Cần Thơ khẩn trương hoàn thành các gói thầu sử dụng vốn ODA

Một số gói thầu thuộc dự án 3 đang chậm tiến độ như kè sông Cần Thơ và đường sau kè; xây dựng cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, gói thầu cải tạo hạ tầng đường Hoàng Quốc Việt (quận Ninh Kiều).

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ và các sở, ngành, địa phương về tình hình thực hiện các gói thầu xây lắp và điều chỉnh gia hạn dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3) ngày 19/8, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công.

Theo ông Trần Việt Trường, hiện tại vẫn còn một số công trình thuộc Dự án 3 đã làm mấy năm nhưng mới đạt chưa tới 40% tiến độ. Do đó, đối với các dự án đã và đang triển khai thực hiện, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực phối hợp với các nhà thầu tổ chức thi công khẩn trương.

Khi gặp vướng mắc, nếu đơn vị có khả năng thì chủ động giải quyết, vấn đề nào vượt thẩm quyền thì phải báo cáo ngay cho lãnh đạo thành phố; trong đó, Ban Quản lý dự án ODA phải chủ động hơn nữa, cam kết cuối năm nay phải giải ngân được 95% kế hoạch vốn năm 2022 và phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công rất quan trọng, góp phần phát triển thành phố, riêng Ban Quản lý dự án ODA đóng vai trò quan trọng do đó cần làm thật nghiêm túc.

Ông Trần Việt Trường đề nghị Ban Quản lý dự án ODA phải chủ động toàn bộ, thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ, giải ngân kịp thời và phối hợp với các địa phương để tập trung cho giải phóng mặt bằng, nhất là các trường hợp đang vướng mắc.

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, các dự án chủ yếu nằm trên địa bàn quận Ninh Kiều. Tại cuộc họp, lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Ninh Kiều đã thể hiện quyết tâm và đã có cam kết về thời gian, phần còn lại Ban Quản lý dự án ODA phải phối hợp chặt chẽ để thực hiện.

Người đứng đầu chính quyền thành phố Cần Thơ cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc nghiệm thu, bàn giao công trình hoàn thành của các gói thầu còn lại của Dự án 3. Đối với quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố cần tập trung nhanh chóng thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân.

“Đề nghị Ban ODA phải chủ động hơn, làm sao cam kết cuối năm nay giải ngân 95%. Việc này phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố và Ban Thường vụ Thành ủy”, ông Trường nói.

Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị có tổng vốn đầu tư hơn 7.843 tỷ đồng; trong đó, vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) hơn 250 triệu USD, vốn không hoàn lại từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) là 10 triệu USD, còn lại vốn đối ứng hơn 1.917 tỷ đồng.

Dự án nhằm góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ vùng lõi trung tâm của thành phố trước rủi ro do ngập lụt, tăng cường khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố và các khu vực đô thị mới phát triển, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường năng lực của chính quyền thành phố trong việc quản lý rủi ro thiên tai, ngập lụt.

Theo ông Đoàn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA, dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị có thời gian thực hiện từ năm 2016 đến năm 2022, do nhiều nguyên nhân tác động dẫn đến dự án bị chậm tiến độ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư và cho phép gia hạn dự án đến ngày 30/6/2024. Hiện, tiến độ giải ngân chung của dự án đạt 53% vốn đối ứng còn vốn ODA mới chỉ đạt 38%.

Dự án có khoảng 3.750 hộ dân bị ảnh hưởng, đến nay 97% trong tổng số hộ được bồi hoàn và đã có trên 2.900 hộ bàn giao đất cho đơn vị thi công.

Một số gói thầu thuộc Dự án 3 đang chậm tiến độ như: gói thầu kè sông Cần Thơ và đường sau kè, gói thầu xây dựng cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, gói thầu cải tạo hạ tầng đường Hoàng Quốc Việt (quận Ninh Kiều).

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.