Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Đang có làn sóng đầu tư rất lớn từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vào bất động sản nghỉ dưỡng

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định đang có làn sóng đầu tư rất lớn vào loại hình bất động sản nghỉ dưỡng từ các nhà đầu tư Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tham luận tại Hội thảo về Xu hướng mới và cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối 2019, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thời gian gần đây đang có làn sóng của các nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó phần lớn đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên lại không thấy có bóng dáng của những nhà đầu tư đến từ châu Âu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Đang có làn sóng đầu tư rất lớn từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vào bất động sản nghỉ dưỡng - Ảnh 1.

Làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào codotel đang có xu hướng tăng. (Ảnh minh họa: Tuổi trẻ)

Ông Hiếu cũng cho biết, tình hình kinh tế thế giới đang có dấu hiệu khủng hoảng. Trong đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang có những diễn biến căng thẳng khi liên tục trả đũa nhau bằng việc áp thuế. Khi kinh tế đi xuống du lịch sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Mặc dù trong thời gian qua loại hình bất động sản du lịch đang phát triển tốt nhưng sẽ không tránh khỏi những rủi ro chung của tình hình thế giới khi có biến động. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý, trong khủng hoảng của thế giới thì vĩ mô Việt Nam ổn định, chúng ta có độ trễ so với tình hình thế giới, độ trễ này có thể từ 6 tháng đến một năm.

TS. Trí Hiếu cung cấp thêm, từ mấy năm nay, Chính phủ khuyến cáo các ngân hàng thận trọng cho vay đối với các dự án bất động sản. Điều này là hợp lí bởi các nước trên thế giới nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn chỉ khoảng 25%, trong khi đó tỉ lệ này ở Việt Nam là 40 - 45%.

Ngân hàng đề xuất tăng hệ số rủi ro cho vay mua nhà lên 150% cho các gói vay trên 3 tỉ đồng. Vì những món vay này lớn, rủi ro cao hơn. Việc siết tín dụng lại như vậy sẽ tác động đến thị trường bất động sản, các nhà kinh doanh sẽ không mặn mà, nhưng quản lí tốt thì việc siết chặt này của ngân hàng là hợp lí.

"Hiện nay pháp lí của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều lấn cấn vì còn tranh cãi đây là loại hình bất động sản để ở hay nghỉ dưỡng. Trong những ngày tôi đến ở thì nhà của tôi, nhưng thời gian còn lại đem đi kinh doanh thì không phải là nhà ở. Theo tôi, condotel là bất động sản kinh doanh. Do đó, tất cả các luật về đất, thuế cần xem đây là bất động sản kinh doanh", ông Hiếu phân tích.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Đang có làn sóng đầu tư rất lớn từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vào bất động sản nghỉ dưỡng - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng condotel là loại hình bất động sản kinh doanh chứ không phải nhà ở.

Cùng có nhận định giống với TS. Nguyễn Trí Hiêu, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lí nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: Trong quí I/2019 thu hút đầu tư nước ngoài Việt Nam khoảng 1,7 tỉ USD, tăng 36% so với cùng kì năm 2018. Riêng bất động sản trong 3 năm trở lại đây luôn luôn đứng thứ 2, trong đó có bất động sản nghỉ dưỡng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2018 có hơn 8.000 căn hộ condotel đủ điều kiện mở bán tại khoảng 12 địa phương, chủ yếu là các địa phương có cơ hội đầu tư du lịch nhiều như là Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa Vũng Tùa, Kiên Giang, Phan Thiết, Quảng Ninh, đặc biệt là Quảng Ninh chiếm đến 19%, Đà Nẵng 14%, Khánh Hoà hơn 26%.

Lượng giao dịch năm 2018 cũng đến hơn 7.800 căn hộ được giao dịch, tỉ lệ hấp thụ hơn 92%. Chứng tỏ năm 2018 lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng được sự quan tâm rất nhiều.

Chỉ tính riêng trong quý 1/2019, số lượng condotel mở bán ở các thị trường phía Nam nhiều hơn phía Bắc, các tỉnh phía Nam đặc biệt là từ Đà Nẵng đổ vào lượng giao dịch nhiều hơn.

Ông Khởi cũng đưa ra nhận định, hiện nay cơ sở pháp lí của các loại hình bất động sản du lịch đã rõ ràng hơn so với trước, chỉ có các vấn đề về qui định là chưa đầy đủ. "Condotel là căn hộ du lịch chứ không phải nhà ở", ông Khởi khẳng định.

Xu hướng bất động sản du lịch cuối năm 2019

Ông Dương Đức Hiển - Giám Đốc Bộ Phận Kinh Doanh Nhà Ở, Savills Miền Bắc & Miền Trung đưa ra nhận định: Trong 6 tháng đầu năm, tình hình bất động sản nghỉ dưỡng tương đối trầm lắng. Xu hướng của các nhà đầu tư đang tìm đến các dự án đất nền, nhà phố tại các thành phố lớn, cùng với đố là thị trường đất nền thuộc các khu đô thị vệ tinh đang nổi lên một cách nhanh chóng.

"Chúng tôi đánh giá tiềm năng về bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam còn rất nhiều. Tính từ hội nghị APEC 2017 cho tới giờ ghi nhận làn sóng nhà đầu tư là cá nhân không chỉ là nước trong khu vực còn đến từ các nước Tây Âu, Mĩ đến tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam rất nhiều. Trong đó, nhà đầu tư Trung Quốc chiếm số lượng lớn.

Các nhà đầu tư Trung Quốc thường rất táo bạo, họ cũng là những nhà đầu tư khác hẳn so với các nhà đầu tư đến từ Mĩ, Hàn Quốc hay Nhật Bản thường có những nghiên cứu rất là sâu nhưng các nhà đâu tư Trung Quốc khi vào thì đầu tư rất là nhanh. Gần đây ghi nhận, các nhà đầu tư Trung Quốc mua một lượng rất lớn Condotel và sau đó thì bán lại cho người nước họ thông qua các đơn vị phân phối của họ", ông 

Các sản phẩm như Condotel, nó không phải sản phẩm mới, nó hiện hữu ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng khá là tương đồng và phát triển rất bền vững, rất tốt. Bên cạnh đó, với các nhà đầu tư nước ngoài thì luôn nhìn vào chủ đầu tư là ai, đủ tiềm lực tài chính để phát triển không. Luật ở nhiều nước phát triển quy định rất rõ và cụ thể.

Ông Hiển đưa ra ví dụ: Ở nước ngoài khi quyết định mua một bất động sản thì chỉ phải đóng 10% giá trị căn hộ, phần còn lại là chủ đầu tư phải đảm bảo tài chính để phát triển dự án cho đến khi bàn giao cho khách, khi đó mới phải thanh toán 90% còn lại. Như vậy ở nước ngoài đã xây dựng được những qui định rất an toàn, tiêu chuẩn cho các nhà đầu tư.

"Chúng ta hiện nay chủ yếu là thanh toán theo tiến độ xây dựng của dự án. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài thường có rất nhiều câu hỏi, chúng tôi cũng chưa thể giải đáp hết cho họ. Ví dụ, họ mua một bất động sản có thời hạn sở hữu 50 năm sau thời gian đó phải đóng bao nhiêu tiền nữa để tôi gia hạn thêm 50 năm nữa thì cũng không phải dễ dàng để giải thích cho các nhà đầu tư quốc tế", ông Hiển đưa ra ý kiến.

GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường cũng đưa ra nhận định: Thời gian tới thị trường sẽ chuyển đến các địa điểm khác như Quy Nhơn, Tuy Hòa, Phú Yên sẽ trở thành địa bàn có tốc độ phát triển nhanh hơn. Vì hiện nay Phú Yên được coi như đang ngủ yên và dù tiềm năng nơi đây không kém gì ở Nha Trang. Bên cạnh đó tôi cũng thấy một số điểm có tiềm năng sẽ có tốc độ phát triển nhanh hơn như Phan Rang, Phan Thiết.




Tag:
chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.