Theo thống kê, tại Anh mỗi năm có khoảng 38.000 phụ nữ mắc ung thư vú. Việc điều trị ung thư vú bằng phương pháp xạ trị lặp đi lặp lại trong vòng 3-4 tuần. Cứ mỗi lần như thế, họ lại phải để ngực trần và cảm thấy khó chịu, phiền toái.
Việc phải bỏ áo ngực khi xạ trị là điều bắt buộc. Do gọng áo và chất liệu áo có thể làm giảm hiệu quả điều trị. Do đó tất cả phụ nữ đều phải cởi bỏ áo ngực khi xạ trị. Tuy nhiên việc bỏ áo ngực cũng không hoàn toàn tốt lắm. Bởi ngực không được cố định, có thể gây khó khăn trong xác định vị trí xạ trị.
Chính vì vậy, hầu hết bệnh nhân ung thư vú khi xạ trị đều được vẽ những đường trên ngực để các tia trị xạ hướng theo đó cho chính xác.
Đó chính là nguyên nhân chiếc áo ngực sử dụng túi bơm căng để cố định vị trí ngực ra đời. Với chiếc áo này, việc xạ trị không ảnh hưởng gì và bệnh nhân vẫn cảm thấy thoải mái vì không phải để trần ngực.
Chiếc áo ngực cũng góp phần giúp đẩy bên ngực khoẻ mạnh ra khỏi các tia bức xạ, để việc điều trị chính xác và có hiệu quả hơn.
Loại áo ngực này có tác dụng giữ cố định hai bên ngực theo như ý muốn, do đó cũng không cần phải vẽ những đường lên ngực bệnh nhân khi xạ trị nữa.
Giáo sư Heidi Probst, trưởng nhóm nghiên cứu tại đại học Sheffield Hallam, cho biết: "Chúng tôi rất vui khi được tham gia nghiên cứu và tạo ra một sản phẩm thông minh giúp tăng cường độ chính xác của việc xạ trị, cũng như mang lại cảm giác dễ chịu cho bệnh nhân đang điều trị ung thư vú bằng xạ trị.
Để chiếc áo ngực này được biết đến nhiều và sử dụng rộng rãi hơn, mỗi chiếc được bán ra với giá từ 50-100 bảng Anh.
Clare Robertson, đại diện hãng thời trang Panache thiết kế ra chiếc áo ngực này cho biết: "Chiếc áo ngực giúp phụ nữ thoải mái hơn trong khi điều trị. Chúng tôi rất tự hào khi được góp sức vào dự án lần này".
Catherine Priestley, đại diện của Breast Cancer Care (Trung tâm chăm sóc bệnh nhân ung thư vú) nói rằng: "Rất nhiều bệnh nhân điều trị ung thư vú nói rằng họ thấy xẩu hổ, và không thoải mái khi để ngực trần trong quá trình xạ trị".
Thảo Ngân
(Theo DailyMail)