Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về phục hồi nền kinh tế theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp vào sáng ngày 9/5, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng giám đốc công ty Vietravel thay mặt cộng đồng các doanh nghiệp du lịch cám ơn Thủ tướng đã cho phép các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, ngành du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19.
Bên cạnh khó khăn gặp phải, vẫn còn cơ hội cho ngành du lịch khi Việt Nam được coi là điểm sáng, được bạn bè quốc tế đánh giá cao trong cuộc chiến chống Covid cũng như trong việc đảm bảo một xã hội an toàn.
Tuy nhiên, theo ông Kỳ, ngoài sự cố gắng của bản thân ngành du lịch, rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành để du lịch thực hiện được các mục tiêu đề ra. Đồng thời cần có thời gian chuyển đổi do có độ trễ của thị trường khách.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ đã có những kiến nghị và giải pháp để tái khởi động lại ngành du lịch Việt Nam sau giai đoạn "ngủ đông" như sau:
Trước hết, ngành du lịch cần tận dụng ngay cơ hội, đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, mở rộng thị trường du lịch, triển khai có hiệu quả chương trình “Du lịch Việt Nam an toàn” để quảng bá, thu hút khách du lịch trở lại.
"Nếu chúng ta làm tốt điều này thì với những thị trường đã có sự phục hồi phục, chuyển giai đoạn sau dịch bệnh, Việt Nam sẽ có thể thu hút được khách quốc tế từ quí IV năm nay. Từ tháng 10 đến tháng 11, Việt Nam đã có thể đón khách từ những thị trường ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông", ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết.
Cần tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước.
Theo ông Quốc Kỳ, với tour du lịch nội địa, cần tạo ra những "tam giác phát triển", có sự kết nối giữa các cơ quan chính quyền địa phương. Ví dụ ở miền Bắc có Hà Nội – Ninh Bình – Quảng Ninh, miền Trung có Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam và Nha Trang – Đắk Lắk – Phú Yên - Quy Nhơn, miền Nam có TP HCM – Bà Rịa Vũng Tàu – Đông Nam Bộ.
Để kích cầu du lịch nội địa, ông Kỳ đề nghị các địa phương giảm 50% chi phí tham quan di tích danh lam thắng cảnh mà Nhà nước đang quản lí.
Ngoài ra, mở lại có chọn lọc các đường bay trong nước, gỡ bỏ hạn chế cho các hãng hàng không bởi 85% lưu lượng di chuyển trong lĩnh vực du lịch hiện nay là bằng phương tiện này.
Cùng với đó, nghiên cứu mở cửa các thị trường quốc tế có chọn lọc. Đại diện ngành du lịch cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sau khi kết thúc dịch bệnh. Nghiên cứu miễn phí cấp thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Chỉ đạo các hãng hàng không Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu tăng tần suất, mở thêm đường bay đến các thị trường quốc tế tiềm năng cũng như tích cực tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa, quốc tế với các địa phương và doanh nghiệp sau khi hết dịch.
Về cơ chế chính sách, Chính phủ nên xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng hay cả năm 2020, hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có hi vọng đủ nguồn lực phục hồi khi dịch đi qua.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng giám đốc công ty Vietravel đề xuất biện pháp nhằm giúp ngành du lịch tiếp cận dễ dàng hơn với các gói tài trợ. Ví dụ, gói bảo hiểm xã hội cho người lao động có thể đưa ngay về đầu mối các doanh nghiệp, tránh việc đưa về các địa phương do có sự chuyển dịch lao dộng trên toàn quốc.
Đồng thời, miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong vòng một năm, giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong quý IV năm 2020 và quý I năm 2021, giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể trong năm 2020.
Đặc biệt, đại diện ngành du lịch đề nghị thử nghiệm áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ trong một năm.
Giảm tiền thuế đất, tiền thuê sử dụng đất và cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế đất, tiền thuê đất 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, hiện nay, công nợ giữa các doanh nghiệp, hàng không với lữ hành, hàng không gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đại diện ngành du lịch đề nghị Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng các địa phương vào cuộc làm trung gian, kết chuyển những khoản nợ này, giúp công ty lữ hành được nhận lại nguồn tiền đã chuyển trước cho hãng hàng không, đem về phục vụ các hoạt động phục hồi sau dịch.
Đại diện ngàng du lịch cũng đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu thời gian học phù hợp để học sinh vẫn có quãng nghỉ hè khoảng 4 - 5 tuần, từ giữa tháng 8 để thúc đẩy cầu trong nước, đưa du lịch qua cơn khó trong quý III.
Du lịch 17:37 | 03/07/2020
Du lịch 15:37 | 27/06/2020
Du lịch 18:51 | 26/06/2020
Du lịch 14:06 | 11/06/2020
Du lịch 11:07 | 11/06/2020
Du lịch 21:00 | 09/06/2020
Du lịch 09:05 | 08/06/2020
Du lịch 17:49 | 05/06/2020