Chính sách ngoại giao Mỹ qua chiến lược của Trump và Clinton

Trump được đánh giá là theo chủ nghĩa dân tộc, hứa hẹn chính sách đối ngoại dựa trên lợi ích của Mỹ, còn Clinton được dự đoán theo chủ nghĩa quốc tế, ủng hộ chính sách đa phương.

Bầu cử Mỹ năm nay là cuộc đấu giữa một tỷ phú bất động sản khét tiếng “chịu chơi” và nhà nữ ngoại giao kỳ cựu. Trong khi cử tri Mỹ chú trọng tới vấn đề kinh tế và việc làm trong nước thì quốc tế quan tâm tới chính sách đối ngoại có chiều hướng đối nghịch của hai nhân vật này.

Dân tộc và quốc tế

Chiến lược tranh cử của ứng cử viên đảng Dân chủ Donald Trump được coi là “ca cực lạ” trong lịch sử bầu cử Mỹ.

Những phát ngôn và hành động của ông khiến không ít cử tri bị sốc, thậm chí hoài nghi khả năng ông có thể đảm đương vị trí của một chính trị gia. Giới phân tích tin rằng ông Trump là người theo chủ nghĩa dân tộc, muốn lấy lòng dân và hứa hẹn chính sách đối ngoại dựa trên lợi ích của Mỹ.

Trong khi đó, đây không phải là lần đầu bà Hillary Clinton tranh cử tổng thống Mỹ. 8 năm trước, bà để thua ông Barack Obama trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ và sau đó trở thành “cánh tay phải” của ông Obama với cương vị ngoại trưởng (từ năm 2009-2013).

Năm nay, bà không chỉ được sự hậu thuẫn của chồng là cựu Tổng thống Bill Clinton mà còn của tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama. Chính sách ngoại giao của bà được dự đoán là theo chủ nghĩa quốc tế, ủng hộ chính sách đa phương.

chinh sach ngoai giao my qua chien luoc cua trump va clinton
Ông Trump và bà Clinton đối mặt trong cuộc tranh luận trực tiếp. Ảnh: Reuters

Có thể tìm thấy bằng chứng mới nhất cho thấy quan điểm chính sách ngoại giao đối nghịch của hai ứng cử viên qua cuộc tranh luận lần thứ ba diễn ra tối 19/10.

Trong khi bà Clinton cho rằng gắn kết với các đồng minh đảm bảo lợi ích sống còn của Mỹ thì ông Trump đặt câu hỏi: “Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia là những nước giàu, sao họ không trả tiền để đổi lại sự bảo vệ của Mỹ?”.

Trước đó, ông đã có ý kiến tương tự khi tuyên bố rằng ông có thể rũ bỏ trách nhiệm bảo vệ các đồng minh, nếu họ không đóng góp nhiều hơn cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hay ông còn thể hiện sự bất cần với đồng minh thân cận Nhật Bản khi cho rằng “nếu Nhật bị tấn công, Mỹ có thể phải tham gia Chiến tranh Thế giới III. Còn nếu Mỹ bị tấn công, Nhật Bản có thể sẽ chẳng phải làm gì!”

Bình luận về những tuyên bố này của ông Trump, nhà phân tích Janathan Pollack của Viện Brookings nói ông “lo ngại sâu sắc về cái mà một nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ để lại”, còn nhà nghiên cứu Robert Manning của Viện Atlantic thì cho rằng ông Trump “về cơ bản là không hiểu gì về các đồng minh của Mỹ”.

Một ví dụ nữa, trong quan điểm về quan hệ với Nga, ông Trump từng tuyên bố muốn “hâm nóng” quan hệ với Tổng thống Nga Putin. Trong cuộc tranh luận thứ ba trên truyền hình, bà Clinton không ngần ngại nói: “Cũng đúng thôi, bởi vì Tổng thống Nga muốn có một con rối trong cương vị tổng thống Mỹ”.

Trước đó, bà từng thể hiện lập trường “diều hâu” khi tuyên bố: “Tôi từng đối mặt với ông Putin và nhiều người khác. Trên cương vị Tổng thống, tôi cũng sẽ làm như vậy”.

Khác biệt chính sách của ông Trump và bà Clinton còn thể hiện rõ hơn trong vấn đề chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria. Ông Trump cho rằng Syria và Nga đang giúp tiêu diệt IS, còn bà Clinton thì nói thẳng Nga chỉ muốn đảm bảo vị trí của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và bà sẽ tiếp tục ủng hộ các vùng cấm bay tiêu diệt IS ở Syria.

Trung Quốc, TPP và Biển Đông

Dưới sự dẫn dắt của tân Tổng thống, đường hướng của chính phủ mới ở Mỹ đối với Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và vấn đề Biển Đông như thế nào? Chủ đề này rất được dư luận khu vực châu Á quan tâm.

TPP là hiệp định thương mại bao trùm 12 nước với tổng số khoảng 800 triệu dân ở Thái Bình Dương và chiếm 40% thương mại thế giới. TPP được xem là thành tố quan trọng trong chính sách của Tổng thống Obama xoay trục sang châu Á, vì quan ngại về sự bành trướng của Trung Quốc.

TPP sẽ không thể được thực thi nếu Quốc hội Mỹ không phê chuẩn. Kịch bản này, nếu xảy ra, sẽ là đòn giáng mạnh với uy thế của Mỹ ở châu Á, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng tìm cách trỗi dậy.

Nhưng cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ lại đều không ủng hộ sáng kiến này, dù ở mức độ khác nhau, và theo tờ New York Times của Mỹ, cơ hội TPP được Mỹ phê chuẩn đang mờ mịt.

Ông Trump ủng hộ chính sách bảo hộ, nên không có gì lạ khi ông quyết liệt tấn công TPP vì cho rằng nó không mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như sẽ cướp đi việc làm của người Mỹ.

Nhưng bà Clinton khiến công chúng bất ngờ khi đột ngột thay đổi thái độ. Trước đây bà từng tuyên bố ủng hộ TPP, nhưng trước cuộc tranh cử tổng thống, bà nói “sẽ phản đối TPP ngay cả sau khi trở thành tổng thống”.

Tuy vậy, bà Clinton vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục chiến lược của Tổng thống Obama. Một số nhà quan sát còn cho rằng nếu trở thành tổng thống, bà sẽ khôi phục lại TPP dưới một cái tên khác.

Về quan hệ với Trung Quốc, cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đều tuyên bố sẽ cứng rắn với Trung Quốc, nhưng theo cách khác nhau.

Bà Clinton tỏ lập trường nhất quán mạnh mẽ lên án những hành động hung hăng của Trung Quốc tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Trong khi đó, dù ông Trump lấy những chỉ trích nhắm vào Trung Quốc làm tâm điểm của chiến dịch tranh cử, nhưng những chỉ trích này chủ yếu tập trung vào thương mại, chứ không phải về quân sự.

Hai ứng cử viên lớn tiếng về vấn đề TPP và Trung Quốc vì đông đảo cử tri Mỹ phản đối hai vấn đề này. Nhưng không có nhiều dấu hiệu họ sử dụng vấn đề Biển Đông để cố gắng giành phiếu.

Hiện Mỹ và Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của nhau và hai nước cũng phối hợp trong nhiều vấn đề quan trọng. Biển Đông là chủ đề mạo hiểm cho cả hai ứng cử viên.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố tranh cử, bà Clinton từng cảnh báo Trung Quốc “không thể tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ vùng biển này”.

“Bà Clinton nổi tiếng là người có quan điểm diều hâu ở châu Á, đặc biệt là với Trung Quốc. Tôi nghĩ bà có thể tiếp tục thể hiện quan điểm này trong tương lai”, Steven Lewis, chuyên gia về châu Á tại Đại học Rice, nói.

Tóm lại, theo trang Ipcs, dù có những chỉ dấu chính sách ngoại giao như trên, nhưng chính sách ngoại giao chính thức của chính phủ mới ở Washington vẫn là ẩn số. Kết quả bầu cử sẽ có ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Mỹ.

Và một lưu ý nữa, cho dù ai làm tổng thống, Mỹ vẫn là cường quốc số 1 về kinh tế, quân sự và dù nước Mỹ hành động gì, vẫn ảnh hưởng đến thế giới.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.