Tuyến đường gần 1.400 tỷ ở Cần Thơ giãn tiến độ nhiều năm, Bộ GTVT nói gì?

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 được TP Cần Thơ phê duyệt với tổng mức đầu tư 1.398 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án hiện đang bị tạm dừng, giãn tiến độ từ năm 2011.

 Hướng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ (Ảnh: Báo Pháp Luật TP HCM)

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông Vận tải, ngày 3/8, Bộ đã trả lời kiến nghị của cử tri TP Cần Thơ về đầu tư quốc lộ 91, quốc lộ 91B, tuyến đường sắt… đi qua địa phận Cần Thơ.

Theo đó, một số kiến nghị của cử tri TP Cần Thơ như quốc lộ 91 (đoạn từ Km0 - Km7) đã có chủ trương đầu tư từ năm 2011, tuy nhiên đến nay do nhiều nguyên nhân vẫn chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, nguồn vốn của thành phố còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể bố trí để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Cử tri kiến nghị Bộ GTVT sớm tiếp tục đầu tư đoạn này nhằm tạo thông thoáng giao thông, mỹ quan thành phố và ổn định cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, cử tri đề xuất bố trí vốn thực hiện mở rộng tuyến Quốc lộ 91B thuộc địa phận TP Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu lưu thông phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân. Sớm đề xuất xây dựng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ và xây dựng cầu Cần Thơ 2.

 Cử tri cũng đề nghị thực hiện mở rộng tuyến đường Võ Nguyên Giáp nhằm đảm bảo cho việc lưu thông hàng hóa xuống cảng Cái Cui được thuận lợi, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu hàng hóa cho TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Về đầu tư quốc lộ 91 đoạn Km0 - Km7, đây là đường đô thị đã được Bộ GTVT bàn giao cho UBND TP Cần Thơ quản lý và đặt tên là đường Cách Mạng Tháng Tám và Lê Hồng Phong.

UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 đoạn từ Km0 - Km71 với tổng mức đầu tư 1.398 tỷ đồng. Dự án hiện đang bị tạm dừng, giãn tiến độ từ năm 2011.

Tại nghị quyết ban hành ngày 30/8/2021 của Chính phủ, Chính phủ giao UBND TP Cần Thơ là cơ quan chủ trì thực hiện dự án này trong giai đoạn 2021 - 2030 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động khác.

Trên cơ sở đề nghị của UBND TP Cần Thơ và báo cáo của Bộ GTVT về việc quản lý và triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án mở rộng quốc lộ 91 đoạn Km0 - Km7. Phó Thủ tướng đã đề nghị UBND TP Cần Thơ phối hợp với Bộ GTVT, Bộ KHĐT và Bộ Tài chính xem xét phương án đầu tư và nguồn vốn phù hợp thực hiện dự án mở rộng quốc lộ 91 đoạn Km0 - Km7, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 10/7, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến giao UBND TP Cần Thơ rà soát, bố trí số vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của TP và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai, thực hiện dự án.

Do đó, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Cần Thơ căn cứ các ý kiến chỉ đạo nêu trên để triển khai thực hiện dự án và trả lời kiến nghị của cử tri TP Cần Thơ về nội dung nêu trên theo thẩm quyền. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND TP Cần Thơ trong quá trình triển khai thực hiện.

Về đầu tư mở rộng quốc lộ 91B, tuyến này dài khoảng 16 km, có điểm đầu tại Km0+000 (giao với đường 3/2 và đường Nguyễn Văn Ninh, quận Ninh Kiều) và điểm cuối tại Km15+793 (giao quốc lộ 91, quận Ô Môn).

Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép bổ sung mở rộng, tăng cường nền mặt đường đoạn Km0+00 - Km15+793 quốc lộ 91B vào dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn Km14+000 - Km50+889 theo hình thức Hợp đồng BOT.

Bộ GTVT hiện đã phê duyệt đầu tư bổ sung quốc lộ 91B vào dự án BOT với quy mô đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Dự án đã hoàn thành và nghiệm thu đưa vào kinh doanh, khai thác từ ngày 31/12/2016.

Do quốc lộ 91B thuộc TP Cần Thơ, trên cơ sở đề nghị của địa phương, Bộ GTVT đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận đề nghị của UBND TP Cần Thơ về việc tiếp nhận, quản lý đoạn tuyến quốc lộ 91B.

Vì vậy, sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận, Bộ GTVT sẽ tiến hành bàn giao quốc lộ 91B cho UBND TP Cần Thơ quản lý và đầu tư theo quy hoạch của thành phố.

Về xây dựng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ, Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường sắt TP HCM - Cần Thơ có chiều dài khoảng 174 km, đường đôi, khổ 1.425 mm, dự kiến nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.

Hiện nay, Bộ GTVT đã giao BQL Dự án Đường sắt nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Do dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, nên việc nghiên cứu chuẩn bị đầu tư cần được xem xét một cách kỹ lưỡng nhằm bảo đảm hiệu quả, tính khả thi và các yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật.

Về xây dựng cầu Cần Thơ 2, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu có chiều dài 15 km, quy mô 4 làn xe, có lộ trình đầu tư trước năm 2030.

Quá trình nghiên cứu dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã đánh giá quy mô của cầu Cần Thơ hiện nay vẫn đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2030.

Ngoài ra, kinh phí để xây dựng cầu Cần Thơ 2 rất lớn, do đó, trong điều kiện hạn chế về nguồn lực, trong giai đoạn này tuyến cao tốc sẽ vượt sông Hậu thông qua cầu Cần Thơ hiện hữu, Bộ GTVT hiện đang giao các đơn vị chủ động nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để triển khai ngay khi cân đối được nguồn lực, đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai. 

Về đầu tư đầu tư mở rộng đường Võ Nguyên Giáp, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quốc lộ 91B qua TP Cần Thơ dài khoảng 24 km, quy mô quy hoạch cấp III, 2 - 4 làn xe. Hiện trạng đoạn từ Km0 - Km6+600 và Km15+793 - Km16+238 đạt quy mô cấp III, 4 làn xe, các đoạn còn lại có quy mô III, hai làn xe.

Để đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (53, 62 và 91B) dự kiến sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Hiện nay, Bộ KHĐT đang tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất Dự án làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.