Hai tháng bùng phát dịch Covid-19, nhân viên Chanel đang chung câu hỏi: Khách hàng của chúng tôi đi đâu cả rồi

Nhân viên bán hàng tại cửa hàng Chanel trên Đại lộ số 5 ở thành phố New York, đã chuẩn bị cho một lượng lớn khách hàng tới mua sắm trước ngày lễ tình nhân 14/2 năm nay. Tuy nhiên, lượng khách hàng ghé thăm không được như những gì họ kì vọng.

Cửa hàng Chanel cùng với nhiều cửa hàng bán đồ xa xỉ khác trên Đại lộ số 5 ở thành phố New York từ lâu đã trở thành thỏi nam châm hút khách du lịch, mỗi khi đến với thành phố, đặc biệt là du khách Trung Quốc. 

Vậy nhưng khi dịch Covid- 19 bùng phát, hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp đặt các hạn chế đi lại đối với những người mang hộ chiếu Trung Quốc, khiến các thương hiệu thời trang xa xỉ mất đi một lượng khách hàng đông đảo nhất và chịu chi nhất.

Khách Trung Quốc là "nguồn sống" của các thương hiệu xa xỉ

Theo nghiên cứu hàng năm của Bain & Company, khách hàng Trung Quốc chiếm 1/3 thị trường hàng xa xỉ trị giá 338 tỉ USD của thế giới trong năm 2018. Tuy nhiên, chỉ 9% doanh thu đến từ thị trường nội địa Trung Quốc. 

Phần lớn người Trung Quốc mua sắm đồ xa xỉ ở nước ngoài, nơi mà họ có thể mua với mức giá rẻ hơn, khi không phải chịu chiết khấu thuế cao và chính sách thương hiệu của Chính phủ Trung Quốc.

“Chúng tôi thường có nhiều khách hàng, đặc biệt là người Trung Quốc và những khách hàng đến từ các quốc gia châu Á đến du lịch trong mùa lễ tình nhân”, ông Hartini Nelsen, nhân viên bán hàng tại cửa hàng Fifth Avenue Chanel nói. 

“Tuy nhiên năm nay tất cả chúng tôi đều tự hỏi: khách hàng của chúng tôi đã đi đâu cả rồi?”, nhân viên này, nói.

Các thương hiệu xa xỉ ‘thấm đòn’ vì Covid - 19 - Ảnh 1.

Khách Trung Quốc là "nguồn sống" của các thương hiệu xa xỉ. (Ảnh: CNN).

Tapestry - tập đoàn xa xỉ của Mỹ sở hữu nhiều thương hiệu như Coach, Kate Spade và Stuart Weitzman, nói rằng họ đã chịu tổn thất lớn từ việc phải đóng cửa phần lớn trong số 306 cửa hàng của mình ở Trung Quốc đại lục, do sự bùng dịch bệnh Covid - 19. 

Công ty này ước tính dịch bệnh có thể khiến hãng bị bốc hơi 50 triệu USD doanh số trong nửa cuối năm tài chính, theo CEO Tapestry ông Jide J. Zeitlin. 

Sự vắng bóng của du khách Trung Quốc tại Mỹ có thể khiến mọi việc tồi tệ hơn.

“Tôi đã nhận thấy sự sụt giảm khách hàng Trung Quốc đáng kể, từ cuối tháng 1”, Hanqiu Bai, nhân viên tại cửa hàng Stuart Weitzman ở Trung tâm thương mại Hudson Yards, New York, cho biết. 

Theo Hanqiu Bai, khoảng 30% lượng khách ghé thăm cửa hàng là khách người Trung Quốc, do đó cửa hàng này đã phải thuê thêm hai nhân viên bán hàng nói tiếng Trung Quốc làm việc bán thời gian, để phục vụ số khách này. 

Bai đến từ Vũ Hán, tâm chấn của dịch bệnh Covid - 19. Nhưng từ hai năm nay cô đã không trở về quê nhà. Cha mẹ Bai đã lên kế hoạch đến thăm cô tại New York trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng đã phải huỷ bỏ kế hoạch vì dịch bệnh bùng phát. 

“Sức khỏe của họ hiện vẫn đang rất tốt”, Bai nói.

Du khách Trung Quốc được đánh giá là những người chịu chi nhất, kể từ những năm 2010. Năm 2018 họ đã tiêu hết 277 tỉ USD khi đi du lịch nước ngoài, tăng 5% so với năm trước mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, theo Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc. 

Họ cũng đang có xu hướng tiêu tiền nhiều hơn khi đi du lịch Bắc Mỹ và châu Âu, so với những địa điểm gần như Thái Lan và Nhật Bản.

Tại Mỹ, khách du lịch Trung Quốc tiêu trung bình khoảng 6.700 USD mỗi chuyến, vượt 50% khách quốc tế trung bình, theo báo cáo do Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ công bố năm 2019. 

Theo Phòng Thương mại Pari, tsại châu Âu, khách Trung Quốc trung bình chi 1.100 USD mỗi người khi ở Paris, so với mức 690 USD của các du khách đến từ các quốc gia khác.

Các nhà mốt lao đao vì dịch bệnh Covid - 19

Sự vắng bóng gần đây của các du khách Trung Quốc ở Mỹ và châu Âu đã gióng lên hồi chuông báo động cho nhiều thương hiệu xa xỉ. 

Burberry, một nhà mốt của Anh, cho biết tình hình kinh doanh sẽ xấu đi trong những tuần tới, do các hạn chế đi lại được áp đặt ngày một tăng. Thương hiệu này đã đóng cửa 24 trong 64 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục, và chứng kiến “sự sụt giảm doanh số đáng kể” từ đầu năm đến nay, theo một tuyên bố gần đây nhất của Burberry.

“Chúng tôi sẽ cập nhật tình hình kinh doanh tiếp theo vào tháng 4”, Louise Pyman, đại diện truyền thông của Burberry nói với CNN. 

Các thương hiệu xa xỉ ‘thấm đòn’ vì Covid - 19 - Ảnh 2.

Các thương hiệu xa xỉ ‘thấm đòn’ vì Covid - 19. (Ảnh: CNN).

Ngày 5/2, Capri Holdings - Tập đoàn mẹ của Versace, Michael Kors và Jimmy Choo, cho biết sự bùng phát Covid - 19 khiến hãng thất thu khoảng 100 triệu USD, và cảnh báo tình hình có thể xấu hơn nữa nếu việc “đi lại và giao thông du lịch bị hạn chế bởi Trung Quốc và các quốc gia khác”. 

Capri Holdings đã đóng cửa 150 trong tổng số 225 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục, kể từ 5/2. Công ty từ chối trả lời bình luận về động thái này.

Các thương hiệu mĩ phẩm nổi tiếng cũng đang chứng kiến doanh số giảm sút, do mất một lượng khách hàng là người Trung Quốc.

Fabrizio Freda, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Estée Lauder, cho biết doanh thu tháng 2 đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Phần lớn sản phẩm của công ty được bán tại các cửa hàng miễn thuế ở sân bay, trên các du thuyền và ở các địa điểm du lịch. 

Tuy nhiên, từ đầu mùa dịch đến nay, tại Mỹ hơn 60 hãng hàng không đã ngừng hoạt động hoặc cắt giảm các chuyến bay trong và ngoài nước. 

“Nếu khách du lịch Trung Quốc không tới Mỹ trong vòng ít nhất 2-3 tháng tới, chúng tôi sẽ chứng kiến sự giảm sút doanh số nghiêm trọng. Rõ ràng dịch bệnh đang có tác động tiêu cực đến rất nhiều doanh nghiệp”, Fabrizio Freda nói.

La Prairi - một thương hiệu mỹĩphẩm xa xỉ thuộc sở hữu của công ty Đức Beiersdorf, được khách hàng trong và ngoài Trung Quốc rất ưa chuộng. Tuy nhiên, theo Linda Yu, một nhân viên bán hàng nói tiếng Trung Quốc tại cửa hàng La Prairi trong Trung tâm thương mại Hudson Yards, cho biết cô thấy lượng khách Trung Quốc giảm hẳn kể từ khi lệnh cấm được Chính phủ Mỹ áp dụng.

“Tôi đã rất ít khi thấy họ kể từ cuối tháng 1”, Yu nói. 

Cả Tapestry và Estée Lauder đều từ chối trả lời yêu cầu bình luận.