Phiên tòa vụ diễn viên kịch nói Ngọc Trinh tranh chấp hợp đồng hợp tác với Nhà hát Kịch TP.HCM tại TAND quận 1, TP.HCM kịch tính đến phút cuối khi HĐXX quyết định nghị án kéo dài. Lý do tòa đưa ra là vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên sẽ tuyên án vào sáng 11-7.
“Em hết đường rồi…!”
Ngày xét xử hôm qua, Ngọc Trinh rút lại yêu cầu đòi bồi thường 96 triệu đồng chi phí bù lỗ tiền diễn viên. Trước đó, chiều 4-7, Ngọc Trinh cũng đã rút lại yêu cầu đòi bồi thường 20 triệu đồng chi phí đầu tư cho kịch bản Thuật hồi sinh Tết 2015. Như vậy, Ngọc Trinh chỉ giữ lại yêu cầu đòi nhà hát bồi thường hơn 430 triệu đồng chi phí đã bỏ ra đầu tư cho sáu vở kịch đã biểu diễn là Chỉ có thể là yêu, Kẻ nói dối đa tình, Cặp đôi hoàn cảnh, A... ma... ma, Mắt âm dương và 49 ngày yêu.
Tại tòa, Ngọc Trinh không kìm được xúc động: “Tôi ức chế suốt ba năm qua nên khi nhìn thấy hai ông anh của mình, tôi quyết tâm đòi lại những chi phí đã bỏ ra, những thiệt hại phải gánh chịu. Tôi rút lại hai yêu cầu là chia sẻ khó khăn cùng nhà hát và những người anh em của mình. Cả giám đốc cũ và mới đều là những người anh rất thân thiết nhưng em hết đường rồi, em phải bảo vệ em thôi…”.
Phía bị đơn từ chối các yêu cầu đòi bồi thường của Ngọc Trinh và đưa ra đề nghị cho diễn viên này được diễn miễn phí 52 suất trong một năm để thu hồi vốn.
Sau khi tòa tuyên bố nghị án kéo dài, Ngọc Trinh nói: “Tôi muốn chia sẻ với nhà hát dù rằng mình đã mất quá nhiều. Tòa chưa đưa ra phán quyết nhưng giám đốc nhà hát là những người anh của tôi, với tư cách là một đứa em tôi phải thể hiện sự trân trọng. Chuyện đúng sai thì để pháp luật giải quyết. Mong các anh hiểu cho em, em cũng bất khả kháng, không còn gì để bám víu nên mới nhờ đến pháp luật, chứ nghệ sĩ không muốn đến tòa đâu. Nếu có duyên thì Trinh sẽ quay lại nhà hát tiếp tục công tác…”.
Diễn viên Ngọc Trinh (giữa) chuẩn bị hồ sơ tại tòa. Ảnh: P.LOAN
Tòa sẽ chấp nhận một phần yêu cầu?
Tại tòa, đại diện VKS cho rằng có căn cứ để chấp nhận một phần yêu cầu của Ngọc Trinh. Mấu chốt là cần xem xét có hay không việc hợp tác đầu tư giữa hai bên. Theo đó, căn cứ vào hồ sơ và diễn biến phiên tòa thì hai bên đã có sự bàn bạc, thống nhất hợp tác diễn các vở kịch, chương trình nghệ thuật theo phương thức xã hội hóa. Hai bên đã xác lập quan hệ lao động và họp báo công khai việc hợp tác vào ngày 10-4-2016.
Văn bản thỏa thuận thứ nhất do phía nhà hát soạn thảo, các điều khoản được hai bên thống nhất (trừ một khoản) nên bà Trinh chưa ký. Trong thời gian hợp tác, bà Trinh đề nghị năm vở kịch, chi phí đầu tư bà bỏ ra 100%. Năm vở kịch này đã được cấp giấy phép biểu diễn. Nhà hát đã công diễn 55 suất, sau mỗi đêm diễn bà Trinh đã nộp lại 4 triệu đồng tiền điện nước, bồi dưỡng nhân viên,… tổng cộng khoảng 220 triệu đồng. Xét nội dung văn bản thỏa thuận không vi phạm pháp luật và trái đạo đức, mặc dù chưa được hai bên chính thức ký nhưng thực tế thỏa thuận đã được hai bên thực hiện. Do đó, văn bản trên được xem là có giá trị pháp lý.
Đại diện VKS cho rằng theo trình bày của bà Trinh, khi nhà hát đưa cho bà thỏa thuận thứ hai, bà phát hiện có nội dung không đúng với thỏa thuận ban đầu. Cụ thể, có thêm điểm 2 Điều 5 về nhiệm vụ của bên A là hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư, chi phí phát hành vé, phục trang… Bà Trinh cho rằng điều này là không có thật bởi trong suốt thời gian hợp tác, bà Trinh không nhận được sự hỗ trợ nào của nhà hát nên bà không đồng ý.
Cạnh đó, hai bên cũng bất đồng về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng sự việc chưa được xem xét, giải quyết. Tại biên bản họp hai bên ngày 1-11-2014 đều thể hiện ý kiến của nhà hát muốn chấm dứt hợp tác với lý do chưa ký kết hợp đồng. Vì sự việc trên mà bà Trinh phải cho ngưng buổi diễn, hoàn tiền bán vé và phía nhà hát sau đó cũng không có ý kiến gì.
Từ đó cho thấy nhà hát đã vi phạm hợp đồng, do đó phải chịu hậu quả pháp lý do hành vi vi phạm gây ra. Điều 7 bản thỏa thuận nêu: Bản thỏa thuận hợp tác theo phương thức xã hội hóa được ký kết trong hai năm kể từ ngày ký. Hợp đồng sẽ coi như chấm dứt sau khi hết thời gian và sẽ tiếp tục ký do hai bên tự thỏa thuận. Nếu bên A hoặc bên B đơn phương chấm dứt thỏa thuận cũng như không thực hiện theo đúng những nội dung nêu trên thì phải bồi thường thiệt hại và thanh toán mọi chi phí cho bên còn lại đúng theo giá trị hợp đồng.
Trong thời gian cùng hợp tác, năm vở kịch trên do bà Trinh xây dựng theo giấy phép biểu diễn, việc dàn dựng thiết kế cho các vở kịch phù hợp với sân khấu của nhà hát. Vì vậy, có căn cứ để buộc bị đơn thanh toán một phần chi phí này trên cơ sở có đầy đủ chứng từ hợp lệ.
Phút cuối xuất hiện biên bản viết tay
Tại phiên tòa, chủ tọa đã công bố một biên bản về cuộc họp tại Nhà hát Kịch TP.HCM khiến nhiều người bất ngờ về nội tình vụ việc. Biên bản thư ký viết tay ghi lại cuộc họp ngày 30-10-2014 (do ông Trần Quý Bình chủ trì) có nội dung: Ông Quý Bình yêu cầu bộ phận trị sự, hành chính của nhà hát hủy hợp đồng với Ngọc Trinh, hủy vé đã bán ra, hoàn tiền số vé đã bán trên mạng mà nhà hát giữ tiền, không nói thông tin này ra bên ngoài. Những quyết định này đã được ông Trần Khánh Hoàng (lúc đó đang là giám đốc nhà hát) đồng ý. Đáng chú ý là nội dung biên bản này khác với nội dung biên bản chiều 1-11-2014 của nhà hát, cho rằng Ngọc Trinh không đồng ý hợp tác và chấm dứt hợp đồng trước. Trong khi hai bên đã tranh luận căng thẳng về việc bên nào là người chấm dứt hợp đồng trước. Vì sao một văn bản bất lợi cho Nhà hát Kịch TP.HCM lại xuất hiện tại tòa và trễ như vậy? Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Âu Ngọc Khánh, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM. Ông Khánh nói: “Văn bản viết tay trong quyển sổ nói trên được nhà hát nộp cho tòa sau phiên tòa ngày 4-7. Lý do tòa yêu cầu nộp văn bản này để xác định văn bản chấm dứt hợp đồng với Ngọc Trinh của nhà hát, bản đánh chữ vi tính, in ra là có thật”. HÒA BÌNH |