Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra sáng nay 27/4, ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Đạt Phương (mã chứng khoán: DPG) đã đánh giá về những mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp hiện nay.
Ông Tuấn cho biết, Đạt Phương đang tập trung vào một số lĩnh vực chính là xây lắp, thuỷ điện, bất động sản.
Những năm đầu, xây lắp sẽ chiếm ưu thế chính về mặt lợi nhuận, doanh số nhiều. Thực tế, đây là ngành biên có lợi nhuận thấp nhất, là ngành truyền thống của Đạt Phương, là ngành giữ doanh số và doanh nghiệp chưa có cách nào để tăng biên lợi nhuận đối với mảng này.
Với thuỷ điện, Đạt Phương có một số công ty con như Sông Bung, Sơn Trà, doanh thu ít nhưng lợi nhuận cao, đây là lĩnh vực mà ngày nào cũng mang tiền về cho Đạt Phương. Thuỷ điện bản chất là mảng có tỷ suất lợi nhuận rất cao nhưng doanh số thì không nhiều.
Còn bất động sản là ngành có lợi nhuận tốt nếu kinh doanh hiệu quả. Song, lợi nhuận lớn nhất của Đạt Phương giai đoạn trước là bất động sản, vài năm qua thị trường hơi khó khăn.
Đạt Phương cũng đang hướng đến ngành dịch vụ, gồm hệ sinh thái khách sạn để mang lại doanh thu thường xuyên cho công ty, bởi theo ông Tuấn, bất động sản bán xong là hết. Còn khách sạn thì mang đến dòng tiền ổn định hàng ngày.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Lương Minh Tuấn: "Mũi nhọn trong 5 năm tới của Đạt Phương sẽ là sản xuất kính trắng. Đây sẽ là ngành đóng góp doanh thu và lợi nhuận chính một cách lâu dài cho tập đoàn. Các ngành còn lại vẫn đóng góp, nhưng khi so sánh tỷ lệ thì sẽ có sự chuyển biến tổng thể mà ngành kính trắng là chủ đạo".
Tại đại hội, lãnh đạo Đạt Phương tiết lộ rằng trong năm qua, tập đoàn đã hoàn thành thủ tục thành lập CTCP Kính Đạt Phương để đầu tư nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế. Hiện nay, Đạt Phương đang đẩy nhanh thủ tục đầu tư để khởi công nhà máy này vào đầu 2025.
"Dự án nhà máy sản xuất kính trắng ở Thừa Thiên - Huế vừa qua đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, về nguyên tắc là phải thông qua Bộ Xây dựng, chúng tôi đã xong được việc đó rồi.
Kế hoạch của chúng tôi là tập trung đàm phán với nhà cung cấp thiết bị, theo hợp đồng khoảng tháng 6 năm nay sẽ xong được việc này nhưng sẽ chưa khởi công ngay, mà chủ trương vẫn cho người ta sản xuất trước, đầu 2025 mới bắt đầu xây dựng, có doanh thu từ 2026.
Lý do, khoảng quý III - quý IV/2024, ở vùng miền trung rơi vào mùa mưa nên không thể làm phần móng, do đó phải đến đầu năm 2025 mới khởi công được, thời gian hoàn tất xây dựng dự kiến là 1 năm. Doanh thu dự kiến từ nhà máy này sẽ rơi vào khoảng 1.500 - 2.000 tỷ, biên lợi nhuận thì tuỳ theo thị trường.
Giai đoạn 1 của nhà máy cần thuê đất khoảng 10 ha với công suất 400 tấn/ngày, tổng vốn khoảng 1.500 tỷ. Còn giai đoạn 2 thì sẽ có nhu cầu sử dụng khoảng vài chục ha, công suất 1.000 - 1.200 tấn/ngày", Chủ tịch Đạt Phương nói.
Cũng theo Chủ tịch Đạt Phương, sản phẩm kính trắng của doanh nghiệp không phải phục vụ cho xây dựng, mà phục vụ cho việc sản xuất pin năng lượng mặt trời.
"Theo đánh giá của chúng tôi, năng lượng mặt trời đang là loại năng lượng rẻ nhất trong tất cả các loại năng lượng. Với cuộc chiến giữa Ngà và Ukraine, Mỹ và các nước phương tây đang có sự chuyển dịch cơ cấu sử dụng năng lượng sạch và cam kết phát thải ròng bằng 0. Tôi nghĩ đây sẽ là loại năng lượng tốt nhất trên thị trường.
Sản phẩm của chúng tôi đi vào thị trường năng lượng mặt trời, Đạt Phương tự tin về điều này. Về khách hàng cụ thể, chúng tôi có sản phẩm, có quy trình thì sẽ có thị trường. Hiện Trung Quốc có nhiều nhà máy đầu tư các tấm pin năng lượng, đây sẽ là đầu vào của chúng tôi. Ngoài các công ty này, chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Nhìn ở góc độ trên toàn thế giới, tôi nghĩ gần như doanh nghiệp Trung Quốc đang nắm 60 - 70% thị phần của ngành này. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc có nhược điểm là bị đánh thuế rất cao khi xuất khẩu sản phẩm này, cùng với đó nguồn nguyên liệu chính là cát thì cũng phải nhập về vì bản thân Trung Quốc không có.
Còn ở Việt Nam, hiện mới chỉ có một doanh nghiệp ở Hải Phòng đang làm mảng kính siêu trắng này, song nguồn nguyên liệu phải đi mua từ nơi khác về, bởi nhiều địa phương (có cả Huế) không cho xuất nguyên liệu ra khỏi địa bàn.
Vừa rồi, chúng tôi đã hoàn thành hợp tác đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất cho nhà máy kính siêu trắng thứ nhất, xong nhà máy thứ nhất thì chúng tôi sẽ nghiên cứu tìm nguồn nguyên liệu cho hàng chục năm tới.
Cái quan trọng nhất của mảng này là nguyên liệu cát, ở vùng Huế nơi đặt nhà máy là đảm bảo chất lượng cát tốt nhất. Do đó, nguyên liệu cũng là một lợi thế lớn của Đạt Phương".