Là một trong 7 đô thị vệ tinh của TP HCM, nằm ở cửa ngõ phía Bắc của khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Phước hiện là một trong những điểm nóng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của cả nước.
Bên cạnh đó, việc định hướng đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp và thu hút lượng lớn lao động đổ về cũng khiến nhu cầu nhà ở nơi đây tăng cao, từ đó kéo theo sự sôi động của thị trường bất động sản với hàng loạt chủ đầu tư đổ về làm dự án.
Dựa trên lợi thế vị trí tự nhiên, Bình Phước đang được kỳ vọng nối tiếp Bình Dương trở thành thủ phủ phát triển công nghiệp của khu vực phía Nam. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Phước sẽ quy hoạch thêm 61 cụm công nghiệp quy mô hàng chục ngàn ha.
Năm 2021, tỉnh Bình Phước đã thu hồi gần 23.000 ha đất để phục vụ chiến lược xây dựng các dự án phát triển công nghiệp.
Trước đó, tháng 8/2020, tỉnh Bình Phước cũng đề xuất các cơ quan chức năng của Quốc hội chấp thuận cho tỉnh quy hoạch 70.000 ha đất để phát triển công nghiệp, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao và mở rộng 3 khu công nghiệp gồm Minh Hưng III (577 ha), Bắc Đồng Phú (317 ha) và Minh Hưng Sikico (1.000 ha).
Hiện, trên địa bàn tỉnh đang có 14 khu công nghiệp và một khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với tổng diện 4.679 ha, tập trung chủ yếu tại thành phố Đồng Xoài, huyện Chơn Thành và Đồng Phú. Trong đó, hai khu công nghiệp Chơn Thành I và Nam Đồng Phú đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, 4 khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, Đồng Xoài I, Chơn Thành II và Minh Hưng III đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90%.
Bên cạnh đó, đầu năm 2022, CTCP Đầu tư Bất động sản Thành Phương đã khởi công 4 cụm công nghiệp Tân Tiến 1, Tân Tiến 2, Tân Phú, Tiến Hưng với tổng quy mô hơn 230 ha, với tổng mức đầu tư hơn 1.530 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh.
Điều này đã góp phần làm tăng số lượng khu công nghiệp ở Bình Phước, kéo theo đó là lượng lớn lao động đổ về.
Thông tin từ Báo Tiền Phong, giai đoạn vừa qua, mỗi năm Bình Phước đã ghi nhận thêm hơn 10.000 chuyên gia, kỹ sư và công nhân đến làm việc tại các khu công nghiệp. Tính đến cuối năm 2021, số lượng lao động ngoại tỉnh tại Bình Phước chiếm khoảng 35% và con số này sẽ còn tăng song song cùng với sự mở rộng hệ thống khu công nghiệp.
Bên cạnh tiềm năng về phát triển công nghiệp, hệ thống hạ tầng giao thông tại Bình Phước cũng đang trên đà đi lên với các dự án cao tốc kết nối các địa phương quan trọng.
Gần nhất, chiều ngày 20/3, trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, UBND Bình Phước đã kiến nghị Chính phủ xem xét, phê duyệt dự án nâng cấp mở rộng đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà để kết nối Bình Phước với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải.
Theo quy hoạch mạng lưới giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường ĐT 753 được quy hoạch nâng cấp lên thành Quốc lộ 13C (đi từ Đồng Xoài, Bình Phước đến Trảng Bom, Đồng Nai).
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Bình Phước ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trước mắt là giao thông đường bộ, đặc biệt là các tuyến cao tốc chiến lược như TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (Bình Phước); Dự án cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đăk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Ngày 15/11/2021 đã diễn ra khởi công xây dựng công trình đường từ cầu Tam Lập đến Đồng Phú thuộc tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàng Bàng với chiều dài tuyến đường là 12,15 km, liên kết vùng giữa hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước.
Ngày 3/8/2021, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo hình thức PPP.
Tuyến cao tốc này có tổng chiều dài 68,7 km, bao gồm hai đoạn tuyến. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ đầu tư 8,6km từ nút giao Gò Dưa đến nút giao An Phú theo quy mô 10 làn xe, vốn đầu tư dự kiến 24.274 tỷ đồng và được triển khai trong giai đoạn 2021–2025.
Với những lợi thế trên, tỉnh Bình Phước đang là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp bất động sản. Đơn cử, cuối tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Đất Xanh đã thông qua chủ trương cho công ty liên kết là CTCP Đất Xanh Capital đầu tư dự án tại Bình Phước với quy mô khoảng 200 ha, tổng mức đầu tư khoảng 6.480 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo báo cáo thường niên năm 2021 của Đất Xanh, trong dài hạn, công ty sẽ triển khai dự án Khu đô thị Datxanh Homes Opal Green City trên địa bàn tỉnh này với quy mô 300 ha.
Trước đó, vào tháng 4/2021, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Phước cùng UBND TP Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, Đất Xanh cho biết Bình Phước là thị trường trọng tâm trong chiến lược đầu tư tại khu vực Đông Nam Bộ giai đoạn 2021-2025.
Theo kế hoạch, tập đoàn này sẽ làm các dự án đô thị mới kiểu mẫu quy mô từ 100 ha trở lên với tổng vốn dự kiến 10.000 tỷ đồng.
Không chỉ Đất Xanh, thành viên của Cenland, Cen Sài Gòn cũng tiết lộ kế hoạch lấn sân thị trường Bình Phước trong năm 2022 thông qua việc “bắt tay” hợp tác cùng CTCP Đầu tư - Bất động sản Thành Phương - một đơn vị địa ốc có tiếng tại địa phương.
Bên cạnh đó, ngày 20/3, UBND tỉnh Bình Phước đã trao văn bản chấp thuận cho Tập đoàn Sungroup khảo sát, lập quy hoạch và đề xuất dự án Khu đô thị du lịch hồ Suối Giai, Tây Hồ Bà Mụ Bình Phước. Dự án này có diện tích dự kiến hơn 5.900 ha và được dự báo sẽ trở thành khu đô thị vệ tinh của tỉnh Bình Phước trong tương lai.
Cùng ngày 20/3, UBND tỉnh cũng có văn bản chấp thuận đối với hai dự án tổ hợp giáo dục FPT của Tập đoàn FPT và dự án Sân golf kết hợp khu đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng Chơn Thành của CTCP Phúc An Khang Chơn Thành.
Cuối tháng 12/2021, UBND tỉnh Bình Phước cũng duyệt CTCP Đầu tư Phát triển Ninh Phong làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị Tiến Hưng III với tổng diện tích khoảng 19,7 ha, mức đầu tư khoảng 721 tỷ đồng. Dự kiến hết tháng 1/2024 dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm.
Riêng trong năm 2021, tỉnh Bình Phước liên tục công bố thu hồi đất để thực hiện dự án. Theo nghị quyết do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành hồi đầu năm, tổng diện tích thu hồi dự kiến hơn 18.800 ha nhằm thực hiện 615 dự án trên địa bàn, phần lớn tại TP Đồng Xoài (3.722 ha) và huyện Chơn Thành (6.578 ha).
Đến tháng 12/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước tiếp tục thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất năm 2022, mục tiêu thực hiện 653 dự án với tổng diện tích 19.487,9 ha, vị trí tại các huyện Chơn Thành, Lộc Ninh và TP Đồng Xoài.
Không chỉ các doanh nghiệp, thực tế ghi nhận trong thời gian gần đây, giới đầu cơ cũng ồ ạt kéo về huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước để rao bán đất, phân lô bán nền, đặc biệt là sau thông tin Thủ tướng Chính phủ khảo sát xem xét đề xuất xây dựng dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà.