Các địa phương còn lúng túng trong việc xác định các trình tự, thủ tục (giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...) để khai thác các mỏ mới làm vật liệu xây dựng và xác định chi phí cấp quyền khai thác khoáng sản trong phạm vi dự án. Một số địa phương chưa công bố giá vật liệu xây dựng, giá cước vận chuyển để lập và quản lý chi phí xây dựng.
“Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng xem xét hướng dẫn các địa phương xây dựng, công bố giá vật liệu xây dựng đối với các loại vật liệu xây dựng có trên địa bàn, giá vật liệu khai thác tại mỏ (đối với các vật liệu xây dựng khai thác tại các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án) được sử dụng để thực hiện các gói thầu/dự án thành phần; Công bố giá cước vận chuyển trên địa bàn”, Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị chủ trì phối hợp với các bộ, các địa phương rà soát, đánh giá tổng thể trữ lượng nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để có phương án khai thác bảo đảm nguồn cung cấp cho các dự án.
Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ các vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cấp phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Nhằm đảm bảo tiến độ dự án theo Nghị quyết 18/NQ-CP của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cao tốc Bắc – Nam giai đoạn (2021-2025), Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng rà soát, đánh giá lại trữ lượng các mỏ cát hiện có, xác định nhu cầu sử dụng cho các dự án; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để mở thêm các mỏ mới.
Trong đó, nghiên cứu phương án khai thác tại các cồn cát để đảm bảo nguồn cát đắp nền cho các dự án; ưu tiên hàng đầu nguồn cát hiện có cho các dự án trọng điểm quốc gia.
Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (2021-2025) có tổng chiều dài khoảng 729 km, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.
Theo yêu cầu, dự án phải khởi công trước ngày 31/12/2022, triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2022. Các địa phương phải đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.