Nói với nhà đầu tư tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hôm nay, 10/6, lãnh đạo Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết tình hình kinh doanh năm nay sẽ không nhiều thuận lợi.
Trong tháng 4, do phải đóng hàng loạt cửa hàng giai đoạn cách li xã hội nên tập đoàn lỗ 89 tỉ đồng. Đây cũng là khoản lỗ kỉ lục nhiều năm qua của PNJ. Lũy kế doanh thu đến hết tháng 4 của PNJ giảm nhẹ 3% so với cùng kì, còn 5.502 tỉ đồng nhưng lãi ròng giảm đến 34%, chỉ còn 320 tỉ đồng.
Bà Dung kì vọng do tháng 4 bị dồn nén nên rất có thể tháng 5-6, người tiêu dùng sẽ bung ra mua sắm. Khi đó, doanh thu và lợi nhuận sẽ cải thiện. Cụ thể, doanh số bán hàng trong tháng 5 đã tăng khoảng 20% so với cùng kì năm ngoái và tăng 85% so với tháng 4.
Về các tháng còn lại trong năm, Chủ tịch PNJ cho rằng do dịch bệnh Covid-19 toàn cầu chưa được kiểm soát nên sức mua vẫn sẽ bị ảnh hưởng. Dự báo, hoạt động bán sỉ của PNJ trong năm 2020 sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, do không có đơn đặt hàng, sức mua hạn chế trong nước và hoạt động xuất khẩu bị ngưng trệ.
Không chỉ kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề mà thị giá cổ phiếu của PNJ trên sàn chứng khoán cũng sụt giảm.
Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung cho rằng giá cổ phiếu PNJ giảm không phải do nội lực doanh nghiệp giảm, mà do bối cảnh chung của ngành bán lẻ không khả quan trước dịch Covid-19. Không chỉ cổ phiếu các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam mà ngay cả cổ phiếu các doanh nghiệp bán lẻ trên thế giới cũng biến động giảm.
Nhận định chung là tình hình khó khăn, vì vậy, lãnh đạo PNJ đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 giảm 15% so với cùng kì, còn 14.486 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 30% so với năm 2019, còn 832 tỉ đồng.
Trước đó, PNJ đặt kế hoạch năm 2020 với doanh thu thuần 19.020 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.349,5 tỉ đồng, cùng tăng hơn 10% so với kết quả đạt được năm 2019. Như vậy, kế hoạch mới của PNJ giảm đến 31% doanh thu và 38% lợi nhuận so với kế hoạch ban đầu.
Chia sẻ với cổ đông, bà Cao Thị Ngọc Dung cho hay năm nay, tập đoàn đề ra chiến lược mới, để tạo nền tảng tăng trưởng cho các năm tiếp theo.
Cụ thể, PNJ sẽ xây dựng nhà máy thứ hai tại Long An, mục tiêu xử lí các sản phẩm xi mạ. Nhà máy hiện tại tập trung vào sản phẩm cao cấp, hướng đến thay thế mặt hàng nhập khẩu, giảm được nhiều chi phí cho công ty.
Đồng thời, PNJ sẽ đổi mới, sáng tạo để phát triển thị trường theo chiều sâu, tái cơ cấu danh mục, giới thiệu thêm nhiều sản phẩm mới, tăng tốc mảng kinh doanh mới. Năm nay, PNJ sẽ tăng bán sỉ, đưa cả những sản phẩm trước đây chỉ bán lẻ sang bán sỉ và chú trọng thị trường trong nước.
Riêng với hai dòng sản phẩm mới là đồng hồ và mắt kính, nhiều cổ đông đặt vấn đề liệu PNJ có thể cạnh tranh trực tiếp được với Thế Giới Di Động và FPT hay không.
Lãnh đạo PNJ cho rằng thực tế, mô hình kết hợp đồng hồ và mắt kính là phổ biến trên thế giới, và tập đoàn hướng đến phân khúc cao cấp hơn. Nếu so với Thế Giới Di Động và FPT thì PNJ chọn không đi chiều rộng mà đi chiều sâu, khai thác trực diện vào nhóm khách hàng hiện hữu.
Bà Cao Thị Ngọc Dung cho hay 2 năm qua, PNJ vẫn đang thăm dò thị trường, đầu tư về con người, kinh nghiệm và chưa phát triển mạnh. Đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa gặt hái được từ mảng này.
Năm 2019, doanh số bán đồng hồ đã tăng 3 lần. Tương lai, PNJ sẽ tận dụng lợi thế để phát triển cửa hàng độc lập, tối ưu hoá chi phí bằng cách đào tạo nhân viên bán trang sức sang bán đồng hồ.
Hiện hệ thống PNJ Watch có 44 cửa hàng và mạng lưới này sẽ tăng lên 54 cửa hàng trong tháng 6. Năm nay, PNJ sẽ mở mới 31 cửa hàng bán lẻ nhưng riêng đồng hồ chiếm hết 1/3 số lượng.
Chủ tịch PNJ cho rằng mắt kính và đồng hồ vẫn là động lực tăng trưởng trong tương lai của tập đoàn, và mục tiêu này vẫn không thay đổi so với thời điểm quyết định bán thêm đồng hồ, mắt kính.
Con gái Chủ tịch PNJ được bầu vào Hội đồng quản trị
Trong đại hội, các cổ đông PNJ cũng đã bầu bổ sung 3 thành viên mới vào HĐQT, gồm: ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Alphanam, bà Tiêu Yến Trinh – Tổng Giám đốc Talentnet và bà Trần Phương Ngọc Thảo – Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số hóa PNJ.
Bà Trần Phương Ngọc Thảo sinh năm 1984, chính là con gái đầu của Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung. Cô du học tại New Zealand từ tháng 7/1999, khi vừa học xong lớp 9 ở Việt Nam. Với thành tích đứng thứ bảy trong kì thi học sinh giỏi quốc gia toàn New Zealand, cô được tuyển thẳng vào đại học Oxford (Anh) danh giá năm 2004, và theo học Cử nhân ngành Quản lí kinh tế tại đại học này.
Từ khi chưa tốt nghiệp Oxford, cô đã được 5 trường chấp nhận tuyển thẳng làm nghiên cứu tiến sĩ. Đó là các trường Harvard, North Westhern (Mỹ), Cambridge và London Economic School.
Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đồng ý tài trợ học bổng toàn khóa học cho Trần Ngọc Phương Thảo. Sau khi học xong tại Oxford, Thảo học tiếp Thạc sĩ Kinh tế học tại Harvard và tốt nghiệp năm 2010.
Ngoài ra, Thảo cũng tốt nghiệpThạc sĩ Quản trị kinh doanh tại London Business School (Anh).
Trần Ngọc Phương Thảo từng có 3 năm giảng dạy tại Đại học Kinh tế TP HCM, sau đó đảm nhiệm chức vụ Giám đốc quản lí dự án tại Ngân hàng TMCP Đông Á và trải qua 4 năm quản lí tại Ngân hàng ANZ Bank Group, chi nhánh Melbourne, Australia.
Ái nữ của Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung đang sở hữu hơn 6,74 triệu cổ phiếu, chiếm tỉ lệ 3%.