Cảnh báo nguy cơ hiếm muộn, viêm não do quai bị

Tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội trong các tuần gần đây gia tăng số bệnh nhân là người lớn đến khám và nhập viện do quai bị. Nhiều trường hợp đã bị tai biến nguy hiểm.

Tại Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai, Đống Đa, số bệnh nhân là người lớn đến khám và nhập viện do quai bị tăng trong các tuần gần đây.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Mạnh Cường, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết, từ đầu năm đến nay có 22 bệnh nhân quai bị đến khám. Một số phải nhập viện do biến chứng. Bệnh nhân T.V.A (28 tuổi, ở Q.Cầu Giấy) cho biết, anh phải vào viện do sốt, sưng đau góc hàm 2 bên, tinh hoàn bên trái sưng đau. 5 ngày trước nhập viện, bệnh nhân có tiếp xúc với một người bạn mắc quai bị. Chỉ một ngày sau thì có biểu hiện bệnh.

Bệnh nhân Đ.T.V (63 tuổi, ở Q.Bắc Từ Liêm) cũng nhập viện vì viêm tụy do tai biến sau khi mắc quai bị. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tụy trong máu (amylase) tăng cao gấp 2,5 lần so với bình thường.

Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viên Bạch Mai, bệnh nhân là sinh viên (23 tuổi, ở Cầu giấy, Hà Nội) cho biết, sau khoảng 4 ngày có biểu hiện quai bị (sưng hai bên tuyến mang tai) bệnh nhân sốt cao, sưng đau tinh hoàn. Trước khi mắc, bệnh nhân này có tiếp xúc với người bạn mắc quai bị.

Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gần đây số bệnh nhân người lớn mắc quai bị đến khám, nhập viện cao hơn hẳn so với thời điểm 5 - 7 năm trước. Trong 2017, số ca mắc quai bị cũng có xu hướng tăng trong các tuần qua.

Hiếm muộn, viêm tụy, viêm não... do quai bị

Theo bác sĩ, quai bị thường gặp ở trẻ em và bệnh thường lành tính. Tuy nhiên, một trong những biến chứng do quai bị có thể gặp ở ca bệnh người lớn là viêm tinh hoàn (nam giới) và viêm buồng trứng (nữ). Biến chứng này có thể gây hiếm muộn, vô sinh dù tỷ lệ thấp.

Viêm tinh hoàn không gây suy giảm khả năng tình dục, tuy nhiên cần lưu ý theo dõi về các nguy cơ gây hiếm muộn sau viêm. “70% viêm tinh hoàn có sưng một bên, 30% sưng hai bên. Nếu bị sưng tinh hoàn hai bên thì nguy cơ vô sinh cao hơn”, bác sĩ chia sẻ.

“Bệnh nhân mắc quai bị nếu có biểu hiện đau bụng cần đi khám bởi đó có thể là triệu chứng của viêm tụy. Hoặc xuất hiện đau đầu, nôn có thể là “chỉ điểm” biến chứng viêm não/màng não do quai bị. Với các trường hợp đó, bệnh nhân cũng cần đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị đúng”, bác sĩ Đỗ Duy Cường lưu ý. Với bệnh nhân nữ mắc quai bị nếu có đau hố chậu cần đi khám vì đó có thể là dấu hiệu của biến chứng viêm buồng trứng.

canh bao nguy co hiem muon viem nao do quai bi

Cẩn trọng với viêm buồng trứng ở nữ giới mắc quai bị. Ảnh: Thúy Anh

“Biến chứng gây nhồi máu phổi là tình trạng một vùng phổi bị thiếu máu nuôi dưỡng, có thể tiến đến hoại tử mô phổi. Nhồi máu phổi là biến chứng có thể xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị vì hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến”, bác sĩ Vũ Mạnh Cường lưu ý thêm. Ngoài ra, còn có một số biến chứng nguy hiểm khác như viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm thời), viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu…

Theo các bác sĩ, với trường hợp chưa mắc quai bị thì nên tiêm vắc xin phòng bệnh. Vi rút quai bị tồn tại dai dẳng, do đó nó có thể lây nhiễm trong vòng một tuần trước và sau khi có biểu hiện bệnh. Mọi bệnh nhân mắc quai bị cần được điều trị chăm sóc riêng trong 2 tuần kể từ lúc phát hiện bệnh; vệ sinh răng miệng, ăn những thực phẩm dễ tiêu hoá; giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng paracetamol.

Khuyến cáo chung các bệnh nhân, nếu có sốt cao sau 3 - 4 ngày mắc quai bị thì đó có thể là triệu chứng của một số biến chứng nguy hiểm.

chọn
Kết luận Thanh tra Chính phủ về các dự án của Trung Thủy, Novaland
Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra các sai phạm tại loạt nhà đất ở TP HCM, Hà Nội, Huế và Nghệ An, trong đó có dự án liên quan đến các chủ đầu tư như Trung Thủy, Novaland...