Tin Bộ Công Thương công bố kế hoạch cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh là tin làm nhiều người náo nức.
Tất nhiên đây mới chỉ là ý định sửa đổi chính sách từ Bộ Công Thương nhưng là một dấu mốc rất quan trọng. Bộ Công Thương là bộ đầu tiên có chương trình rà soát, sửa đổi và công bố kế hoạch sửa đổi một cách chi tiết, tỷ lệ điều kiện kinh doanh được đề xuất cắt bỏ hơn 50% số điều kiện kinh doanh hiện có.
Ông Đậu Anh Tuấn. Ảnh: VCCI.
Điều này thể hiện sự “dũng cảm” của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khi quyết định đề xuất cắt giảm nhiều quy định xin cho, đơn giản hoá nhiều thủ tục, vốn mang lại quyền lợi cho nhiều vụ, cục chuyên môn trong chính Bộ, một câu chuyện nhiều người biết.
“Tự nguyện lấy đá ghè chân mình” nhưng mang lại lợi ích lớn cho quốc gia là một thay đổi tích cực mà cộng đồng kinh doanh và người dân ghi nhận.
Từ câu chuyện thành công của Bộ Công Thương trong đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh, có vấn đề lớn được đặt ra.
Một là đây đang là gói đề xuất chính sách từ Bộ Công Thương. Nhưng các điều kiện kinh doanh nằm tại các nghị định có liên quan, nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Chương trình sửa các nghị định thường mất nhiều thời gian và quy trình tương đối. Hy vọng rằng Bộ Công Thương sẽ có một lịch trình cụ thể, nhanh chóng để thực hiện sửa đổi các Nghị định này và bảo vệ thành công kế hoạch của mình.
Hai là, sau Bộ Công Thương sẽ là bộ nào tiến hành các chương trình cải cách điều kiện kinh doanh tương tự?
Những lĩnh vực quản lý rất khó, rất nóng mà Bộ Công Thương đã làm được tại sao các bộ, ngành khác không làm được? Chúng tôi hy vọng Thủ tướng và các lãnh đạo sẽ hỏi các lãnh đạo bộ, ngành về câu hỏi này.
Cơ chế để kiểm soát không phát sinh điều kiện kinh doanh mới trong lĩnh vực công thương trong thời gian tới.
Thực tế thời gian qua đã chứng minh là bỏ điều kiện kinh doanh thường rất khó, mất rất nhiều thời gian nhưng đặt mới, đẻ thêm thì lại rất dễ.