Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vietravel, lượng khách một năm hoạt động của doanh nghiệp lữ hành này là 1 triệu khách, ở 3 thị trường trọng điểm gồm nội địa, inbound và outbound đã hoàn toàn biến mất sau dịch COVID-19.
Ngay sau khi công bố giãn cách xã hội được huỷ bỏ, dòng khách thị trường nội địa mới bắt đầu quay trở lại. Tuy nhiên, để khôi phục lại hạ tầng cho ngành du lịch đòi hỏi rất nhiều thời gian, đặc biệt là khôi phục lại tâm lí cho khách hàng cần những đầu tư rất lớn và cẩn thận.
"Vietravel phải xây dựng chiến lược mới, khác hẳn so với trước đây mà chúng tôi gọi là khởi nghiệp trở lại, khởi nghiệp lần thứ hai", ông Kỳ cho biết.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài mở rộng, các hoạt động kinh doanh trong nước như vận tải, hàng không được mở cửa trở lại đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội để khởi nghiệp lần thứ hai. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã làm ngưng trệ và phá huỷ gần như toàn bộ công việc làm ăn của các doanh nghiệp trong nước.
Theo Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ngoài các lợi thế cũ như kinh tế chính trị ổn định, môi trường đầu tư thì Việt Nam vừa có thêm hai cơ hội mới khi chống dịch thành công.
Đó là năng lực phản ứng của Chính phủ để đối phó với một cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu và năng lực chống chịu của các doanh nghiệp trong nước. Do đó, sau dịch Việt Nam sẽ là một điểm đến hấp dẫn thu hút các dòng vốn ngoại trên toàn cầu.
Trong khi đó theo CEO Vietravel, việc mở cửa trở lại thị trường nội địa có tác động rất lớn giúp doanh nghiệp có thể phục hồi trở lại.
"Chính phủ cho phép các tuyến bay nội địa hoạt động trở lại là một trong những yếu tố quan trọng. Công suất bay nội địa đã vượt quá cả thời điểm trước dịch, từ 130 - 160% với một lịch trình bay rất dày. Giá vẻ máy bay cũng khá rẻ. Đây là một cơ hội cho du lịch", ông Kỳ nói.
"Di chuyển bằng ô tô cũng không bị kiểm soát, phải khai báo y tế như thời điểm trong dịch, thực hiện giãn cách xã hội", ông Kỳ chia sẻ thêm.
Ngoài ra, muốn du lịch quay trở lại được thì cần có những giải pháp đồng bộ, bởi du lịch là ngành đặc thù, tổng hoà của các lĩnh vực như vận chuyển, lưu trú và dịch vụ.
Ông Kỳ nhận định, điểm sáng duy nhất trong dịch COVID-19 có lẽ chính là cơ hội để ngành du lịch nhìn lại chính mình. Trước đó, thị trường nội địa giàu tiềm năng chỉ được coi là thứ cấp và nhận được mức đầu tư chưa xứng tầm, trong khi doanh nghiệp mải mê theo đuổi thị trường inbound và outbound.
Đến nay sau dịch COVID-19, thị trường nội địa đã được chú trọng phục vụ với chất lượng tốt, giá tốt.
Ngoài ra, COVID-19 còn đem đến cơ hội số hoá kênh bán, quảng bá truyền thông, xúc tiến đến tận giường khách hàng của các doanh nghiệp lữ hành. Là cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi càng nhanh thì càng giảm chi phí, và tiếp cận được nhiều hơn với khách hàng.
Tuy nhiên, với lượng khách đến từ thị trường nội địa chiếm 30% doanh thu của ngành du lịch, theo ông Kỳ đều này chỉ đảm bảo cho các doanh nghiệp du lịch sống lay lắt, không đảm bảo cho họ có thể tồn tại đến sang năm chờ lượng khách mới vào.
Do đó, 70% doanh thu còn lại là yếu tố sống còn của các công ty du lịch phụ thuộc hoàn toàn vào lượng khách quốc tế.
Ông Kỳ cho biết, tại một số điểm du lịch quan trọng khách nội địa thường đến, đã có sự phục hồi tăng trưởng tới 70% thậm chí là 80% trong những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, ở những điểm hút khách quốc tế thì vẫn đìu hiu, lượng khách đến ít.
Do đó, đang có sự hồi phục không đồng đều trong ngành du lịch Việt Nam.
Giải thích cho điều này, ông Kỳ nói rằng các dịch vụ hỗ trợ du lịch vẫn gần như bị tê liệt, kinh tế ban đêm chưa phục hồi như cũ và đặc biệt là thị trường quốc tế vẫn chưa được mở cửa trở lại.
CEO Vietravel ước tính hiện mới chỉ khoảng 20% các nhà hàng mở cửa trở lại. Do đó, du lịch mất thị trường nguồn.
"Kinh tế ban đêm chiếm 70% nguồn thu của ngành du lịch, khách có thể mặc cả từng đồng vào ban ngày nhưng có thể chi hàng trăm đô la để vui chơi giải trí ban đêm. Thế những hiện tại khách du lịch không có chỗ nào để vui chơi tiêu xài khi màn đêm buông xuống", ông Kỳ nhận định.
Nhưng điều quan trọng vẫn là thị trường quốc tế chưa thể mở cửa trở lại. Chiếm 70% doanh thu du lịch, thị trường nước ngoài là đặc biệt quan trọng với Việt Nam.
Đại diện Vietravel cho biết, doanh nghiệp đã sẵn sàng cho việc mở cửa trở lại thị trường quốc tế. Hiện doanh nghiệp có 6 văn phòng ở những thị trường quan trọng gồm Mỹ, Australia, Pháp, Singapore, Campuchia và Thái Lan.
Trong thời gian qua, các văn phòng này cũng đã được yêu cầu duy trì hoạt động để giữ quan hệ với khách hàng.
Riêng với 3 thị trường trọng điểm, chiếm phần lớn khách hàng như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, Vietravel đã chuẩn bị sẵn những bộ sản phẩm mới, trước những tín hiệu cho thấy khách du lịch từ những thị trường này đã sẵn sàng quay trở lại Việt Nam khi chúng ta mở cửa.
Có 3 kịch bản mở cửa đó là mở vào tháng 8/2020, tháng 11/2020 và tháng 2/2021. Theo ông Kỳ, mở tháng 8 là kịch bản đẹp nhất, khi đó Việt Nam có khả năng đón 8 triệu khách quốc tế. Nếu mở trong tháng 11 sẽ còn 5-6 triệu khách.
Mở trong tháng 2/2021 sẽ không có khách quốc tế nào.
Thừa nhận việc chống dịch thành công của Việt Nam có tác động tích cực đến ngành du lịch, tuy nhiên theo CEO Vietravel, tác động này không hiệu quả bởi mỗi nơi làm một kiểu, không có trọng tâm trọng điểm.
CEO Vietravel đề xuất chia cả nước làm 5 vùng du lịch trọng điểm, gồm Bắc Bộ (Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình), Bắc miền Trung (Thừa thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam), Nam miền Trung (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Đắc Lắc), Đông Nam bộ (TP HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Phan Thiết) và cuối cùng là Tây Nam Bộ với các địa phương Cà Mau, Cần Thơ, Phú Quốc.
"Cần chọn một trong 5 vùng này để tập trung đầu tư, không nên đầu tư dàn trải cùng lúc", ông Kỳ nhấn mạnh.
CEO Vietravel đề xuất kì nghỉ hè là một kì nghỉ gia đình quan trọng trong ngành du lịch, do đó Bộ Giáo Dục cần dành từ 5-6 tuần để học sinh nghỉ hè, kích cầu du lịch.
Ngoài ra, ông Kỳ cũng đề xuất tặng mỗi người đi du lịch 1 triệu đồng, số tiền sẽ được doanh nghiệp hoạch toán vào cuối kì nghỉ.
"Với quy mô 10 triệu khách nội địa, nếu nhà nước chi 10.000 tỉ nhưng sẽ tạo ra doanh thu 30.000 tỉ trong ngành du lịch và 70.000 tỉ cho xã hội", ông Kỳ nói.
Nói về triển vọng phục hồi trong ngành, Tổng giám đốc Vietravel cho biết phải mất 2 năm nữa thị trường mới quay trở lại quy mô 18 triệu khách trước dịch.
"Nhanh hay chậm còn do chuẩn bị của chúng ta với thị trường. Cần phân chia những khu vưc sẽ mở trước, và khu vực mở sau. Mở sớm sẽ hồi phục sớm", ông Nguyễn Cao Kỳ nhận định.
Tổng Giám đốc Vietravel chia sẻ thêm câu chuyện hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp để vượt qua khó khăn sau dịch chưa rõ ràng, đến nay số doanh nghiệp du lịch nhận được hỗ trợ rất ít.
"Vietravel cũng chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào", ông Kỳ chia sẻ.
Chẳng hạn như chính sách giảm thuế VAT giãn thuế thu nhập, nhưng mấy tháng nay không có doanh thu, không có thu nhập, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn rơi vào tình trạng lỗ thì cũng không được hưởng lợi gì trong chính sách này.
#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.
#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.
Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.
Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.
Kinh doanh 22:41 | 22/12/2020
Kinh doanh 11:17 | 20/11/2020
Kinh doanh 09:50 | 20/11/2020
Kinh doanh 14:30 | 12/11/2020
Tiêu dùng 14:53 | 28/10/2020
Kinh doanh 16:51 | 23/10/2020
Kinh doanh 10:04 | 22/10/2020
Kinh doanh 09:12 | 22/10/2020