"Ông nội tôi là Vương Ngọc Lâm, nổi tiếng ở đất Thiên Kiều Bắc Kinh với tá tác tuyệt kỹ Súc Cốt Công, sau đó phụ thân đã truyền lại cho tôi", nghệ sĩ Vương Bảo Hợp bắt đầu câu chuyện về gia đình 3 đời theo nghề xiếc của mình.
Trong làng xiếc Trung Quốc, “Tam tiên quy động” và “Súc Cốt Công” của nghệ nhân Vương Bảo Hợp, 74 tuổi, đều vô cùng nổi tiếng, nhất là sau khi được đưa vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể thế giới" năm 2007. Không hổ danh là một truyền nhân, Vương Bảo Hợp vẫn có thể biểu diễn vở “Tam tiên quy động" 2 lần mỗi ngày.
Tuy nhiên, tuyệt kỹ "Súc Cốt Công” gia truyền lại đang đối mặt với nguy cơ thất truyền. Vương Bảo Hợp từng đi khắp Trung Quốc, vừa biểu diễn vừa tìm đồ đệ cho mình. “Không phải không có nhân tài, mà thực chất không có người tự nguyện theo học", ông nói.
Vậy rốt cuộc Súc Cốt Công là loại công pháp gì? Tại sao lại trở nên kỳ bí như vậy?
Súc Cốt Công (trong tiếng Trung, “súc" nghĩa là "thu nhỏ", "cốt" là "xương") chỉ việc vận công làm xương cốt co rút lại. Nguồn gốc của tuyệt chiêu này đến nay thực ra vẫn chưa rõ.
Nhà văn Kim Dung từng hai lần nhắc tới Súc Cốt Công trong các tiểu thuyết võ hiệp của mình. Một liên quan đến nhân vật Triệu Tiền Tôn trong “Thiên long bát bộ". Tiểu thuyết có đoạn: “Nhiều người chăm chú nhìn lên người trên lưng lừa, chỉ thấy anh ta thu nhỏ thành một cụm, giống như một đứa trẻ bảy tám tuổi vậy. Đàn bà vươn tay vỗ vào mông anh ta. Anh ta lăn xuống đất, bỗng dưng vươn chân vươn vay, biến thành người vừa cao vừa lớn".
Hai là Súc Cốt Công mà Trương Vô Kỵ thể hiện trong "Ỷ thiên đồ long kí". “Lúc anh ta tới chỉ khoảng 15 tuổi, dáng người vẫn nhỏ, nhưng khi anh ta đi ra đã biến thành một người trưởng thành khoảng 20 tuổi, chui không lọt lỗ nhỏ đó nữa. Anh ta hít một hơi, vận Súc Cốt Công, toàn thân thu mình, khoảng trống giữa các xương thu nhỏ lại, và lại nhẹ nhàng chui qua".
Nghệ sĩ xiếc Vương Bảo Hợp biểu diễn Súc Cốt Công trên sân khấu. Ảnh: kknews.cc. |
Trong khi đó, tiểu thuyết “Hắc Bất Bạch" kể chuyện giới võ thuật Thương Châu xuất hiện một vị đại hiệp tên Hắc Bất Bạch, người nhà họ Hắc ai cũng nhỏ nhắn. Súc Cốt Công của Hắc Bất Bạch đạt tới tuyệt đỉnh, đặc điểm của công pháp đó là “phân gân thác cốt, xếp lại xương cốt", nghĩa là xương cốt đã luyện tới độ có thể chuyển động dưới lớp da thịt để cơ thể biến dạng, hoặc kéo thành sợi dài, hoặc thu nhỏ thành một miếng.
Trong lúc giao tranh, Hắc đại hiệp đã từng thu mình vào chiếc bình hoa sứ cổ nhỏ thân lớn, cao bằng nửa người, và lấy được những thông tin tác chiến cơ mật của quân Nhật. Tuy nhiên, trong lần hành động thứ hai, vì đã uống rượu say nên thần kinh tê liệt không thể phá công để phục hồi, cuối cùng đã chết trong chiếc bình và thi thể biến thành cát bụi.
Một số bộ phim truyền hình Trung Quốc cũng miêu tả cao thủ Súc Cốt công. Trong phim "Đại anh hùng" có Lưu Kiến Hoa đóng, một người Ấn Độ luyện yoga đã giấu mình trong một chiếc hộp sắt nhỏ hay một chiếc vali.
Ý tưởng sáng tạo nghệ thuật là vô hạn, còn trong thực tế không ít vụ cướp bóc, các tên đạo chích cũng thường dùng cái gọi là thuật "súc cốt" để chui qua lỗ nhỏ trên tường mà người thường khó có thể chui vừa, rồi tiến hành gây án một cách nhẹ nhàng.
Về nguồn gốc của Súc Cốt Công, có người nói rằng nó xuất phát từ võ công Thiếu Lâm, đặc biệt coi trọng luyện pháp, từ ép chân dãn gân cho tới ngồi thiền, có lúc không chỉ chú trọng về thời gian mà còn phải chú trọng luyện tâm pháp.
Mặc dù có rất nhiều lời đồn như vậy nhưng chưa giả thuyết nào được Vương Bảo Hợp khẳng định. Ông nói: “Tôi cũng không biết được rốt cuộc Súc Cốt Công là do ai tạo nên, nhưng chắc chắn một điều đó là gia đình tôi đã lưu truyền công pháp này”.
Vương Bảo Hợp chia sẻ ông nội Vương Ngọc Lâm là một trong "bát đại quái" của Thiên Kiều Bắc Kinh, biết rất nhiều tuyệt chiêu, trong đó có biểu diễn tá tác, chính là Súc Cốt Công. Tá tác nghĩa là một người bị trói chặt bởi dây thừng, rồi tự mình thoát ra.
Tuyệt chiêu khiến cho Vương Ngọc Lâm nổi tiếng này đã được truyền lại cho phụ thân của Vương Bảo Hợp, cuối cùng phụ truyền tử, Vương Bảo Hợp đã kế thừa từ đó. “Đây là tuyệt kỹ, nếu vì kế sinh nhai thì không thể luyện thành", ông Vương khẳng định.
Vậy làm sao để luyện Súc Cốt Công? Vương Bảo Hợp nói thực ra nguyên lý không hề khó, chỉ có điều là quá khổ cực mà thôi. Vương Bảo Hợp bắt đầu học nghề từ năm 6 tuổi, lúc đầu chính là luyện kỹ năng này.
“Súc Cốt Công yêu cầu kéo dài xương cốt, đặc biệt là những khớp xương gần với bả vai, cuối cùng làm cho chiều cao cơ thể tăng lên, sắp xếp tất cả các khớp, rồi thu nhỏ thân hình lại", Vương Bảo Hợp chia sẻ. Ông nói "đương nhiên xương cốt không thể thu nhỏ", chủ yếu luyện các khớp: Tất cả khớp tay, khớp khuỷu tay, thậm chí khớp vai hay khớp chân đều có thể luyện được.
“Nói thẳng ra đó là kéo khớp ra, đợi khoảng 15 tới 30 phút rồi phục hồi nguyên trạng các khớp. Quá trình đó thực sự rất gian khổ". Phụ thân của Vương Bảo Hợp bẻ các khớp trên cơ thể ông rời ra, rồi lại phục hồi trở lại, phục hồi rồi lại bẻ ra, cứ như vậy luyện lập đi luyện tập lại nhiều lần.
Vương Bảo Hợp nhận thấy tiếng “rắc rắc rắc" của xương khớp giống như tiếng lựu đạn vậy. Mới 6 tuổi, nước mắt của Vương Bảo Hợp cứ trào ra nhưng vẫn không dám khóc thành tiếng.
Nghệ sĩ Vương Bảo Hợp là truyền nhân đời thứ 3 của nhà họ Vương, nổi tiếng với 2 màn biểu diễn "Tam tiên quy động" và "Súc Cốt Công" trong giới xiếc Trung Quốc. Ảnh: qifu.com. |
“Trước đây khi học nghề, dù là dạy trong nhà nhưng vẫn bị đánh. Phụ thân thường trách mắng tôi rằng mỗi vất vả này mà làm không xong, sau này làm sao nuôi nổi gia đình", ông Vương nhớ lại lời cha. Khớp nào cũng thường xuyên sưng tấy, nhưng nhà ông không đưa đi đại phu. Có lúc đến rượu thuốc cũng không còn, chỉ cần hết sưng tấy là lại phải luyện, cho đến khi các khớp toàn thân đều có thể “quen tháo khớp".
Ông Vương nói Súc Cốt Công cần phải luyện từ lúc còn nhỏ, bởi vì cơ thể của trẻ con tương đối mềm dẻo, “khớp, xương vẫn chưa cứng chắc”. Tuy không giới hạn gầy hay béo, nhưng về sau nếu cơ thể gầy thì khi biểu diễn sẽ có lợi thế hơn nhiều so với cơ thể to béo.
Vương Bảo Hợp không cao, cân nặng cũng chỉ khoảng 40 kg. "Lúc béo nhất cũng chẳng béo được bao nhiêu, thứ nhất là lúc còn nhỏ ăn không đủ no nên cơ thể dậy thì không tốt, thứ hai là khi luyện công rồi thì phải ăn ít đi”. Ông đùa rằng khẩu phần ăn của ông còn nhỏ hơn cả nắm tay của mình.
Vương Bảo Hợp nói luyện Súc Cốt Công không theo nhiều quy tắc như trong truyền thuyết, ví dụ uống rượu, trước khi biểu diễn không được uống rượu, để phòng khi lên sân khấu lịm người đi. "Tôi chỉ có một lần uống rượu trước khi biểu diễn, đó là vì chỉ ăn một nửa suất cơm, lại phải biểu diễn Tam tiên quy động, cho nên tôi đã lịm đi, cũng không nhớ trong tay mình đang cầm mấy quả bóng nữa", lão nghệ sĩ kể.
Sau khi luyện Súc Cốt Công, Vương Bảo Hợp năm nào cũng thắt đai lưng. “Súc Cốt Công cũng cần có vận may, nếu luyện tốt thì sẽ có thể “tháo khớp" mà không cần dùng ngoại lực. Đương nhiên tổn hại tương ứng là lục phủ ngũ tạng thường xuyên vì thế mà phải chuyển đổi vị trí. Kungfu chưa luyện thành vẫn rất dễ dẫn tới trọng thương ở vùng khoang bụng, hơn nữa tuần hoàn máu cũng sẽ thay đổi, sau biểu diễn cần thời gian để hồi phục".
Thời gian như vậy có thể ngắn có thể dài. Vương Bảo Hợp nói khi ông còn trẻ, có lúc chỉ cần nửa tiếng là chức năng sinh lý, hệ thống tuần hoàn máu đã hồi phục bình thường. Những năm còn khỏe thì cũng chẳng đến 2 tiếng, còn bây giờ ngoài những lần tiếp đãi lớn, gần như ông không biểu diễn Súc Cốt Công nữa. "Bây giờ tôi biểu diễn một lần, thì ít nhất phải 5 tiếng mới có thể phục hồi lại được", ông nói.
Những năm gần đây, chỉ cần ở Ngô Kiều, ngày nào Vương Bảo Hợp cũng biểu diễn hai màn “Tam tiên quy động". Ông đã được nguyên đặc khu trưởng Hong Kong đặt biệt danh là “quỷ thủ".
Những khán giả thưởng thức những tuyệt chiêu trong “Tam tiên quy động", ai cũng hết lời ngợi khen. Song Vương nói với phóng viên rằng “Tam tiên quy động" trước đây chỉ là một tiết mục mở màn để kéo khán giả, còn Súc Cốt Công mới là tiết mục chủ đạo. Hiện tại, Vương cũng phát triển phương thức biểu diễn Súc Cốt Công từ tá tác tới các hình thức như mặc quần áo trẻ con, chui qua khe gỗ hẹp…
Mấy chục năm qua, biểu diễn Súc Cốt Công của Vương Bảo Hợp chỉ mới thất bại... nửa lần. Hôm đó, có khán giả còng tay Vương Bảo Hợp bằng chiếc còng tay hiện đại. Trước đây Vương Bảo Hợp chưa bao giờ dùng tới “tá tác", cuối cùng khớp kéo ra, tay trái không vươn qua được, Vương Bảo Hợp nghiến răng thoát khỏi chiếc còng, ngay lập tức gân tay của ông bị chấn thương. Khi tới bệnh viện, gân tay gần như bị đứt. “Nghệ thuật không có điểm dừng mà", Vương Bảo Hợp nói.
Năm nay 74 tuổi, nghệ sĩ Vương Bảo Hợp lo sợ không tìm được người kế thừa tuyệt kỹ "Súc Cốt Công" gia truyền. Ảnh: Sina. |
Là chiếc nôi của xiếc tại Trung Quốc, trước đây Ngô Kiều lấy gia đình, sư đồ làm phương thức kế thừa kỹ nghệ chính. Hiện nay, con trai, con gái, cháu trai, cháu dâu, thậm chí các cháu ngoại của Vương Bảo Hợp đều có thể lên sân khẩu biểu diễn múa dây, thăng bằng, múa lân… đặc biệt là con trai hơn 40 tuổi của ông, Vương Lập Cương, đã trở thành trưởng đoàn biểu diễn trong giới tạp kĩ Ngô Kiều.
Vương Lập Cương chia sẻ, khi còn 10 tuổi cũng đã từng thử học Súc Cốt Công. “Tôi chỉ kiên trì được vài ngày, thực sự không thể tiếp tục kiên trì theo đuổi", anh chia sẻ.
Thấy con trai mình la hét kêu đau, Vương Bảo Hợp lại nghĩ tới thời ông còn khổ cực học luyện. "Điều kiện sống của chúng nó hiện tại tốt hơn nhiều so với trước kia, không phải lo nghĩ chuyện ăn mặc, cũng học được không ít trò xiếc, đâu cần khổ cực học Súc Cốt Công để tìm kế sinh nhai".
Vì mềm lòng, Vương Bảo Hợp đã từ bỏ ý nghĩ cho con trai tiếp tục kế thừa Súc Cốt Công, còn những con cháu khác trong nhà lại càng chẳng ai học những tuyệt chiêu tổ truyền này nữa. Cũng chẳng có suy nghĩ môn phái, chỉ truyền trong không truyền ngoài nữa, Vương Bảo Hợp nghĩ rằng sau này sẽ có người học Súc Cốt Công, chỉ cần nó không bị thất truyền.
Song kết quả lại hoàn toàn ngược lại. Dù là những đứa trẻ trong trường xiếc địa phương hay những diễn viên, người yêu thích nghệ thuật xiếc bên ngoài cũng không ai muốn học Súc Cốt Công.
Từ Hiểu Đông - vụt sáng và gây tranh cãi sau đòn hạ gục võ sư Thái cực quyền | |
Tỷ phú Jack Ma bình luận về màn tỉ thí 10 giây chấn động giới võ thuật Trung Quốc |