Chông chênh đời thợ xây nhà cao tầng

Phơi nắng, dầm mưa, đứng chông chênh trên những chiếc giàn giáo, không bảo hộ, không bảo hiểm… tai nạn, nguy hiểm rình rập nhưng vì mưu sinh những người thợ xây vẫn bám công trình.

LTS: Vì cuộc mưu sinh, số khác vì nghề nghiệp đặc thù, họ đã bất chấp hiểm nguy để chạy ăn từng bữa, thậm chí giành giật với "tử thần" mạng sống của người xa lạ. Để giúp độc giả có thêm những góc nhìn về những cuộc mưu sinh này, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc loạt bài viết Những người mưu sinh với "tử thần".

Nuốt mồ hôi để mưu sinh

chong chenh doi tho xay nha cao tang
Nghề thợ xây hay còn gọi là thợ hồ luôn thu hút đông đảo công nhân tại các thành phố lớn. Ảnh: Duy Phong

Có mặt tại một khu công trình xây dựng (quận 7 - TP HCM), vào buổi trưa giữa tháng 4, dưới cái nắng như thiêu đốt của đất Sài thành, đập vào mắt chúng tôi là hàng chục căn biệt thự đang trong giai đoạn xây dựng, ngổn ngang cát, đá, xi măng, sắt thép… hàng chục công nhân miệt mài với công việc. Người trộn hồ, người xúc cát, người khác khuân vác xi măng. Tiếng bay gõ gạch lách cách, tiếng máy trộn, máy khoan… hỗn độn, inh ỏi át cả tiếng người nói.

Tại tầng hai của căn nhà đang xây dựng, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Nam (52 tuổi, quê Ninh Bình), người đã gắn bó với nghề gần 40 năm, phiêu bạt khắp mọi vùng miền của đất nước, xây hàng trăm công trình khác nhau và cũng từng chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn nghề nghiệp.

Kéo vạt áo lau vội những giọt mồ hôi trên trán, anh Nam kể: “Suốt gần 40 năm, cứ nay đây mai đó, kiếm được đồng nào là tích cóp gửi về quê cho vợ nuôi con ăn học. Biết cái nghề này nó cực, ai mà muốn làm nhưng vì miếng cơm, manh áo, trình độ không có nên đành phải gắn vào nó mà sống. Thấm thoát cũng ngót hơn nửa đời người…”.

chong chenh doi tho xay nha cao tang
Tại nhiều công trình, vấn đề đảm bảo an toàn lao động cho công nhân xây dựng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Điều đó khiến những người thợ luôn phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập. Ảnh: Duy Phong

Theo tâm sự của một số thợ hồ tại đây, người thợ cứng có thể nhận từ 250.000 đến 300.000 cho một ngày công; thợ phụ nhận ít hơn chỉ nằm khoảng 200.000/ngày. Với số tiền công như vậy cũng gọi là đủ cho họ trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, không ít người làm công chẳng đủ tiền chữa trị những tai nạn nghề nghiệp, thậm chí là bỏ nghề vì những nguy hiểm luôn rình rập.

Hẳn nhiều người phải “lạnh sống lưng” khi nhìn đội thợ xây đứng chênh vênh trên tấm ván bắt dọc theo giàn giáo, trên người không có một phương tiện bảo hộ lao động nào.

Ông Minh (54 tuổi, quê Đắk Lắk) nói: “Làm nghề này, giẫm đinh, té ngã là chuyện thường. Có lần xây một căn nhà mà tôi bị tai nạn đến hai lần, một lần giẫm phải đinh nhọn mất cả tuần trời không đi đứng được. Một lần bị mảnh gạch rơi xuống đầu phải khâu ba mũi”.

Qua câu chuyện của ông Minh, chúng tôi biết đến trường hợp của anh Thảo (là hàng xóm của ông Minh), từng làm thợ hồ tại Sài Gòn nay đã phải “giải nghệ”. “Cách đây ba năm, khi đang trát nhà, do mưa nhiều ngày trước đất lún khiến khung giàn giáo đổ sập, Thảo nó bị ngã xuống nền và bị khung giàn đè lên làm dập xương ống chân, từ đó nó “giải nghệ” luôn rồi”, ông Minh bàng hoàng kể lại.

Tai nạn cạnh bên

chong chenh doi tho xay nha cao tang
Làm việc trên độ cao hàng chục mét nhưng không hề có lưới che chắn, dụng cụ bảo hộ. Ảnh: Duy Phong

Leo lên tới lầu 4, đập vào mắt chúng tôi là giàn giáo chông chênh, những cuộn dây điện ngổn ngang, đinh vít rơi vãi khắp mặt sàn. Ba công nhân đang miệt mài khoan, đục, đứng trên một bộ giàn được lót sơ sài bằng những miếng ván mỏng, chênh vênh nhưng chẳng ai có dụng cụ bảo hộ.

Khi được hỏi tại sao không mang nón bảo hộ, dây an tòa, anh Phạm Văn Lợi (31 tuổi, quê Thanh Hóa) vừa cười vừa nói: “Ôi dời, biết là không an toàn nhưng đeo nón đeo dây vào vướng víu khó làm việc lắm. Quan trọng là ở mình, phải tự cẩn thận, rút kinh nghiệm để tránh tai nạn thôi”.

Bên cạnh sự chủ quan của người lao động, các chủ thầu hầu như cũng thiếu quan tâm bảo đảm an toàn cho công nhân của mình. Chẳng thế mà, tai nạn trong nghề vẫn thường xảy ra, nhẹ thì giẫm đinh vít, nặng thì bị gạch rơi trúng, ngã giàn giáo...

chong chenh doi tho xay nha cao tang
Nơi ở của nhiều công nhân xây dựng chỉ là những chòi chõng sơ sài, lụp sụp. Ảnh: Duy Phong

Anh Hồ Văn Minh (quê An Giang) kể, cách đây ba năm, trong một lần leo giàn để đóng cốp – pha, anh bị trượt tay là rơi tấm cốp – pha trúng chân khiến anh bị ngã từ trên giàn xuống đất. Hậu quả là anh bị nứt xương mu bàn chân và phải nghỉ gần ba tháng mới đi làm lại được.

“Lần đó đúng là xui xẻo, lúc tôi cầm tấm gỗ trên tay có một cơn gió bỗng thổi mạnh qua khiến tôi không giữ được thăng bằng và đánh rớt. Cũng may là khi ngã từ trên giàn xuống, ở dưới không có gạch đá gì nên không ảnh hưởng nhiều, chứ mà ngã trúng gạch thì xong đời rồi”, anh Minh nhớ lại.

Bên cạnh môi trường làm việc khắc nghiệt, những người theo nghề này còn phải chịu cảnh ăn uống kham khem, cuộc sống tạm bợ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít người thợ vì tích cóp tiền để gửi về cho gia đình nên họ không dám thuê phòng trọ vì giá cả đắt đỏ. Thay vào đó, nơi ở của công nhân xây dựng thường là những chiếc lều ngay tại công trường, với chỉ vài cây sắt dựng lên, quay xung quanh bằng những tấm vải bạt, mái che là những tấm tôn cũ rách.

chong chenh doi tho xay nha cao tang
Hàng trăm những công trình xây dựng lớn nhỏ mọc lên, đồng nghĩa với nhu cầu đối với nghề thợ xây cũng tăng theo. Tuy vậy, nhu cầu tăng không đồng nghĩa với chất lượng cuộc sống của họ được tăng theo. Ảnh: Duy Phong

“Lương đã ít mà ra thuê phòng trọ sẽ sinh thêm tốn kém, mấy trăm nghìn một tháng nữa thì đâu còn tiền dư. Công nhân mà, nay đây mai đó, ở tạm vậy, xong công trình này rồi lại đi chỗ khác. Riết rồi cũng quen thôi”, anh Minh (quê Ninh Thuận) nói.

Chúng tôi ra về khi ánh nắng chiều vẫn còn chói chang, những người thợ vẫn tiếp tục với công việc thường ngày. Nhìn những làn da rạm đen vì cháy nắng, những bàn tay chai sạn, những chiếc lưng áo ướt sũng mồ hôi… và những tốp thợ đứng chông chênh trên giàn giáo mới cảm hết sự hiểm nguy, cơ cực của nghề và đời thợ hồ.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.