Chương trình của GS Hồ Ngọc Đại đã được triển khai từ 40 năm trước, bắt đầu từ Hà Nội. Đến năm học 2018-2019, sách Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục đã được đưa vào học ở 49 tỉnh, trong đó có nhiều tỉnh tỉ lệ học sinh học chương trình này lên đến 100% như: Hà Tĩnh, Tiền Giang, Quảng Ngãi…
Tuy nhiên, thời gian qua, sách Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục vẫn luôn vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ phía giáo viên và cả phụ huynh.
Sở dĩ có điều này là vì nhiều người cho rằng, những ngữ liệu trong sách không trong sáng, không hướng tới việc giáo dục trẻ lành mạnh. Thậm chí, có người đánh giá những câu chuyện trong sách đang “mách” trẻ thói ranh ma, lươn lẹo, ‘lách luật’ trong cuộc sống.
Một trong những mẩu chuyện gây nhiều tranh cãi nhất về vấn đề này là “Quả bứa” nằm trong chương trình Tiếng Việt lớp 1, tập 2 – Công nghệ giáo dục. Nhưng liệu mẩu chuyện này nói riêng và những bài đọc khác nói chung trong chương trình Công nghệ giáo dục có thực sự phản giáo dục, dạy trẻ thói hư tật xấu ngay trên ghế nhà trường?
Chúng tôi đã phỏng vấn những giáo viên về góc nhìn khác của câu chuyện này.
Câu chuyện Quả bứa đang gây những tranh cãi mạnh mẽ trên mạng xã hội về nội dung của bài học. |
Chuyện Quả bứa – một câu chuyện, ba bài học
"Theo tôi, câu chuyện này không vô nghĩ hay đi ngược lại giáo dục như nhiều người nói. Thực tế, nếu giáo viên chịu suy nghĩ sẽ thấy rằng bài đọc chỉ vài dòng này lại có 3 ý nghĩa sâu sắc: Thứ nhất, học sinh biết thêm được một quả mới – quả bứa; thứ hai, bài học về sự nhường nhịn; thứ ba, bài học về cách xưng hô.
“Quả bứa” vốn cùng nội dung với chuyện “Hai chú gấu tham ăn” của thế giới. Trong chuyện của thế giới, quả bứa được thay bằng miếng phô-mai. Thời điểm khi tôi học cũng không biết phô-mai là gì nhưng rất thích học.
Quay lại chuyện “Quả bứa”, nhiều giáo viên nói “Không biết quả bứa là quả gì?”, “Cô không biết thì sao giải thích cho trò hiểu?”. Như vậy giáo viên nên xem lại cách dạy học sinh của mình. Nếu không biết thì có thể tìm hiểu trên mạng, đây không phải là điều quá khó khăn trong thời đại bây giờ.
Trẻ con thường thích những thứ mới lạ, đặc biệt thông qua hình ảnh. Giáo viên có thể chuẩn bị hình ảnh trực quan về loại quả này để học sinh dễ hình dung hơn.
Tôi nghĩ điều khiến giáo viên đòi “tẩy chay” chương trình Công nghệ giáo dục là do tâm lý ngại thay đổi hoặc bản thân chưa chịu tìm hiểu kĩ về chương trình này đã adua, chạy theo đám đông.
Câu chuyện có xấu, có dã man đến thế nào, thì một người giáo viên thực thụ phải hướng được trẻ nhìn thấy những điều tốt đẹp, những bài học từ những chuyện không hay, tránh những cái xấu".
Thầy giáo Lương Văn Quang,Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng, Thái Nguyên
Từ chuyện Quả bứa, đừng dạy trẻ cuộc sống chỉ một màu hồng!
"Không chỉ Quả bứa mà những mẩu chuyện trong sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục đều có tính 2 mặt: nên và không nên. Tức là những câu chuyện xảy ra như thế, với những từ ngữ nhân vật dùng mà nhiều người gọi là phản giáo dục ấy, nó có tính chất giáo dục ngược.
Cho trẻ tiếp xúc với 2 mặt tốt và xấu của xã hội để trẻ định hướng kĩ năng sống cho mình. Cái gì nên theo, cái gì không nên theo. Như đối với mẩu chuyện Quả bứa, việc làm của nhân vật cậu Cả là không đúng thì giáo viên dạy phải chọn cách giải quyết phù hợp, lựa chọn lại từ ngữ cũng phải phù hợp.
Theo tôi, đây chính là điểm khác biệt và cũng là ưu điểm của chương trình Công nghệ so với sách giáo khoa truyền thống. Ở chương trình truyền thống, trẻ chỉ được giáo dục 1 mặt, cũng là mặt tốt. Vì vậy trẻ chỉ học theo mà không biết được cái nào nên làm, cái nào không nên làm.
Những mẩu chuyện trong chương trình công nghệ cũng nhắc nhở trẻ biết được rằng không phải sách vở (hay chính là người lớn) lúc nào cũng đúng. Xã hội ngày càng phức tạp, không cho trẻ biết đến thì không khác gì nuôi trẻ trong lồng kính, trẻ chỉ biết và nghĩ rằng cuộc sống chỉ một màu hồng.
Đối với những mẩu chuyện này, chủ yếu dạy trẻ về âm vần. Học sinh lớp 1 thường không tìm hiểu sâu về ý nghĩa câu chuyện. Nhưng giáo viên cần cho trẻ thấy được bài học từ câu chuyện đó. Những cách tiếp cận này là hướng giáo dục mở mà giáo viên đã được chỉ đạo khi đi tiếp thu chuyên đề".
Cô giáo Lê Thanh Mai,Tiểu học Quỳnh Xuân A, Nghệ An
GS Hồ Ngọc Đại chie sẻ về việc dạy chương trình Công nghệ giáo dục với học sinh lớp 1 sao cho hiệu quả. Đồ họa: Huyền Trần |
Xưng hô “mày – tao” trong chuyện có thực sự phản cảm?
"Trong câu chuyện xưng mày - tao, nhưng đâu phải sách viết thế nào thì cô dạy các em làm theo làm theo như vậy. Ở trên lớp, cô dạy học sinh là không nên như vậy, nhưng thực tế môi trường tiếp xúc của các em không phải là không nghe thấy kiểu xưng hô này. Các em có thể nghe được trong lúc bố mẹ cãi nhau, người thân có xích mích hay khi bố mẹ nói chuyện với bạn bè mình.
Vốn dĩ, nếu muốn tránh để các em nghe thấy từ này là rất khó. Điều quan trọng là phải phân tích để học sinh lớp 1 hiểu là có nên xưng hô với bạn bè mình như thế không, để các em xác định rằng có nên bắt chước theo hay không. Việc dạy học không nên dựa trên quan điểm cấm – cản mà phải để trẻ được tiếp xúc, để trẻ chọn lọc cách làm đúng đắn, phù hợp".
Cô giáo Lê Thanh Mai,Tiểu học Quỳnh Xuân A, Nghệ An
"Với người dân miền núi, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số thì việc xưng hô mày – tao là điều rất bình thường. Ở nhà bố mẹ các em cũng gọi nhau là mày – tao, ảnh hưởng từ nhỏ nên trẻ rất khó sửa. Thậm chí đây còn là cách gọi thân mật giữa bạn bè trong lớp hay trong xóm. Trong mẩu chuyện này, hình ảnh quả bứa đôi đôi cùng với cách xưng hô mày – tao là rất hợp lý và từ chính thực tế cuộc sống. Nếu đổi thành cách xưng hô cậu – tớ hay mình – bạn thì mới thực sự kệch cỡm".
Thầy giáo Lương Văn Quang,Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng, Thái Nguyên
"Cách xưng hô mày – tao vốn rất phổ biến và mang 3 ý nghĩa khác nhau. Thứ nhất là giữa những bạn bè thân thiết, hiểu nhau. Thứ hai, đối với những đối tượng không thích nhau, mâu thuẫn với nhau. Thứ ba, cách xưng hô của bề trên đối với người dưới.
Trong câu chuyện có thể xưng hô theo cách mày – tao nhưng giáo viên cần định hướng để trẻ hiểu được trong ngữ cảnh vậy có nên xưng hô như thế không. Không phải lúc nào việc gọi nhau là mày – tao cũng là xấu".
Cô giáo Hoàng Hà My (đã đổi tên), Tiểu học Diễn Thắng, Nghệ An
Phụ huynh 'đất học' Nghệ An nói gì về bài học xưng 'mày tao' trong sách công nghệ giáo dục?
Nghệ An là một trong những tỉnh có tỉ lệ học sinh lớp 1 học sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục nhiều nhất cả nước với ... |
Những phát ngôn gây 'bão' mạng xã hội của GS Hồ Ngọc Đại về Công nghệ giáo dục
Trong buổi gặp gỡ báo chí vừa qua, GS Hồ Ngọc Đại đã có những chia sẻ cụ thể về chương trình Giáo dục công ... |
Clip học sinh lớp 1 dạy người lớn cách đọc thơ vanh vách theo tròn vuông tam giác
Một facebooker đã đăng tải lên mạng xã hội clip cháu gái của mình vừa mới vào học lớp 1 được vài hôm nhưng đã ... |