Giải pháp cho tình trạng 'đi ô tô mua nhà ở xã hội'

Nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm nên tập trung phát triển nhà ở xã hội để cho các đối tượng thu nhập thấp thuê, thay vì bán phần lớn như hiện nay. Đây là giải pháp giúp nhà ở xã hội tiếp cận đến đúng đối tượng.

Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa xuân tổ chức sáng 15/3, các chuyên gia đã dành nhiều thời lượng để bàn luận về các giải pháp phát triển nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, thực hiện mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ. 

Theo quan điểm của LS. TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nếu để "bàn tay vô hình" của cơ chế thị trường điều chỉnh thì sẽ rất khó có được nhà ở vừa túi tiền cho người dân. Thời gian qua, giá nhà tăng liên tục chính là minh chứng. Do đó, Nhà nước nên trực tiếp tham gia tạo lập nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội cho thuê để dẫn dắt, điều tiết thị trường trong một giai đoạn nhất định.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định, nhà ở xã hội đang đã có nhiều điều kiện để phát triển như hàng loạt thông tư, nghị định được ban hành để tháo gỡ, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia xây dựng; điều kiện để người dân tiếp cận NOXH cũng đang được rộng mở hơn…

Tuy nhiên thị trường chắc chắn vẫn còn thách thức do tính hai mặt của các luật liên quan đến thị trường bất động sản đã được thông qua. Đơn cử, bỏ khung giá đất, trong bối cảnh chi phí vật liệu, nhân công tăng lên thì giá nhà sẽ tăng. Trong khi đó, thu nhập người lao động chưa được cải thiện nhiều.

"Cần có chế phân phối nhà ở xã hội hợp lý để tránh tình trạng 'đi ô tô mua nhà ở xã hội'", vị chuyên gia nhìn nhận.

Chuyên gia cho rằng cần phân phối nhà ở xã hội theo hướng cho thuế. (Ảnh: Quyên Quyên).

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, nên phát triển nhà ở theo hướng cho thuê, đặc biệt là với nhà ở xã hội:

“Tôi nghĩ nên theo hướng xây lên cho thuê thay vì mua bán do sẽ khó đảm bảo nhu cầu bởi sự chênh lệch thu nhập đang khá lớn… Phát triển nhà ở xã hội nên theo hướng nhiều nhà cho thuê, tăng tỷ trọng cho thuê lên 30 – 40% sẽ giải quyết được vấn đề nhà ở. Nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư nhà ở cho thuê. Trong dân còn nhiều tiền nhưng lại chỉ đang biết gửi ngân hàng, trong khi nhà ở cho thuê cũng là kênh tiềm năng và giải quyết được bài toán nhà ở".

Vị chuyên gia lấy ví dụ, ở nhiều nước phát triển, trong đó nổi bật là Đức, nhà ở cho thuê là loại hình chính. Một số quốc gia tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê bằng cách thông qua các Quỹ tín thác bất động sản - REIT. Khi đầu tư vào kênh này, tài sản của người dân vẫn còn, lợi nhuận có thể thấp hơn một chút nhưng an toàn, bền vững.

Đồng tình, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, phát triển nhà ở xã hội cần thiết kế trên tư duy cho thuê 100%, thay vì chỉ 20% như hiện nay. 

Đối tượng của nhà ở xã hội cũng cần được nghiên cứu kỹ để tránh hệ lụy như bán không đến được đúng đối tượng.

"Đối tượng không có khả năng mua, nếu để họ mua thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn vì phần lớn thu nhập để trả các khoản vay. Rủi ro nữa là bán nhà sai đối tượng. Tôi không ngạc nhiên với việc người đi ô tô mua nhà ở xã hội, vì họ mới là đối tượng có tiền mua”, ông Ánh nhận định. 

Đồng tình với ý kiến của một số chuyên gia là nên cho thuê nhà ở xã hội, tuy nhiên ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, không nên giới hạn một cách tiếp cận.

"Cho thuê cũng được, cho mua cũng được… Tổng hợp nhiều cách để làm sao tăng khả năng lựa chọn và cơ hội cho những người, đối tượng được hỗ trợ. Tư duy của tôi là chúng ta nên tổng hợp tiếp cận nhiều cách", ông Hiếu nêu quan điểm.

chọn
Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP): Có hơn 11.948 tỷ đồng khách trả trước, sắp thu nợ hơn nghìn tỷ từ các công ty chứng khoán
Theo BCTC quý I của  Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp đạt 11.948 tỷ đồng, có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 1.353 tỷ đồng từ các công ty chứng khoán.