Hai năm trở lại đây, nền âm nhạc Việt Nam tiến bộ từng ngày bằng việc bắt kịp các xu hướng trên thế giới. Bên cạnh những thế hệ ca sĩ đã quá quen thuộc với khán giả, thì mỗi năm, có hàng chục ca sĩ trẻ xuất hiện, sở hữu nhiều tài năng vượt trội cùng hình ảnh tươi trẻ, hiện đại. Cái hay của những ca sĩ trẻ này chính là, họ biết theo kịp trào lưu và "đời sống hóa ca từ" để mỗi sản phẩm họ ra mắt đều dễ dàng trở thành hot, tiếp cận được số đông khán giả mà không cần quá nhiều công cụ PR.
Từ năm 2015, các ca khúc làm "điên đảo" làng nhạc Việt và tạo nên những trào lưu cover khắp cộng đồng mạng như: Forever Alone (Justatee), Anh không đòi quà (Only C và Karik)... đã gây nên một hiệu ứng nhất định. Đây đều là những ca khúc "ăn theo trào lưu", nhưng vì thế mà dễ dàng đến gần với khán giả, cũng là cách để tên tuổi ca sĩ được biết đến nhiều hơn. Cũng nhờ hai ca khúc khai màn này, mà Vpop bắt đầu nở rộ trào lưu "đời sống hóa ca từ". Ăn gì đây?, Không phải dạng vừa đâu, Soái ca, Mình thích thì mình yêu thôi, Bao giờ lấy chồng, Số Nhọ, Não cá vàng... đều là những ca khúc "chiếm sóng" Vpop và gây thích thú đặc biệt cho khán giả. Và đó cũng chính là cái khôn mà các ca sĩ trẻ của Vpop hiện giờ đang tận dụng.
"Bao giờ lấy chồng" của Bích Phương ra mắt đúng dịp Tết Nguyên Đán và phù hợp với câu nói cửa miệng hiện nay trong giới trẻ đã khiến cả khúc mau chóng trở thành hot |
"Não cá vàng" của Lou Hoàng và Only C vừa ra mắt hơn 1 ngày đã đạt 1 triệu lượt xem cũng một phần nhờ tựa đề ca khúc quá hợp trào lưu |
Nếu như thế hệ ca sĩ trước như: Đan Trường, Lam Trường, Mỹ Tâm... theo đuổi dòng nhạc trẻ nhưng đa số là các ca khúc nhạc Hoa lời Việt và ca từ trau chuốt. Tất nhiên, họ vẫn gây ấn tượng mạnh cho khán giả và tạo dựng được tên tuổi vững chắc khó thay thế cho đến tận bây giờ. Thì ở thời điểm hiện tại, có lẽ do việc tiếp cận thị trường âm nhạc quốc tế quá rộng rãi nên các ca sĩ cũng từ đó mà thoải mái hơn trong các sản phẩm âm nhạc.
Không chỉ đặt tiêu đề ăn theo trào lưu của giới trẻ, mà trong nội dung ca khúc, đôi khi cũng có phần hơi dễ dãi và mang nặng quan điểm cá nhân. "Không phải dạng vừa đâu" của Sơn Tùng M-TP ra mắt năm 2015 là một ví dụ điển hình, ca khúc khi mới phát hành đã đứng trước nhiều ý kiến trái chiều của khán giả và giới chuyên môn, nhiều người cho rằng anh đang có ý "đá xéo" hai nhạc sĩ Dương Khắc Linh và Phó Đức Phương vì scandal đạo nhái trước đó, không những vậy lời ca khúc có phần hơi tự tin thái quá. Nhưng cuối cùng, ca khúc lại chiếm sóng khắp các bảng xếp hạng âm nhạc với số lượt nghe "khủng" và tạo nên trào lưu cover, trở thành câu cửa miệng của nhiều khán giả suốt một thời gian dài. Hay ca khúc "Mình thích thì mình yêu thôi" của Hồ Ngọc Hà và Noo Phước Thịnh được giải thích rằng, đặt tên ca khúc như thế vì ấn tượng với từ khóa hot nhất mạng xã hội. Và thực tế là, khán giả trẻ hiện nay cũng thường tìm đến những ca khúc có ca từ đời thường như một thú vui giải trí cần phải có.
"Không phải dạng vừa đâu" của Sơn Tùng đến hiện tại vẫn nằm lòng khán giả, dù ca khúc bị chỉ trích không ít. |
Ca khúc "Mình thích thì mình yêu thôi" của Hồ Ngọc Hà và Noo Phước Thịnh cũng được thừa nhận là đặt tựa đề cho phù hợp với từ khóa hot nhất hiện nay. |
Vẫn biết "đời sống hóa ca khúc" sẽ giúp các ca sĩ tiếp cận được dễ dàng hơn với khán giả, đôi khi còn tạo nên trào lưu trong dư luận. Nhưng nếu lạm dụng cái "khôn" này quá mức, sẽ vô tình dẫn đến trần trụi, phản cảm và khiến nhạc Việt không còn giá trị nghệ thuật vốn có. Nhất là, các ca khúc này, dễ gây sốt nhưng lại có tuổi thọ không bền.
Chính vì thế, dù cho nhạc Việt ở những năm 2000, 2010 hay 2017 thì tính nghệ thuật vẫn phải đặt lên hàng đầu. Chất lượng sẽ khiến bản thân người nghệ sĩ lẫn sản phẩm đó tồn tại lâu hơn với khán giả, thay vì mang tính chất nhất thời chỉ để “câu view” và “phủ sóng” tên tuổi. Nghệ sĩ trẻ hiện nay – hay còn gọi là những “tân binh” mới của Vpop, tài năng có thừa, họ có thể vừa hát vừa sáng tác và vũ đạo tốt, nhưng thiết nghĩ, cái giỏi đó nên được tận dụng đúng mực.