Các điểm mới cần lưu ý trong sửa đổi Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp

Chiều 19/9, Bộ Tài chính tổ chức họp báo giới thiệu các điểm mới cần lưu ý về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán

 

Bộ Tài chính tổ chức họp báo giới thiệu các điểm mới cần lưu ý về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. (Ảnh: VGP/HT). 

Thông tin từ Báo Chính phủ, chiều ngày 19/9, Bộ Tài chính tổ chức họp báo giới thiệu các điểm mới cần lưu ý về nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, bao gồm các nội dung mới đáng chú ý sau.  

Về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán, Nghị định bổ sung quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm kết quả xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp và lộ trình thực hiện như quy định đối với chào bán trái phiếu ra công chúng (từ 1/1/2023); hợp đồng ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu trong trường hợp chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản nhận tiền mua trái phiếu.

Về yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, Nghị định bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật; trước và sau khi phát hành phải có công bố thông tin về khả năng bảo đảm thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung quy định tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm. Nội dung Chuyên trang thông tin về TPDN tại Sở GDCK sẽ bổ sung công bố một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp phát hành, thông tin về các doanh nghiệp không thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu, sử dụng vốn trái phiếu không đúng mục đích để nhà đầu tư và thị trường biết được thông tin của doanh nghiệp phát hành.

Về nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư, Nghị định có bổ sung các quy định để tăng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư cá nhân khi mua TPDN riêng lẻ, hạn chế tối đa nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ gian lận để mua TPDN riêng lẻ.

Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải bảo đảm danh mục chứng khoán nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.

Khi mua trái phiếu, nhà đầu tư phải đọc, hiểu và ký văn bản xác nhận đã tiếp cận đầy đủ các tài liệu về trái phiếu dự kiến mua và hiểu biết pháp luật, chấp nhận rủi ro về TPDN riêng lẻ (cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp); tổ chức cung cấp thông tin và tổ chức xác nhận tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cùng ký xác nhận lên văn bản này về việc đã cung cấp đầy đủ thông tin và hồ sơ cho nhà đầu tư.

Nhà đầu tư không được phép bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung quy định nhằm tăng cường tính minh bạch, tuân thủ pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ và thiết lập thị trường giao dịch có tổ chức. 

Theo đó, đại lý phát hành là công ty chứng khoán được Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp phép hoặc ngân hàng thương mại được Ngân hàng nhà nước (NHNN) cấp phép; tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành phải xác nhận về việc doanh nghiệp phát hành đã nhận đủ tiền thu từ phát hành trái phiếu.

Nghị định quy định, tổ chức cung cấp dịch vụ không được là người có liên quan của doanh nghiệp phát hành; trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ đã được bổ sung cụ thể, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức phân phối trái phiếu nếu hỗ trợ doanh nghiệp phát hành khống hoặc cung cấp thông tin sai sự thật, chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu.

Trường hợp các tổ chức này vi phạm quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ phải lưu ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký bù trừ chứng khoán, sau đó đăng ký giao dịch tại Sở GDCK (khoản 11 Điều 1 dự thảo Nghị định). Tại phương án phát hành trái phiếu phải nêu cụ thể đối tượng nhà đầu tư mua trái phiếu, sau khi phát hành trái phiếu chỉ được giao dịch giữa các đối tượng nhà đầu tư đã công bố tại phương án phát hành.

Nghị định cũng hoàn thiện quy định về cơ chế quản lý, giám sát, theo đó, bổ sung trách nhiệm giám sát của Sở GDCK, Tổng công ty Lưu ký bù trừ chứng khoán và trách nhiệm của UBCKNN trong việc quản lý, giám sát và thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Bộ Tài chính có trách nhiệm đánh giá việc thực hiện cơ chế chính sách; quản lý, giám sát tổ chức kiểm toán, doanh nghiệp thẩm định giá khi cung cấp dịch vụ liên quan đến TPDN. NHNN có trách nhiệm giám sát các tổ chức tín dụng khi cấp phép cho các tổ chức này cung cấp dịch vụ đấu thầu, đại lý phát hành trái phiếu.

Bên cạnh việc bổ sung các quy định mới, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các giải pháp nhằm phát triển thị trường TPDN an toàn, minh bạch, bền vững thông qua các giải pháp về rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường.  

"Thời gian tới, thị trường sẽ phát triển thêm các nhà đầu tư chuyên nghiệp, quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ, còn nhà đầu tư cá nhân sẽ được khuyến khích tham gia phát hành TPDN ra công chúng. Nhà đầu tư cá nhân chưa đủ năng lực phân tích rủi ro có thể tham gia các hoạt động an toàn hơn như chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu, ủy thác cho công ty quản lý quỹ. Bộ Tài chính cũng nâng cấp các tổ chức trung gian như công ty chứng khoán bao gồm nâng cao năng lực cán bộ và đạo đức nghề nghiệp, có liêm chính cao. Đồng thời, tăng cường phổ biến kiến thức cung cấp thông tin kịp thời phát triển thị trường trái phiếu", đại diện Bộ Tài chính cho hay.

 

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.