Cuộc chiến đậu nành
Đậu nành có thể được xem là tâm điểm trong cuộc chiến thương mại này. Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ đậu nành lớn nhất thế giới khi phải nhập khẩu khoảng 90% nhu cầu nội địa, trong đó Mỹ là nước cung cấp hơn 30%. Kết quả là, khi chiến tranh thương mại giữa hai nước bùng nổ, cường quốc lớn thứ hai thế giới buộc phải tìm nguồn cung thay thế.
Brazil hiện là nguồn cung đậu nành chính của Trung Quốc nhưng vẫn không thể bù đắp cho lượng thiếu hụt. Vì vậy, Nga và các nước Trung Á có khả năng cao sẽ là đích nhắm tiếp theo của ông Tập Cận Bình.
Cả hai đều là những phương án thay thế rất khả quan bởi thời gian cần thiết để vận chuyển hàng hóa thông qua khu vực Á – Âu đã được rút ngắn nhờ dự án “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc. Thực tế cho thấy từ tháng 7/2017 đến nay, xuất khẩu đậu nành của Nga sang Trung Quốc đạt tổng 850.000 tấn, tăng 2,5 lần so với một năm trước.
Trung Quốc cũng đang dần quay sang đậu nành và lúa mì của Kazakhstan. Bộ Nông nghiệp Kazakhstan cũng cho biết muốn tăng cường xuất khẩu lúa mì qua cường quốc lớn thứ hai thế giới với mục tiêu 1 triệu tấn đến năm 2020, tăng gần ba lần so với năm 2016.
Tháng 6, Tổng thống nước này từng có buổi gặp mặt Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh để thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực vận tải, nông nghiệp,…
Trên thực tế, mục tiêu ban đầu của Trung Quốc chủ yếu là đậu nành và các nông sản khác. Tuy nhiên, chính phủ của ông Tập Cận Bình đang lên kế hoạch áp thuế 25% đối dầu thô và các mặt hàng năng lượng khác sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế tương tự lên 16 tỷ USD hàng hóa khác nhập từ Trung Quốc.
Cuộc chiến dầu
Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô Mỹ lớn thứ hai thế giới sau Canada. Trong ba tháng đầu năm 2018, nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc gấp đôi cùng kỳ năm ngoái lên 350.000 thùng/ngày.
Đáng nói là trong khi Mỹ chỉ chiếm 3,5% trong tổng nhập khẩu dầu của Trung Quốc, cường quốc lớn thứ hai thế giới lại chiếm khoảng 20% trong tổng xuất khẩu dầu của Mỹ. Như vậy, nếu ông Tập Cận Bình áp thuế đối với mặt hàng này, xuất khẩu dầu thô của Mỹ có thể bị chậm lại và tham vọng đẩy mạnh bán dầu ra nước ngoài của ông Trump cũng sẽ gặp trở ngại.
“Trung Quốc vẫn có thể có đủ dầu thô nhờ các nguồn cung thay thế nhưng Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm thị trường xuất khẩu thay cho Trung Quốc,” công ty nghiên cứu Wood Mackenzie nhận định. Nhiều chuyên gia dự đoán chính phủ Bắc Kinh sẽ chuyển qua mua dầu thô hạng trung từ Angola và các nước Trung Đông, và mua dầu ngọt nhẹ từ Nigeria.
Ngoài ra, Nga cũng có thể sẽ tăng cường xuất khẩu dầu sang Trung Quốc. Tháng 11/2017, nước này đã xây dựng xong đường ống dẫn đầu Đông Siberia – Thái Bình Dương thứ hai để vận chuyển dầu trực tiếp từ Nam Siberia tới Đông Bắc Trung Quốc. Khối lượng dầu mà Nga xuất sang Trung Quốc theo đó tăng hai lần lên khoảng 30 triệu tấn hàng năm.
Hoạt động nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc gần như không chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại vì nước này có thể dễ dàng mua dầu từ các nước khác. Ở chiều ngược lại, Mỹ có thể bị dư thừa dầu thô và giá dầu WTI theo đó sẽ giảm, chuyên gia kinh tế cấp cao Tsuyoshi Uneno tại Viện nghiên cứu NLI dự đoán.
Ngoài dầu thô, những tranh chấp thương mại giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường khí đốt hóa lỏng như propane. Hoạt động sản xuất propane đang phát triển mạnh tại Mỹ theo sau sự bùng nổ của dầu đá phiến.
Mỹ chiếm 25% trong tổng nhập khẩu propane của Trung Quốc, và con số này chắc chắn sẽ giảm nếu ông Tập áp thuế với mặt hàng này. Trong khi đó, doanh nghiệp Trung Quốc cũng bắt đầu đi tìm nguồn cung thay thế như Trung Đông.
Dầu thô và khí tự nhiên của Mỹ nằm trong danh sách bị Trung Quốc áp thuế, nhưng khí tự nhiên hóa lỏng lại “vắng mặt”. Điều này chứng tỏ cường quốc lớn thứ hai thế giới cũng đang cân nhắc rất kỹ lưỡng việc áp thuế hàng hóa.
Bởi nếu áp thuế cao lên khí tự nhiên hóa lỏng, lạm phát tại Trung Quốc sẽ lên cao, đặc biệt là trong bối cảnh nước này đang chủ trương ngừng sử dụngthan để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Hơn nữa, Trung Quốc từng không thể đảm bảo đủ nguồn cung khí đốt cho người dân trong mùa đông vừa qua nên khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ có lẽ vẫn sẽ an toàn, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Mỹ 'nổ súng' tiếp về thương mại, Trung Quốc sốc
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ bị sốc trước động thái hoàn toàn không thể chấp nhận được của Mỹ và sẽ khiếu ... |
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: ‘Tất cả là do chúng ta’
Tiếp tục phần trao đổi với Tuần Việt Nam nhân “cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định, ... |
Cuộc chiến Mỹ - Trung: Việt Nam đừng để mất ‘trận đồ’
Cuộc chiến thương mại được đánh giá là đã khích hoạt giữa Mỹ - Trung, hai thị trường thương mại lớn của hàng hóa Việt ... |
Hàng Trung Quốc qua Việt Nam xuất đi Mỹ: 'Chúng ta chẳng được lợi lộc gì!'
Xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, nhiều đánh giá rất khác nhau về các tác động đối với nền kinh tế ... |