Tận dụng QL32 và QL21 để thông tuyến đường Hồ Chí Minh vào 2025

Quốc hội đã thống nhất tiếp tục đầu tư dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận để đến năm 2025 cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở tận dụng quốc lộ 32, quốc lộ 21.

Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, sáng 24/5, Quốc hội đã nghe tờ trình; báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 66 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

 Toàn cảnh buổi thảo luận. (Ảnh: Quốc hội)

Đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ do thiếu vốn là chưa thuyết phục

Trong buổi thảo luận chiều nay (6/6), đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn để hoàn thành đoạn tuyến Cổ Tiết đi Chợ Bến Lại 87,5 km trong giai đoạn 2021 - 2025 với quy mô 2 làn xe để đảm bảo tuyến đường Hồ Minh được thông tuyến trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư đường cao tốc theo quy hoạch đã có chủ trương giai đoạn sau năm 2035 căn cứ vào nguồn lực và nhu cầu giao thông đầu tư khoảng 634 km đường cao tốc. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn tuyến đường Hồ Chí Minh qua 5 khóa Quốc hội chưa rõ khi nào mới hoàn thành để thông tuyến từ Pác Bó đến Đất Mũi. 

Về hạn chế, đại biểu cho rằng ý thức của người dân trong việc chấp hành các chính sách giải phóng mặt bằng chưa nghiêm; địa phương các cấp có dự án đi qua chưa quyết liệt; Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành chưa lường hết được những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án.

Đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, một số dự án thành phần giải phóng mặt bằng rất chậm, đến nay vẫn còn một số dự án thành phần giải phóng mặt bằng chưa xong, việc cắm mốc lộ giới chậm 2 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đánh giá, đường Hồ Chí Minh là công trình giao thông quốc gia rất quan trọng, cho đến nay, con đường đã hoàn thành 86,1 % kế hoạch, vận hành cùng mạng lưới giao thông toàn quốc.

Nghị quyết 66 đã quyết định lộ trình thông toàn tuyến đường này vào năm 2020, song đến nay vẫn còn 171 km chưa đầu tư.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ về nguồn lực bố trí đầu tư, thời hạn bố trí vốn để dự án không lỡ nhịp; có kế hoạch bố trí vốn đầu tư duy tu, sửa chữa, nâng cấp một số đoạn đường của đường Hồ Chí Minh đi chung với một số quốc lộ khác đã xuống cấp hoặc những đoạn đường đầu tư đã lâu nay bị hư hỏng.

Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, hiện nay hướng tuyến đường bộ cao tốc phía Đông với chiều dài 126 km đi qua Quảng Bình không trùng với đường Hồ Chí Minh phía Đông mà tạo thành 2 tuyến độc lập.

Việc này dẫn đến một số điểm bất cập với địa phương, tạo ra nhiều tuyến đường một chiều ngang rất hẹp của tỉnh, từ đường ven biển, đường quốc lộ 1, đường sắt Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, nhánh Tây.

Đại biểu cũng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, đầu tư các tuyến đường đường ngang kết nối phù hợp để phát huy hết tác dụng, hiệu quả của mạng lưới giao thông, không chỉ Bắc Nam mà còn Đông Tây.

Đối với việc quy hoạch hành lang đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, tỉnh Quảng Bình xin đề nghị tiếp tục duy trì mặt cắt ngang đường Hồ Chí Minh nhánh Đông là 4 làn xe để định hướng phát triển cho tương lai, khi tiếp tục đầu tư sẽ không gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho biết, đến nay vẫn còn ba dự án thành phần dài khoảng 171 km chưa được triển khai đầu tư.

Về 2 dự án thành phần, đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất – Gò Quao – Vĩnh Thuận, đại biểu cho rằng, 2 dự án này kết nối những địa bàn mang ý nghĩa trọng yếu. Từ đó, cần rà soát, cân đối, bố trí lực giai đoạn 2021 - 2025 tập trung đầu tư các dự án thành phần này.

Về đoạn Cổ Tiết – Chợ Bến, theo Tờ trình thì chưa tiến hành đầu tư mà tận dụng Quốc lộ 32, Quốc lộ 21 để nối thông đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe. Đại biểu đề nghị Bộ GTVT cần báo cáo cụ thể dự kiến tuyến cao tốc, đoạn Cổ Tiết – Chợ Bến có đi qua 6 điểm khống chế là Cổ Tiết, Ba Vì, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Chợ Bến, từ đó xác định thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh.

Đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đánh giá, đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa to lớn về kinh tế xã hội và quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, phải thừa nhận tiến độ dự án đã chậm gần 2 năm.

Theo đại biểu, báo cáo của Chính phủ nêu một trong những nguyên nhân là do có nhiều dự án quan trọng cấp quốc gia được thực hiện cùng thời điểm dẫn tới nguồn lực hạn hẹp, khó khăn trong việc phân bổ đủ nguồn vốn.

Đại biểu Bế Minh Đức nêu rõ, nguyên nhân này là chưa thuyết phục vì dự án là tuyến đường huyết mạch đã được giảm quy mô đầu tư và cho rằng Chính phủ cần làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế thời gian qua, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong việc chậm hoàn thành nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu đầu tư, nâng cấp tuyến đường trong giai đoạn tiếp theo để đảm bảo phù hợp với quy hoạch, cân nhắc thời hạn hoàn thành các dự án cao tốc phù hợp với quy hoạch và nguồn lực hiện nay, đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến nay dự án này vẫn còn một phần nhỏ chưa hoàn thành nhưng lại nằm ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Theo Nghị quyết số 66 của Quốc hội khóa XIII, đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, chưa thông toàn tuyến hiện còn 3 dự án thành phần với 171 km, trong đó là đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Do đó, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn những khó khăn, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc chậm trễ này. Tuyến đường Hồ Chí Minh từ Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang dài khoảng 28,5 km, được phê duyệt dự án tại Quyết định số 128 ngày 26 tháng 4 năm 2016 của Bộ GTVT nhưng đến nay chưa triển khai xây dựng. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm sớm triển khai thực hiện dự án.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến thuộc dự án Đoan Hùng - Chợ Bến trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, theo Tờ trình của Chính phủ do không bố trí được vốn nên đã tận dụng quốc lộ 32 và quốc lộ 21 hiện hữu để nối thông đường Hồ Chí Minh. Đại biểu cho rằng việc thông tuyến như vậy chỉ là thông tuyến về mặt vật lý, chưa thật sự thông tuyến.

Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 3950 ngày 17/12/2007, có tổng chiều dài là 82,7 km, đi qua 4 tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An. Các tỉnh được giao làm chủ đầu tư các tiểu dự án giải phóng mặt bằng. Trên cơ sở đó, tỉnh Long An có 1254 hộ phải kê biên giải phóng mặt bằng với 140 ha đất thu hồi để thực hiện dự án.

Tính đến tháng 4/2014, tỉnh Long An đã chi trả bồi thường cho 1034 hộ/1254 hộ. Tuy nhiên, dự án đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Long An tạm dừng theo Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội do Chính phủ ban hành tháng 2/2011.

Như vậy, đoạn qua địa bàn tỉnh Long An còn 211 hộ dân đã có quyết định thu hồi. Các hộ dân đã bàn giao mặt bằng nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Trong khi nhiều hộ dân phải đi vay tiền ngân hàng để di rời khỏi phạm vi giải phóng mặt bằng. Đại biểu nêu rõ đây là vấn đề bức xúc mà cử tri Long An đã kiến nghị nhiều lần với các cấp, các ngành từ địa phương đến Trung ương.

Từ những khó khăn trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm phân bổ nguồn vốn để đầu tư hoàn chỉnh các đoàn còn dở dang, trong đó có đoạn địa bàn tỉnh Long An; bố trí đủ nguồn vốn để chi trả tiền bồi thường cho 211 hộ dân đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa nhận được tiền bồi thường trên địa bàn tỉnh Long An.

Cơ bản thông tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2025

 Điểm đầu tuyến đường Hồ Chí Minh tại Cao Bằng. (Ảnh: Hoàng Huy).

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: Đường Hồ Chí Minh là con đường đặc biệt, con đường huyền thoại nên Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Về nguyên nhân chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn từ năm 2000 – 2010, tiến độ triển khai dự án rất tốt. Tiếp đó, giai đoạn 2011 - 2015 được bố trí nguồn lực rất lớn, nhưng thời điểm đó xảy ra khủng hoảng kinh tế, Chính phủ ban hành nghị quyết để dừng, giãn nhiều dự án nhằm kiểm soát lạm phát.

Vì thế, giai đoạn 2011 - 2015 hầu như các dự án lớn, trong đó có dự án đường Hồ Chí Minh phải dừng, giãn để kiềm chế lạm phát và trong 5 năm này hầu như không thực hiện được.

Giai đoạn 2016 đến 2020, chủ trương khởi động lại những dự án dang dở, dừng giãn và tập trung dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 và nhiều dự án trọng điểm. Nhưng nguồn lực dành cho dự án đường Hồ Chí Minh và các dự án dang dở giai đoạn này cũng rất ít nên không đủ nguồn lực thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, còn một trong những nguyên nhân chậm tiến độ nữa là đường Hồ Chí Minh là con đường đi qua địa hình phức tạp, khu vực địa chất khó khăn. Do đó, trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của Bộ và một số bộ ngành liên quan trong công tác tham mưu cho Chính phủ tham mưu Quốc hội để rà soát, bố trí nguồn vốn.

Bộ trưởng cũng kiến nghị các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai dự án, trong đó giúp Bộ GTVT trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất – Gò Quao – Vĩnh Thuận đi qua vùng đất yếu, nếu không đủ thời gian gia tải sẽ rất khó khăn.

Còn riêng đoạn Cổ Tiết – Chợ Bến, hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ lập hồ sơ ngay trong năm 2022, tranh thủ các nguồn lực, trong đó có những nguồn có thể có trong năm 2022 và giai đoạn sắp tới để đầu tư.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Quốc hội thống nhất đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp về chủ trương tiếp tục đầu tư các đoạn, tuyến còn lại của đường Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025. 

Thứ nhất, sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai và cân đối, bố trí nguồn lực để đầu tư hoàn thành hai dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận để đến năm 2025 cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở tận dụng quốc lộ 32, quốc lộ 21.

Thứ hai, tập trung nguồn lực hoàn thành khoảng 287 km thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh. Đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến, thực hiện chuẩn bị đầu tư ngay trong năm 2022 và 2023 theo quy mô cao tốc làm cơ sở để huy động nguồn vốn sớm đầu tư khi cân đối đủ nguồn lực.