‘Cát tặc' lại xuất hiện trên sông Hồng sau cuộc vây bắt của cảnh sát

Cảnh sát mật phục, bắt 15 tàu "cát tặc" lúc rạng sáng thì tới tối cùng ngày, cả chục tàu thuyền khác lại ngang nhiên hút cát trên sông Hồng.

Như đã thông tin, trong suốt hơn 3 tháng qua, chúng tôi thường xuyên di chuyển trên sông Hồng, đoạn chảy qua địa bàn Hà Nội để điều tra về tình trạng khai thác cát trái phép.

Trong quá trình này, chúng tôi thường xuyên phát hiện tàu thuyền khai thác cát trái phép tại khu vực bãi bồi thuộc địa bàn giáp ranh giữa quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh, Hà Nội.

Tại khu vực này, "cát tặc" có dấu hiệu lộng hành và rất táo tợn. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng không thể nghĩ tới trường hợp, hàng loạt tàu "cát tặc" dám ngang nhiên xuất hiện tại khu vực này ngay trong ngày mà cảnh sát vây bắt 15 phương tiện khai thác cát trái phép.

Cụ thể, rạng sáng 3/11, các lực lượng Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) đã mật phục, bắt giữ 15 phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn huyện Đan Phượng và quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

cat tac xuat hien tren song hong sau cuoc vay bat cua canh sat
Các công nhân chỉ sử dụng đèn pin cầm tay để điều khiển các tàu khai thác cát trái phép.

Tối cùng ngày, lúc 22h00 đêm, chúng tôi bất ngờ nhận được tin báo của người dân về việc phát hiện hàng chục tàu thuyền có dấu hiệu khai thác cát trái phép ngay tại khu vực bãi bồi thuộc địa bàn giáp ranh giữa quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh, Hà Nội, cách chân cầu Thăng Long chỉ vài trăm mét. Vị trí này rất gần địa điểm mà các tàu "cát tặc" bị cảnh sát vây bắt vào rạng sáng cùng ngày.

Để xác minh thông tin nói trên, lúc 23h00, chúng tôi có mặt tại cầu Thăng Long. Từ trên cầu nhìn xuống sông Hồng, chúng tôi nhận thấy có khoảng 15 tàu thuyền đỗ san sát nhau, nổ máy rầm rầm ở cách chân cầu vài trăm mét. Một số tàu thuyền cứ thay nhau ra vào tấp nập.

Khoảng một giờ sau, các phương tiện này dần dần tách rời nhau. Một số phương tiện giống như tàu chở hàng di chuyển xuôi dòng theo hướng về cầu Long Biên. Một số phương tiện khác men theo bờ sông phía huyện Đông Anh, di chuyển theo chiều ngược lại.

Nghi ngờ đây chính là nhóm phương tiện khai thác cát trái phép và họ di chuyển địa điểm để tiếp tục khai thác nên chúng tôi đã tìm cách bám theo.

1h30 sáng 4/11, chúng tôi bí mật bám theo một chiếc tàu chở hàng chạy ngược theo hướng các phương tiện nghi là tàu sang mạn di chuyển trước đó.

Khi di chuyển cách chân cầu Thăng Long chừng 1km (phía gần bờ thuộc địa bàn huyện Đông Anh, đối diện đê Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm), chúng tôi bàng hoàng phát hiện khoảng 13 phương tiện (trong đó có khoảng 5 tàu sang mạn và 8 tàu chở hàng) đang đỗ san sát nhau, nổ máy rầm rầm để khai thác cát.

Phần lớn các tàu này đều tắt hết đèn pha, các bóng điện cỡ lớn. Thay vào đó, các công nhân trên tàu chỉ sử dụng đèn pin cầm tay để hoạt động khai thác cát trong đêm.

Nhờ tiếp cận ở cự ly rất gần nên chỉ qua những ánh đén pin, phóng viên có thể quan sát rất rõ những chiếc vòi hút khổng lồ đang hút cát từ dưới lòng sông lên các tàu "cát tặc".

Khoảng 2h30, chúng tôi đã gọi điện báo cho lãnh đạo Đội Tuần tra Kiểm soát (TTKS) số 2, Phòng Cảnh sát Đường thủy (PC68) Công an TP Hà Nội.

Ông Dự, Đội trưởng Đội TTKS số 2 cho biết, suốt đêm 2/11, rạng sáng 3/11, lực lượng của đơn vị này đã tham gia mật phục, vây bắt "cát tặc" trên sông Hồng.

cat tac xuat hien tren song hong sau cuoc vay bat cua canh sat
Phóng viên có thể quan sát rất rõ những vòi hút khổng lồ đang hút cát lên những tàu "cát tặc".

Mặc dù rất mệt mỏi, nhưng ông Dự khẳng định sẽ cho lực lượng tới địa điểm phóng viên phản ánh để kiểm tra. Tuy nhiên, gần một giờ sau đó, chúng tôi vẫn không thấy lực lượng cảnh sát đường thủy xuất hiện.

Liên quan đến vấn đề này, ngay trong ngày 4/11, phóng viên đã thông tin tới Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.

Đại tá Hải cho biết, ông sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh, đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm nếu phát hiện các trường hợp vi phạm.

Cùng ngày, chúng tôi cũng có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Cương – Phó trưởng PC68, Công an TP Hà Nội.

Ông Cương cho biết, thời điểm hiện tại, đang có 10 doanh nghiệp nạo vét luồng, tận thu sản phẩm trên sông Hồng thuộc địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chỉ được thi công vào ban ngày chứ không được làm vào ban đêm. Bất cứ tàu thuyền nào khai thác cát vào ban đêm thì đương nhiên đó là hành vi khai thác cát trái phép.

Theo ông Cương, hiện Phòng PC68 nắm được có khoảng 122 tàu thuyền tư nhân tự chế, tập trung chủ yếu ở quận Bắc Từ Liêm và huyện Đan Phượng. Các tàu thuyền dạng này thường lợi dụng, bám theo phương tiện của các doanh nghiệp có phép để tiến hành khái thác cát trái phép.

Cũng có phương tiện lợi dụng thời gian đêm tối, khi lực lượng chức năng không có mặt để khai thác cát trái phép. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ trường hợp, các doanh nghiệp có phép nhưng vẫn lợi dụng đưa các tàu tự chế khác ra sông để hút cát.

Video: Các phương tiện ngang nhiên khai thác cát trái phép trong tối 3/11, rạng sáng 4/11

Phó trưởng Phòng PC68 khẳng định, thời gian tới, đơn vị này sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Nếu phát hiện doanh nghiệp nào lợi dụng để khai thác cát trái phép, tùy vào mức độ, Phòng PC68 sẽ đề xuất tới cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép nạo vét, tận thu sản phẩm của doanh nghiệp đó.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Riêng với trường hợp các tàu tư nhân tự chế, chúng tôi cũng đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra các cơ sở sản xuất ra các loại tàu này. Nếu phát hiện cơ sở đó sai phạm, phương tiện đó không đủ tiêu chuẩn thì phải xử lý. Xử lý tận gốc như vậy mới có hiệu quả," ông Cương nói.

Sau khi phóng viên phản ánh tới lãnh đạo Công an TP Hà Nội cũng như Phòng PC68, từ ngày 4/11 tới nay (6/11), các lực lượng liên quan đã tăng cường công tác tuần tra, xử lý và phóng viên nhận thấy "cát tặc" không còn xuất hiện tại địa điểm nói trên.

chọn
Đấu giá đất ở Thanh Oai (Hà Nội): Chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền
Tiếp tục thông tin về tiến độ nộp tiền sau trúng đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), ngày 16/9, lãnh đạo huyện cho biết: Với 68 thửa đất trúng đấu giá, đến thời hạn cuối cùng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền; 56 thửa đất không nộp tiền hoặc không nộp đủ. Đáng chú ý, 12 trường hợp nộp tiền có giá trúng cao nhất là 55,167 triệu đồng/m2.