Chính phủ đặt mục tiêu đến 2025 tăng diện tích nhà ở bình quân toàn quốc lên 27 m2/sàn

Theo mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26 m2 sàn/người.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định ngày 22/12 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chính phủ đặt mục tiêu đến 2025 tăng diện tích nhà ở bình quân toàn quốc lên 27 m2/sàn - Ảnh 1.

Theo chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn tới, mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, đến năm 2030 đạt khoảng 30 m2 sàn/người. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26 m2 sàn/người.

Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt khoảng 30 m2 sàn/người, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 32 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 28 m2 sàn/người.

Về chất lượng nhà ở, phấn đấu đến năm 2030 tăng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt 85 - 90%. Trong đó tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 75 - 80%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên toàn quốc đặc biệt là khu vực đô thị. 90% nhà ở trên toàn quốc có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải đồng bộ và được đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Về phát triển nhà ở thương mại theo dự án, khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở chung cư cao tầng hiện đại, thân thiện với môi trường; tăng tỷ trọng nhà ở thương mại có diện tích trung bình và giá cả hợp lý.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đa dạng hóa nguồn cung bằng việc bổ sung thêm các hình thức phát triển nhà ở xã hội phù hợp với thực tiễn và các cơ chế ưu đãi về đầu tư, đất đai, tài chính, thuế... trong đó tập trung đẩy mạnh khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở để cho thuê.

Đối với việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, ưu tiên tập trung xử lý đối với các nhà chung cư, khu chung cư thuộc diện phải phá dỡ theo quy định của pháp luật về nhà ở nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Để đạt được các mục tiêu phát triển nhà ở đề ra, chiến lược cũng đã liệt kê các nhóm nhiệm vụ và giải pháp toàn diện như: Hoàn thiện thể chế, chính sách về nhà ở; nâng cao năng lực phát triển nhà ở theo dự án; phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; giải pháp về nguồn vốn và thuế; phát triển thị trường bất động sản; cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư;...

Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, UBND các tỉnh thành và các bộ, ngành liên quan... chủ trì và phối hợp thực hiện các mục tiêu đặt ra.

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.