5.000 USD, khoảng 115 triệu đồng.
Theo chia sẻ của giới trong nghề, SlimV là một trong những NSX nhận cát-xê cao nhất hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là điều hợp lý bởi anh là người có chuyên môn cao, thực sự đầu tư cho sản phẩm. Tính đến nay, NSX này cũng chưa từng dính vào những ồn ào đạo nhái hoặc sản phẩm bị chê kém chất lượng.
Lý giải việc NSX thường "đắt hàng" làm ca khúc bởi thị trường âm nhạc hiện nay ưa chuộng single, rất hiếm ca sĩ làm album. Nhưng không vì thế mà số tiền mà ca sĩ phải trả cho NSX khi làm album được ít đi.
SlimV cho biết một album có tới trên dưới 10 ca khúc (hoặc nhạc khúc nếu người đặt hàng là nhạc công). Nếu cứ nhân với mức giá ca khúc lẻ, với một album, nam producer sẽ nhận trên dưới 50.000 USD, tương đương 1 tỷ đồng.
Một nguồn tin cho biết 1 tỷ cũng là mức giá chung của các album được đầu tư hiện nay. Album Tâm 9 của ca sĩ Mỹ Tâm hay Portrait của Uyên Linh năm vừa qua mức đầu tư sản xuất cũng lên đến 1 tỷ, thậm chí còn có thể nhiều hơn nếu tính cả chi phí cho những buổi ra mắt, ký tặng, quảng bá.
Thế nhưng, không thể phủ nhận là để làm một album cần rất nhiều thời gian của cả ca sĩ lẫn nhạc sĩ - producer. SlimV chia sẻ rằng nếu nhận 3 album một năm thì anh sẽ không làm được bất cứ công việc gì khác, chỉ đóng cửa trong phòng để làm nhạc.
Hoàng Quyên, Đỗ Bảo và Võ Thiện Thanh mất tới 2-3 năm mới hoàn thành được album Sóng hấp dẫn. Mỹ Linh - Anh Quân cũng bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức mới hoàn thành được Chat với Mozart II.
Album cần concept, cùng lượng ca khúc lên tới 7-10 bài với số tiền đầu tư không hề nhỏ. Đó cũng là một trong những lý do các nghệ sĩ trẻ hiện nay ngại ra album. Thay vào đó, họ thường chọn cách đặt hàng nhạc sĩ 1-2 ca khúc, nếu thành hit và có sự đồng điệu sẽ lại tiếp tục hợp tác.
Nhà sản xuất Slim V. |
Thực tế, nếu đầu tư 1 tỷ cho một album, ca sĩ rất khó lấy lại được vốn từ việc bán đĩa. Ca sĩ Mỹ Tâm đột phá khi bán được 10.000 CD trong bối cảnh hiện nay, nhưng "họa mi tóc nâu" cũng thừa nhận số tiền đó so với công sức bỏ ra là rất nhỏ.
"Coi như bán được 10.000 đĩa là 2,5 tỷ đồng đi, nhưng công sức bỏ ra còn lớn hơn như vậy rất nhiều. Tâm ra đĩa chỉ để mọi người có được cảm xúc giống mình, đó là hạnh phúc khi được trở về thời kỳ nào đó ngày trước, thời kỳ của băng đĩa", nữ ca sĩ nói.
Không chỉ Mỹ Tâm, các nghệ sĩ lớn cũng vẫn đầu tư cho album vì như nhạc sĩ Anh Quân khẳng định "nghệ sĩ không thể thiếu album". Có thể lỗ so với thời gian, công sức, tiền bạc nhưng nhiều ca sĩ vẫn chấp nhận làm.
Và bù lại, một nghệ sĩ có album mới cũng dễ được đánh giá và công nhận. Nếu album có hit, thành quả lại càng không thể đong đếm.
Trao đổi với phóng viên, nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng cho biết việc viết theo đơn đặt hàng ca khúc từ ca sĩ là một nguồn thu tốt của nhạc sĩ và "chẳng phải chuyện gì xấu". Ca khúc cũng là chất xám, và việc ca sĩ hát ca khúc phải trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ là bình thường.
Theo tác giả Bốn chữ lắm, khi có ca khúc, ca sĩ mang đi biểu diễn, chạy show và nhận cát-xê. Do vậy, việc trả tiền cho người sáng tác là lẽ đương nhiên vì "nếu không người nhạc sĩ biết sống như thế nào". Tuy nhiên, Phạm Toàn Thắng cũng rất coi trọng sự đồng điệu, đó là lý do anh rất hạn chế những đơn đặt hàng.
Anh khẳng định viết nhạc cho mình, từ những câu chuyện có thật của bản thân, viết nhạc như một cách rong chơi nên không đặt nặng chuyện tiền bạc. Bù lại, Phạm Toàn Thắng có thu nhập tốt từ viết nhạc quảng cáo, viết nhạc phim.
Thu Hằng ra mắt Hương Đạo trong năm 2018 với các ca khúc dân gian thuộc sở trường của cô. |
Ca sĩ Thu Hằng - quán quân Sao Mai 2015 cũng đồng ý rằng âm nhạc luôn có sự đồng điệu. Nữ ca sĩ sinh năm 1995 cho biết khi cô làm album Hương Đạo với các ca khúc dân gian, phần đông tác giả của sáng tác đều không lấy tiền tác quyền.
Về khâu phối khí cho album, Thu Hằng cho biết album của cô có 3 người phối, và mức giá thấp hơn nhiều so với thị trường. "Mỗi ca khúc chỉ mất 2-3 triệu tiền phối khí, nhưng tôi rất hài lòng về chất lượng. CD của tôi được giúp đỡ rất nhiều, nên tôi chỉ phải đầu tư cho DVD, DVD chắc chắn cần số tiền lớn hơn".
Không có được mức giá thấp như Thu Hằng, nhưng OPlus cũng không mất tới 1 tỷ cho một album như mức giá thông thường. Ca sĩ Quang Minh, trưởng nhóm OPlus cho biết album Smooth ra mắt năm 2017 với tổng số tiền đầu tư là 300 triệu đồng.
"300 triệu, chủ yếu là tiền sản xuất, đặt bài từ nhạc sĩ, thu âm, phối khí cho ca khúc. Ngoài ra, còn chi phí cho công việc ra mắt album. Số tiền cho truyền thông - quảng bá có thể không nhiều nhưng cũng là một phần không thể thiếu để đưa album đến gần hơn với khán giả", ca sĩ Quang Minh nói.
OPlus tiết lộ số tiền nhóm bỏ ra khi làm Smooth là 300 triệu đồng. |
Thực tế, mức đầu tư cho một album phụ thuộc rất nhiều vào tình cảnh của từng nghệ sĩ. Có những nghệ sĩ có thể gần như không mất tiền khi thực hiện album.
Ví như pa Mỹ Linh, ê-kíp thực hiện album Chat với Mozart II của nữ ca sĩ là nhạc sĩ Anh Quân. Nữ ca sĩ hiển nhiên là không phải mất số tiền lên tới 1 tỷ vì "cây nhà lá vườn".
Chồng là nhà sản xuất, gia đình nữ ca sĩ lại có phòng thu ngay tại nhà. Ê-kíp cũng toàn là bạn bè thân thiết, trong đó có cả sự tham gia của hai cô con gái Anna Trương và Mỹ Anh trong album.
Bù lại, cô phải bớt chạy show và từ chối nhiều cơ hội kiếm tiền mới có đủ thời gian, công sức để hoàn thành "đứa con tinh thần".
Những trường hợp như ca sĩ Mỹ Linh tuy không nhiều nhưng từng là một phần của đời sống nhạc Việt. Đó là cặp đôi thực sự, cả trong đời sống lẫn âm nhạc như Quốc Trung - Thanh Lam, Anh Quân - Mỹ Linh hay Hà Dũng - Hồ Quỳnh Hương.
Nhưng khi âm nhạc bị đẩy lên thành công nghiệp, những cặp đôi như vậy cũng sẽ ít đi. Thay vào đó, sẽ là những đợt đặt hàng hai bên cùng có lợi hoặc sự phát triển của mô hình indie, singer/songwriter - tự sáng tác, tự thể hiện, tự làm nhạc cho mình.
XEM THÊM
Vì sao Mỹ Tâm âm thầm ra MV 'Anh chưa từng biết' nhưng vẫn 'khuấy đảo' làng nhạc Việt?
Sáng 25/3, Mỹ Tâm đã "gây bão" cộng đồng mạng bằng việc ra mắt MV "Anh chưa từng biết" - một sáng tác của nhạc ... |
Nỗi lo K-pop hóa nhạc trẻ Việt
Sự tấn công của K-pop vào thị trường nhạc Việt không còn là những bài hát nhạc Việt lai Hàn, mà là cả công nghệ ... |
Mang phát ngôn ảo vào nhạc Việt: Người thành công, kẻ thất bại
Vấp phải chỉ trích ca từ nhảm nhí, thị trường nhưng nhiều ca khúc lấy cảm hứng từ mạng xã hội vẫn được chú ý ... |