Cô giáo dạy học sinh dùng bao cao su: 'Tôi không vẽ đường cho hươu chạy'

Cô Thủy Tiên cho rằng, clip phát tán trên mạng chỉ là một phần rất nhỏ trong tiết dạy của cô. Cái cô hướng đến là sự an toàn cho các em chứ không phải “vẽ đường cho hươu chạy” như một số nhận định.

Những ngày vừa qua, đoạn clip một cô giáo trẻ dạy học sinh dùng bao cao su đã được cộng đồng mạng liên tục truyền tay nhau và tạo được dư luận xã hội lớn. Bên cạnh những ý kiến khen ngợi việc dạy kĩ năng một cách trực quan, thực tế của cô giáo trong clip , vẫn có nhiều nhận định cho rằng, hành động này chính là việc tiếp tay, “vẽ đường cho hươu chạy”.

Phóng viên đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với cô Lê Thủy Tiên (người trong clip) về quan điểm giáo dục giới tính cho học sinh ở Việt Nam cũng như những kỷ niệm của cô trong quá trình làm nghề.

co giao day dung bao cao su toi khong ve duong cho huou chay
Cô Thủy Tiên - Giáo viên của Trung tâm Tư vấn tâm lý và Đào tạo kỹ năng Phượng Hồng.

“Tôi không vẽ đường cho hươu chạy!”

- Chị có cảm xúc gì khi những ngày qua, cộng đồng mạng liên tục truyền tay nhau đoạn clip dạy dùng bao cao su?

Mình cảm thấy vừa vui nhưng cũng xen lẫn một chút lo lắng! Vui vì nghĩ rằng, học sinh yêu quý mình và thấy bài học đó bổ ích nên đã quay lại cũng như truyền cho nhau xem để có kỹ năng sử dụng bao cao su hiệu quả. Một phần nào đó, mình cũng cảm thấy lo lắng vì sợ dư luận trái chiều sẽ làm vấn đề không được hiểu đúng ý nghĩa.

- Nhiều ý kiến cho rằng, việc chị giảng bài quá trực quan và thực tế như vậy sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”, khuyến khích học sinh làm chuyện người lớn. Chị nghĩ gì về nhận định này?

Thật ra, nếu chỉ giảng lý thuyết suông mà không có giáo cụ trực quan thì học sinh của mình sẽ rất khó tưởng tượng và nắm bắt được kiến thức truyền tải. Hơn nữa, lý thuyết thì các em có thể tìm hiểu qua sách báo, internet nhưng cái học sinh cần lại chính là kỹ năng! Việc đưa giáo cụ trực quan, thực tế nhất sẽ giúp học sinh có thể thực hành và quan sát được.

Việc phụ huynh lo lắng cô giáo chỉ dạy như vậy sẽ “vẽ đường cho hươu chạy” là hoàn toàn đúng bởi thực tế, đây chỉ là phần gần cuối trong bài giảng gần 2 tiếng đồng hồ của mình. Trước đó, mình đã nêu tình huống và vấn đề xảy ra nếu như học sinh “vượt rào” mà không nghĩ tới hậu quả. Thêm vào đó, mình còn phân tích rất chi tiết cái được và mất trong chuyện này cũng như các căn bệnh có thể lây lan qua đường tình dục, hệ lụy nếu mang thai ngoài ý muốn…

Trong xuyên suốt buổi học, các em còn có cơ hội được nói lên suy nghĩ của cá nhân mình khi thấy Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về tỉ lệ nạo phá thai. Từ đó, mình mới giới thiệu các biện pháp phòng tránh thai mà hơn hết là bảo vệ bản thân khỏi các bệnh tình dục bằng cách đeo bao cao su. Clip phát tán trên mạng là một phần rất nhỏ trong tiết dạy của mình mà thôi! Cái mình hướng đến là sự an toàn cho các em chứ không phải “vẽ đường cho hươu chạy” như một số nhận định.

- Trong quá trình giảng dạy, câu hỏi nào của học sinh khiến chị cảm thấy ấn tượng nhất?

Thật sự có quá nhiều câu hỏi được đặt ra với mình! Câu nào cũng ấn tượng bởi khi nghe học sinh hỏi, mình thấy các em thật ngô nghê và thiếu trầm trọng những kiến thức kỹ năng cần thiết!

- Một vài câu hỏi ngô nghê trong số đó khiến chị cảm thấy giáo giục giới tính là cần thiết?

“Cô ơi, có phải dùng bao cao su là không thể khiến người con gái thích đúng không ạ?”, “Cô ơi, sau khi quan hệ, con gái xát chanh vào chỗ kín là không có thai đúng không cô?”, “Em nghĩ không nên dùng bao cao su bởi “cho ra ngoài” vừa “sướng” lại không có thai cô nhỉ?”... đó là một số câu hỏi mình nhận được từ học sinh và cảm thấy việc dạy các em điều này là cần thiết.

- Là phụ nữ lại còn khá trẻ, thuở mới vào nghề, giảng dạy những kiến thức có phần nhạy cảm như vậy có khiến chị cảm thấy ngại ngùng?

Hồi đầu mình cũng ngại lắm! Tuy nhiên, khi tìm hiểu đến phần tâm sinh lý của học sinh và mối nguy hại tiềm ẩn của những căn bệnh lây lan qua đường tình dục, Tiên đã hối thúc bản thân phải dạy thật tốt để có thể cảnh báo và giúp các em biết bảo vệ mình hơn.

- Phong cách dạy của chị khá tự nhiên và hóm hỉnh. Thủy Tiên có bí quyết gì trước mỗi lần lên lớp?

Bí quyết của Tiên rất đơn giản! Hãy đến bên học sinh và nhìn nhận với tư cách một người bạn. Dạy dỗ sẽ được thay bằng trò chuyện để tạo sự thân thiết với học sinh. Và khi đã thân thiết rồi thì cô trò sẽ đồng cảm và chia sẻ cho nhau ngay cả những chuyện nhỏ nhất!

- Sự phát triển của Internet một phần đã khiến cho nhiều đứa trẻ bị đầu độc bởi những bộ phim khiêu dâm. Là một người thầy, người mẹ có con trai, bạn sẽ xử lý như thế nào nếu biết con mình xem những loại phim ấy khi chưa đủ tuổi thành niên?

Với Thủy Tiên, thay vì mắng mỏ, cấm đoán, mình sẽ mạnh dạn hỏi và chia sẻ với con những suy nghĩ về tuổi dậy thì, về giới tính để con hiểu cũng như không bị choáng ngợp trước những thay đổi tâm sinh lý. Nếu trẻ biết được những hành động mình làm là chưa phù hợp thì nó sẽ không còn tò mò nữa!

- Theo chị, giáo dục giới tính có vai trò như thế nào đối với học sinh ở lứa tuổi phổ thông?

Đây là việc làm và hành động vô cùng cần thiết vì ngày nay, giới trẻ phát triển quá nhanh bởi sức lan truyền của phim ảnh, nền văn hóa nước ngoài… Nếu không được hiểu đúng nghĩa, học sinh sẽ rất tò mò, nảy sinh tâm lí muốn khám phá. Và ở lứa tuổi này, càng cấm sẽ càng muốn “vượt rào”! Bởi vậy, hãy để học sinh biết để lựa chọn con đường tốt nhất cho mình!

Trong clip, cô Thủy Tiên nhận được sự ủng hộ và xây dựng bài hào hứng từ phía học sinh.

co giao day dung bao cao su toi khong ve duong cho huou chay
Chân dung cô giáo đang gây bão trên mạng xã hội vì clip dạy học sinh sử dụng bao cao su.

Được trả lương cao cũng không bỏ nghề giáo!

- Được biết, Thủy Tiên là cử nhân giỏi của ngành Kế toán. Vì sao chị lại quyết định từ bỏ con đường này để đến với nghề giáo?

Đến với nghề giáo là một cái duyên! Trước đây, em họ của mình ở nước ngoài có tâm sự rằng, vì sao ở Việt Nam không dạy giáo dục kỹ năng trong khi ở nơi cô ấy sống, vấn đề này rất được quan tâm và phát triển. Và nếu như Việt Nam quan tâm đến vấn đề này thì giới trẻ sẽ có được sự phát triển toàn diện!

Với mong muốn có thể mang đến kiến thức cũng như kỹ năng cho học sinh về những vấn đề còn khá nhạy cảm, mình đã quyết định nộp đơn đi học một khóa chuyên môn cũng như nghiệp vụ sư phạm để có thể trở thành giáo viên như hiện tại!

- Gia đình chị có ủng hộ lựa chọn này của chị?

Tất cả mọi thành viên trong gia đình đều ủng hộ mình. Đọc được những tin nhắn, cuộc gọi mà học sinh cũng như phụ huynh cảm ơn mình về các tiết học, mọi người vui lắm! Ông ngoại mình còn rất tự hào và thường xuyên gọi điện thoại để động viên mình! Thủy Tiên thấy hạnh phúc khi sinh ra trong một gia đình tràn đầy sự yêu thương như thế!

- Nếu ngày nào đó, một công ty khác trả lương cao hơn và công việc ấy lại đúng với chuyên ngành mà chị đã được đào tạo, Thủy Tiên có từ bỏ nghề giáo?

Câu trả lời là không bởi Thủy Tiên đã nộp đơn tới rất nhiều công ty và nhờ bảng điểm đẹp, bằng giỏi mà mình được gọi đi làm. Tuy nhiên, làm được một khoảng thời gian thì mình lại phải xin lỗi và từ bỏ vì nhớ nghề, nhớ học sinh, nhớ bài giảng.

Có lẽ, Tiên đã yêu nghề giáo, yêu học sinh của mình! Các em rất ngây thơ, trong sáng và cũng dành cho Tiên rất nhiều tình cảm khi biết mình không dạy nữa!

- Cảm ơn sự chia sẻ của Thủy Tiên, chúc chị luôn thành công với sự nghiệp trồng người!

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030
Hà Nam là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.