Chính thức vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau 10 năm xây dựng

Hôm nay (6/11), Hà Nội chính thức vận hành thương mại dự án đường sắt đô thị đầu tiên Cát Linh – Hà Đông. Sau một thập kỷ xây dựng, người dân Thủ đô nay có thêm một phương tiện công cộng mới ngoài xe buýt.

Sáng 6/11, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội chính thức tổ chức Lễ bàn giao dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông để đưa vào vận hành khai thác.

Chính thức vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau 10 năm xây dựng - Ảnh 1.

Lễ bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Hạ Vũ).

Sau khi bàn giao, tàu sẽ chạy từ 9h hôm nay. Trong 15 ngày đầu, tuyến đường sắt sẽ phục vụ hành khách miễn phí, mở cửa từ 5h30 và đóng vào 20h hàng ngày.

Sau thời gian trên, trong 6 tháng tiếp theo, tuyến đường sắt này sẽ vận hành 6 đoàn tàu, với thời gian giãn cách khoảng 15 phút/chuyến. Trong 6 tháng tiếp theo sẽ vận hành 9 đoàn, khoảng 10 phút/chuyến.

Khi khai thác thương mại, tuyến sẽ mở từ 5h30 sáng và kết thúc 22h30; giờ bình thường vận hành 10 phút/chuyến, còn giờ cao điểm 6 phút/chuyến.

Về giá vé hành khách, mức giá được xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng và được phê duyệt, được cài đặt vào phần mềm trên máy bán vé.

Cụ thể, giá vé mở cửa là 7.000 đồng/lượt, theo chặng từ 8.000 đồng đến 15.000 đồng/lượt. Giá vé ngày là 30.000 đồng/ngày. Vé cũng được bán theo tháng (không định danh 200.000đ/người, có định danh là 100.000đ/người). Nhiều đối tượng được miễn phí đi xe buýt cũng sẽ được miễn phí đi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Chính thức vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau 10 năm xây dựng - Ảnh 2.

Giá vé được TP Hà Nội phê duyệt chính thức là 7.000 động/lượt, theo chặng là 8.000 - 15.000 đồng/lượt. (Ảnh: Hạ Vũ).

Về kết nối xe buýt, Giám đốc Metro Hà Nội ông Vũ Hồng Trường cho biết dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 55 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt này từ năm 2020. Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến.

Trong tương lai sẽ có 59 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Cả 12 ga đều bố trí điểm trông giữ xe đạp, xe máy dành cho người dân đi tàu.

Trong quy hoạch của Hà Nội, tương lai tuyến sẽ kết nối với Xuân Mai để tiếp tục phát triển dự án. Đồng thời, đây cũng là phương tiện vận chuyển lớn, tốc độ cao có tính ưu việt của đường sắt đô thị.

Tuyến đường sắt số 2A Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,05 km với 12 nhà ga trên cao và một khu depot, trong đó hai ga trung chuyển là ga Cát Linh và ga Đại học Quốc gia.

Tổng cộng toàn tuyến có 13 đoàn tàu hoạt động, quy mô thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1.435 mm với tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác là 35 km/h.

Đây là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt vào năm 2008, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 11/2013.

Chính thức vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau 10 năm xây dựng - Ảnh 3.

Tàu Cát Linh - Hà Đông chính thức khai thác thương mại ngày 6/11. (Ảnh: Hạ Vũ).

Sau nhiều lần trễ hẹn, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đóng điện vào tháng 7/2018, đánh dấu hoàn thành cơ bản phần xây dựng và lắp đặt thiết bị. Đến tháng 12/2020, tàu chính thức chạy thử toàn hệ thống.

Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu gần 8.770 tỷ đồng, sau điều chỉnh là 18.001,5 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

Lũy kế giá trị giải ngân tính đến tháng 10/2021 là 731,25 trên tổng số 868,04 triệu USD, đạt 84,2%.

Dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư (trước đây là Cục Đường sắt Việt Nam). Tổng thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc. Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT - CTCP (TEDI) là đơn vị tổ chức tư vấn lập dự án.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.