Non chừng hai cây số trên đường Cách Mạng Tháng 8, từ ngã sáu Công trường Dân chủ lên đến ngã ba ông Tạ, có khoảng mười mấy vựa cua đồng được bày bán hai bên vỉa hè. Chủ và khách đều là mối quen, không tranh giành mua bán, cũng chẳng kỳ kèo ngã giá và hàng hóa chỉ độc một loại : cua đồng.
Chỉ bán mối quen
Chợ hoạt động từ đầu hôm cho đến khi hừng đông. |
Có người cho rằng đây là điểm giữa Sài Gòn, thuận tiện việc giao thương; kẻ lại bảo do khu vực này gần với vùng ông Tạ, nơi có nhiều bà con người Bắc di cư – những khách hàng sành ăn riêu cua... nên có chợ cua đồng. Nhưng chẳng ai nhớ chợ có từ tháng năm nào.
Anh Lê Thanh Tuấn, một người bán lâu năm ở đây khẳng định: “Chợ phải có khoản 30 năm vì tôi là người thứ ba tiếp nhận vựa cua này. Hai người trước bán được một thời gian độ hơn chục năm thì họ ra nước ngoài định cư, từ ngày đó tới giờ buôn bán cũng đã được gần mười năm…”.
Từ một vài vựa nhỏ, lâu dần hợp lại thành chợ, nhưng vì thời gian buôn bán khá “thiêng” (từ một giờ sáng đến tầm bốn giờ là mọi công việc phải được hoàn tất để trả lại lề đường cho thành phố) nên có khá ít người biết về sự hiện diện của chợ.
Cua chủ yếu được gom từ các tỉnh miền Tây về. |
Cua phần lớn được chuyển từ Châu Đốc (An Giang) và Đồng Tháp lên. Ban ngày người ta đi đánh bắt, tới tối đại lý thu gom rồi đưa về thành phố tiêu thụ. Cua sau khi về chợ nhanh chóng sang tay cho những chủ sạp tại các chợ trong thành phố và những tỉnh phụ cận.
Cũng có một số người tới lấy đem về bán lẻ trên những chiếc xe rong trong các con hẻm nhỏ, hoặc một số tiệm bán bún riêu cua lớn ra chợ sỉ này mua cua để vừa có giá rẻ, lại dễ tìm cua ngon.
Theo dân trong nghề, chợ mỗi đêm tiêu thụ phải hơn chục tấn cua đồng. Vựa nhỏ một phiên cũng mua bán trên dưới 50 bao (loại 12kg/bao), trung bình thì 70 – 80 chục bao, cá biệt có vựa mỗi đêm “đẩy” cả hơn 200 bao.
Con cua làm no cái bụng
Khách của chợ chủ yếu là mối lái của nhau nên việc mua bán diễn ra rất nhanh. |
Do quá trình vận chuyển, sẽ có một số chết hoặc dập nát, nên tại chợ được chia thành hai loại: cua sống và chết. Cua sống giá chừng 20.000đ/kg trong ngày thuận, những ngày trở trời hay con nước lớn, hoặc dịp lễ Tết, có thể lên đến 35 – 40 ngàn/kg.
Cua chết bán giá rẻ hơn, chủ yếu cho những người về chế biến chả cua, thương lái các chợ ít mua vì không thể bày lâu, do cua mau bốc mùi. Cuối buổi chợ, nếu còn cua chết, chủ vựa sẽ cho xay ra, bỏ cho những mối bán bún quen, biết giờ ra lấy. Theo những người bán tại chợ thì hằng đêm, không kể số lượng cua nhiều hay ít, tất cả phải được tiêu thụ sạch.
Chợ cũng giải quyết một lượng lao động nhất định - những người ngồi lựa cua sống và chết ra riêng sau đó vô bao trở lại để bán, người bốc hàng lên xe cho khách, người chạy giao hàng hoặc xay cua cho mối… Vựa nhỏ có đôi ba người phụ, lớn thì hơn một chục.
Cua từ chợ được phân phối khắp Sài thành. |
Độ 3 – 4 tiếng đồng hồ xoay vòng với cua đồng nhưng cũng giúp họ có một khoản thu nhập vừa đủ sống khoảng 200-250 ngàn/người/đêm. Anh Võ Viết Hùng, một chủ vựa khá lớn tại chợ giải thích: “Không có mấy em này làm sao nổi, vựa tui ngày gần 300 bao. Thời này phải phục vụ tận răng và chất lượng mới giữ nổi khách nên tui thuê nhiều nhân viên để lựa cua và giao hàng cho khách. Mình sống được thì mấy em nó cũng sống được”.
Dạo một vòng, chúng tôi thấy chỉ riêng lao động phụ việc ở chợ cua này đã có cả trăm người, chưa kể cánh tài xế và phụ xe từ miền Tây lên. Đây là một con số đáng kể nhưng theo Sáu Hận, một tài xế chở cua, dân bắt cua phải nhiều gấp vài chục lần số lao động trên.
Dân bán cua lo lắng chợ sẽ về đâu khi ngày khởi công tuyến metro gần kề. |
Sáu Hận kể, vì cua đồng hiện nay chưa có nhiều người nuôi nên phần lớn số cua trên thị trường là được bắt ngoài tự nhiên. Chuyện bắt cua vì lẽ đó đã không còn là thu nhập kiếm thêm lúc nông nhàn mà đã trở thành một nghề lớn nhỏ gì cũng có thể tham gia. Một người bắt giỏi một ngày được gần mười ký, nếu đem so với mười mấy tấn cua lưu thông mỗi đêm, chợ cua đồng này đã giải quyết thu nhập được cho hàng ngàn lao động miền Tây sông nước.
Tư Hiếu, một tài xế đang cà phê cùng Sáu Hận tỏ vẻ lo lắng, cua nhiều hay ít là do con nước, nhiều nhất là vào những tháng cuối năm nên vài người đã tận dụng triệt để trong cách đánh bắt cua. Họ dùng rớ đặt ở những vùng nước sâu, với mồi khoai mì, bắt tất tần tật từ con cụ đến con ti rí, có khi dùng cả thuốc sâu bẫy cua cho nhanh và nhiều, nên cua ngày càng ít đi rồi nhiều khi hiếm như rắn.
Dù còn nhiều nguy cơ khác đang làm cua đồng ngày một hiếm dần thì các chủ vựa cua ở đây còn lo lắng không biết sẽ dời chợ về đâu khi thành phố đang chuẩn bị xây tuyến metro Bến Thành – An Sương ngang qua chợ này.