Nissan, Renault và Mitsubishi thành lập liên minh để sống sót sau đại dịch

Các ông lớn trong ngành ô tô đang tìm cách bắt tay với nhau để tăng cường hiệu quả hoạt động, cắt giảm chi phí nhằm tồn tại qua dịch Covid - 19.

Mới đây 3 ông lớn trong ngành sản xuất ô tô của thế giới gồm Nissan Motor, Renault và Mitsubishi Motors đã lên kế hoạch thành lập một liên minh sản xuất, để đối phó với thực trạng sụt giảm doanh số bán hàng trong dịch. 

Thông báo cho biết, một liên minh như vậy sẽ giúp cả ba hoạt động hiệu quả hơn và cắt giảm chi phí trong khi tránh được việc phải sáp nhập hoàn toàn.

Thành lập liên minh ô tô để vượt bão Covid - 19

Ba nhà sản xuất ô tô nói rằng liên minh mới sẽ tìm cách cắt giảm tới 40% chi phí đầu tư cho mỗi mẫu xe, thông qua việc sử dụng chung các nền tảng và linh kiện. Họ cũng không chắc chắn về chiến lược tăng trưởng trước đó, và chi biết sẽ chuyển trọng tâm từ việc tối đa hoá doanh số bán hàng.

"Mô hình mới của liên minh sẽ tập trung nhiều hơn vào hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thay vì doanh số", Jean-Dominique Senard, Chủ tịch của Renault nói trong cuộc họp báo. "Chúng tôi xây dựng chiến lược của mình dựa trên những cơ sở sẵn có của các bên trong liên minh".

Nissan, Renault và Mitsubishi thành lập liên minh để cắt giảm chi phí, sống sót sau đại dịch - Ảnh 1.

Nissan, Renault và Mitsubishi thành lập liên minh để cắt giảm chi phí, sống sót sau đại dịch. (Ảnh: Yahoo Money).

Mỗi một công ty trong liên minh sẽ chủ trì và triển khai sản xuất các mẫu xe cụ thể, với sự hỗ trợ từ các công ty khác. Mô hình "người lãnh đạo" này sẽ được áp dụng cho gần một nửa sản lượng xe của liên minh trong năm 2025.

Liên minh cũng đã thiết lập các "khu vực tham chiếu", trong đó một công ty sẽ phụ trách dẫn đầu tại các khu vực khác nhau trên thế giới, cho phép các đối tác khác thuê lại năng lực sản xuất của mình.

Nissan sẽ phụ trách thị trường Trung Quốc, Bắc Mỹ và Nhật Bản. Renault ở Châu Âu, Nga, Nam Mỹ và Bắc Phi. Trong khi Mitsubishi phụ trách ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương.

Ba nhà sản xuất ô tô cho biết họ sẽ có cùng một cách tiếp cận với công nghệ. Trong đó, Nissan sẽ đi đầu trong việc chế tạo ô tô tự lái, và tiến hành chuyển giao các công nghệ liên quan sẵn có cho hai công ty còn lại.

"Hoàn toàn không có vướng mắc gì về cách liên minh sẽ hoạt động trong tương lai. Không có một trở lực nào cho việc thành lập liên minh này", Chủ tịch của Renault nói thêm và khẳng định việc thành lập liên minh tốt hơn việc phải sáp nhập.

Đồng quan điểm, Giám đốc điều hành Nissan Makoto Uchida nói: "Liên minh là một ý tưởng tuyệt vời để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của mỗi công ty. Đối với Nissan, chúng tôi sẽ tập trung vào thế mạnh của mình và nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ liên minh".

"Nissan và Renault nên sáp nhập để tái cơ cấu hiệu quả hơn"

Mặc dù vậy, một số nhà phân tích nghi ngờ về khuôn khổ mới của liên minh, cho rằng sự trói buộc này sẽ cản trở những cải cách táo bạo và giảm hiệu suất của các nhà sản xuất ô tô.

Trước đó, Nissan và cổ đông lớn nhất của nó - Renault đã không có chung tiếng nói về cơ cấu vốn, đặc biệt là sau khi Carlos Ghosn, cựu Chủ tịch của Nissan, bị chính quyền Nhật Bản bắt giữ vào tháng 11/2018.

Hiện Renault nắm giữ 43,4% cổ phần của Nissan. Trong khi phía ngược lại, hãng xe Nhật có 15% cổ phần trong công ty đối tác Pháp, nhưng không có quyền biểu quyết.

Nissan, Renault và Mitsubishi thành lập liên minh để cắt giảm chi phí, sống sót sau đại dịch - Ảnh 2.

"Nissan và Renault nên sáp nhập để tái cơ cấu hiệu quả hơn". (Ảnh: CityAM).

Những lo ngại trên cũng không phải là không có cơ sở, khi cả ba đều đang vật lộn với doanh số bán hàng toàn cầu lao dốc ngay cả trước khi đại dịch bùng phát. Tổng ba hãng xe chỉ bán được 10,15 triệu xe trên toàn thế giới trong năm 2019, giảm 5,6% so với năm trước. Doanh số này xếp sau cả số xe bán ra của hai gã khổng lồ Volkswagen và Toyota Motor.

Cuối tuần trước, Nissan cũng đã công bố khoản lỗ ròng khi kết thúc năm tài chính vào tháng 3/2020 vừa qua, khi nó phải vật lộn hồi phục từ hậu quả của chiến lược tăng trưởng nóng nhưng có lợi nhuận thấp mà vị cựu Chủ tịch Ghosn để lại. Renault cũng báo cáo lỗ ròng cho năm 2019.

Ảnh hưởng bởi đại dịch, cả ba hãng xe đều cho biết doanh số đã giảm mạnh trong tháng 3. Cụ thể, doanh số bán xe toàn cầu của Nissan đã giảm 43% so với cùng kì năm ngoái, trong khi 47% là mức giảm của Renault và Mitsubishi.

Seiji Sugiura, nhà phân tích cao cấp tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo nhận xét: "Hiện hiệu suất của Nissan rất kém, thậm chí sau hơn 20 năm liên kết với Renault. Không thể phủ nhận một điều rằng sự hợp tác này đã thất bại". Và đặt câu hỏi: "Liệu liên minh trong một khuôn khổ mới này có thực sự hiệu quả?".

Nhà phân tích cao cấp tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết, các nhà sản xuất ô tô đã không nỗ lực tới cùng để cắt giảm chi phí, và kì vọng quá nhiều vào một liên minh chưa hình thành giúp họ mang lại những lợi ích khó nắm bắt.

"Tốt hơn hết là sáp nhập Nissan và Renault thành một công ty để thực hiện việc tái cấu trúc có hiệu quả", ông nói thêm.