LVMH được điều hành bởi CEO, tỉ phú Bernard Arnault, đồng sở hữu hai thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton và Dior, đã xác nhận rằng họ đang đưa ra lời đề nghị mua lại với hãng trang sức Tiffany.
Tập đoàn thời trang Pháp cho biết họ đã tổ chức các cuộc thảo luận sơ bộ liên quan tới hợp đồng thâu tóm Tiffany. "Tuy nhiên, vẫn chưa thể nói trước được điều gì", người phát ngôn LVMH nói.
Về phía hãng kim hoàn nổi tiếng New York, Tiffany đã xác nhận trong một tuyên bố rằng, họ đang xem xét đề nghị mua 120 USD mỗi cổ phiếu bằng tiền mặt của LVMH. Đề nghị này có giá cao hơn 20% so với giá đóng cửa của cổ phiếu Tiffany vào cuối tuần trước.
Một thỏa thuận như vậy sẽ định giá Tiffany khoảng 14,5 tỉ USD, nhưng các nhà phân tích tin rằng Tiffany có khả năng yêu cầu một lời đề nghị ngọt ngào hơn.
LVMH chi 14,5 tỉ USD để thâu tóm Tiffany. (Ảnh: CNN).
Oliver Chen, một nhà phân tích tại Cowen dự đoán, LVMH cần đề xuất ít nhất 160 USD cho mỗi cổ phiếu, để đảm bảo một thỏa thuận chắc chắn. "Các đối thủ khác của LVMH như Richemont, công ty sở hữu thương hiệu xa xỉ Cartier có thể sẽ đưa ra mức giá cạnh tranh hơn", ông nói.
Trong phiên giao dịch sớm ngày thứ Hai (28/10), cổ phiếu của Tiffany đã tăng vọt lên 30% đạt giá 130 USD mỗi cổ phiếu, cho thấy các nhà đầu tư kì vọng vào một đề nghị có khả năng sinh lời cao hơn.
Trong khi đó, cổ phiếu của LVMH tại quê nhà Paris gần như không tăng.
"Việc tiếp quản Tiffany có thể có rất nhiều ý nghĩa", các nhà phân tích tại Bernstein viết. Nó là một trong những thương hiệu xa xỉ nổi tiếng nhất trên thế giới, vẫn còn dư địa để phát triển, đặc biệt là trang sức và đồng hồ.
Nhà phân tích tại Cowen tin rằng với thương hiệu mạnh mẽ của mình, Tiffany có thể có rất nhiều tiềm năng để phát triển tại thị trường Trung Quốc.
Việc tiếp quản Tiffany có thể có rất nhiều ý nghĩa với LVMH. (Ảnh: Business Insider).
Nếu thỏa thuận này thành công cũng sẽ thúc đẩy sự hiện diện của LVMH tại Hoa Kì, sau Louis Vuitton và Dior, đồng thời hứa hẹn sẽ mang về 1/4 lợi nhuận cho tập đoàn này. Không những thế, việc thâu tóm Tiffany sẽ giúp công ty Pháp củng cố dòng sản phẩm trang sức và đồng hồ của mình.
Tính đến đầu năm nay, các sản phẩm trang sức và đồng hồ xa xỉ chỉ mang về doanh thu khoảng 9% cho LVMH.
LVMH là tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới. Công ty này là chủ sở hữu của 75 thương hiệu khác nhau. Trong nhiều năm qua, đây là nhà bán hàng xa xỉ số 1 thế giới, theo những phân tích của Deloitte được công bố trong năm nay. Năm ngoái, gã khổng lồ LVMH đã thu về 51,9 tỉ USD doanh thu.
Trong khi Tiffany lại là một câu chuyện buồn hơn. Từ lâu công ty này đã phải đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh số.
Năm 2018, hãng đã phải thay thế CEO của mình nhưng đến nay vẫn cho kết quả kinh doanh đáng thất vọng. Tiffany dự báo, doanh số toàn cầu trong năm nay sẽ giảm khoảng 3%. Tuy nhiên hãng trang sức cũng cho biết, họ vẫn đang "ăn nên làm ra" tại thị trường Trung Quốc đại lục – nơi nền kinh tế phát triển nhanh, và số gia đình trung lưu ngày một nhiều lên.