Việc mua một chiếc laptop mới là việc làm quá dễ dàng trong thời đại công nghệ hiện nay, nhưng laptop như thế nào là đảm bảo chất lượng hoạt động tốt không phát sinh lỗi. Hãy cùng tham khảo qua một số bước kiểm tra laptop trước khi mua dưới đây.
Để đảm bảo chiếc laptop mới bạn sắp mua vẫn còn "nguyên zin" thì trước tiên bạn cần kiểm tra kĩ tổng thể bên ngoài từ hộp đựng máy cho đến vỏ máy, bạn cần kiểm tra các phụ kiện xem có đầy đủ hay không.
Mặc dù trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường, nhà sản xuất đã kiểm tra rất kĩ máy để tránh các trường hợp lỗi xảy ra, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa là chiếc laptop của bạn trong tình trạng tốt nhất.
Đây là bước đầu tiên cần thực hiện khi mua laptop. Bạn cần kiểm tra hộp đựng xem trên hộp có vết lõm, vết rách nào không. Trong trường hợp có vết lõm, rách, hay bất kì dấu hiệu nào cho thấy hộp máy đã bị "bóc tem", hãy cẩn thận. Đồng thời bạn kiểm tra xem hộp máy có còn nguyên seal nguyên kiện hay không, tránh trường hợp máy đã bị bóc hộp rồi dán lại.
Thông thường hộp sản phẩm sẽ chứa cả máy, pin, dây nguồn, trừ các model dùng pin tích hợp. Nếu máy dùng pin rời thì bạn sẽ phải lắp pin thủ công vào. Bước này bạn cần kiểm tra xem đã có đầy đủ phụ kiện theo đúng lời nhân viên giới thiệu hay không.
Nếu như ở bước kiểm tra tổng thể bên ngoài máy bạn không thấy có vấn đề gì xảy ra thì mọi chuyện đã ổn rồi. Bước tiếp theo bạn hãy kiểm tra xem thông số phần cứng của máy có đúng với những gì bạn đã tham khảo từ nhà sản xuất hay nhân viên bán hàng tư vấn hay không.
Thực hiện việc này cũng khá dễ dàng, bạn chỉ cần ra màn hình Desktop và nhấn chuột phải vào biểu tượng My Computer sau đó chọn Properties, một màn hình mở ra hiển thị các thông số về cấu hình máy bạn như vi xử lý, dung lượng RAM, hệ điều hành đang được cài đặt và đã có bản quyền hay chưa…Bạn có thể nhờ bộ phận kỹ thuật kiểm tra giúp bạn các thông số khác như: về tốc độ, bus, cache, có bao nhiêu core…
Bạn có thể tham khảo các cách kiểm dưới đây nếu như không muốn nhờ bộ phận kĩ thuật
Để kiểm tra, bạn mở cửa sổ System Properties trên máy bằng cách sau:
- Windows 7: Click chuột phải vào biểu tượng My Computer trên desktop rồi chọn Properties. Nếu trên màn hình desktop chưa hiện biểu tượng này, bạn click chuột phải vào màn hình desktop chọn Personalize>change desktop icons và tích vào ô Computer ở phía trên cùng, trong mục Desktop icons.
- Windows 8: bạn mở Windows Explorer, click chuột phải vào "This PC" phía bên trái, chọn Properties
Hãy kiểm tra các thông tin hiện ra với thông tin mà nhà sản xuất quảng cáo, gồm phiên bản Windows (nếu máy được cài sẵn Windows), chip (Processor), RAM (Installed Memory).
Tiếp theo, bạn kiểm tra dung lượng ổ cứng bằng cách mở menu Run (phím Windows + R). Tại cửa sổ này bạn nhập diskmgmt.msc rồi ấn phím Enter hoặc click OK.
Tại đây bạn có thể kiểm tra xem dung lượng ổ cứng thực trên máy có đúng với dung lượng mà nhà sản xuất quảng cáo hay không. Lưu ý rằng dung lượng mà HĐH nhận được chỉ khoảng 92% dung lượng mà nhà sản xuất laptop quảng cáo, do cách tính dung lượng khác nhau giữa nhà sản xuất phần cứng và Windows. Nói vậy để bạn biết rằng mức chênh lệch đó là hoàn toàn bình thường chứ không phải lỗi của nhà sản xuất.
Cuối cùng chúng ta cần kiểm tra thành phần card đồ họa. Bạn cũng mở menu Run như trên nhưng nhập lệnh devmgmt.msc rồi Enter hoặc click OK.
Bạn mở rộng mục "Display Adapters" trong cửa sổ hiện ra (ấn vào mũi tên bên cạnh). Đây là thành phần card đồ họa mà Windows nhận diện được và bạn có thể kiểm tra xem nó có đúng với model card của nhà sản xuất laptop đã quảng cáo hay không.
Bước kiểm tra tiếp theo bạn cần làm là kiểm tra xem các loại kết nối như cổng USB, Bluetooth, Wi-Fi có hoạt động bình thường hay không, để kiểm tra được phần này thì trước khi tiến hành đi mua laptop bạn nên chuẩn bị sẵn như một chiếc USB có sẵn dữ liệu và một chiếc smartphone.
Bạn sẽ thắc mắc tại sao lại mang theo USB và smartphone đúng không? Nguyên nhân đơn giản là thật khó để kiểm tra được USB hay Bluetooth có hoạt động tốt hay không nếu nhìn bằng mắt thường, việc mang USB theo bạn có thể kiểm tra tốc độ đọc ghi dữ liệu, smartphone sẽ giúp bạn kiểm tra được kết nối Bluetooth.
Đối với bàn phím, bạn có thể mở một trình soạn thảo văn bản như Microsoft Word, Notepad... và gõ thử có phím nào bị liệt hay không. Còn với touchpad bạn hãy di chuyển xem cảm ứng có hoạt động ổn định không. Nếu bạn sợ mình bỏ soát phím nào thì có thể nhờ sự hỗ trợ từ chức năng test keyboard online trên google.
Để kiểm tra loa hay jack tai nghe thì đơn giản hơn, hãy mở một bản nhạc và tận hưởng âm thanh như thế nào, thông thường laptop không có phụ kiện tai nghe kèm theo vậy nếu muốn kiểm tra kĩ bạn nên chuẩn bị sẵn một chiếc tai nghe ở nhà trước khi đi mua máy nhé.
Để kiểm tra màn hình laptop của bạn có những điểm ảnh chết hay không thì hãy để màn hình ở chế độ nền đen hoặc trắng thì các điểm ảnh này sẽ dễ dàng nhìn thấy được. Nhưng bạn cũng không quá lo lắng vì lỗi này thường rất ít xảy ra, thông thường với lỗi điểm ảnh chết thì các nhà sản xuất đồng ý bảo hành cho bạn với điều kiện phải từ 5 đến 10 điểm trở lên.