"Cò" hét giá đất Biên Hòa lên tận nóc

Sau hơn một tháng đồng loạt 6 xã tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) chính thức lên phường, giá đất đã tăng bất thường, gây khó cho các nhà đầu tư, quản lí.

6 xã thuộc TP Biên Hòa gồm Hiệp Hòa, Tân Hạnh, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước, An Hòa chính thức lên phường từ ngày 1-7, (hiện Biên Hòa chỉ còn 1 xã duy nhất là xã Long Hưng). Ngay sau đó, giá đất nền cũng như đất "trôi nổi" ở những khu vực này tăng chóng mặt, có nơi được đẩy lên gấp 3-4 lần so với thời điểm vài năm trước.

Đụng đâu cũng gặp "cò"

Trong vai người mua đất, chúng tôi có mặt tại khu vực gần cầu mới Hóa An (phường Hóa An) để tìm hiểu giá đất, một số "cò" đã nhao ra giới thiệu, sẵn sàng đưa khách đi tìm đất. Theo những "cò" này, giá đất tại đây đang tăng cao kể từ ngày xã được chuyển lên thành phường và giao dịch rất nhộn nhịp. 

Nói rồi một cò đất chỉ cho chúng tôi từng "mối" từ khu trung tâm phường đến các con hẻm và cả các khu đất ở cách xa, còn hoang vắng. Trừ những khu còn mang dáng dấp đồng ruộng hoặc còi cọc gần nghĩa trang, còn trong các con hẻm, khu dân cư đã tương đối đông đúc, "cò" hét giá đến 15-17 triệu đồng/m2.

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực phường Hóa An tuy không có cảnh cò đất rao bán nhộn nhịp nhưng nếu là người đi tìm mua đất, hỏi đâu cũng dễ bắt gặp những người mối mang, giới thiệu đất. Không chỉ "cò" mà cả những người dân trong khu vực cũng đều nói đất của họ đã tăng giá lên rất nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn.

Ở phía bên kia TP Biên Hòa, các khu thuộc phường Tam Phước đất được hô với giá 16-17 triệu đồng/m2. Ở phường Phước Tân, dọc Quốc lộ 51, cũng tương tự. "Việc xã lên phường sẽ kéo theo cơ sở hạ tầng nhanh chóng phát triển và mọi thứ sẽ thay đổi nên giá đất tăng là đương nhiên" - một chủ đất ở phường Phước Tân nói.

Tại phường Hiệp Hòa, tức Cù Lao Phố, nơi được coi là "đảo ngọc", cù lao xanh nay của TP Biên Hòa, đang được quy hoạch phát triển nên giá đất ở đây đã tăng rất cao. Thậm chí được đánh giá là khu vực "sốt" nhất địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, đất nông nghiệp trên địa bàn phường đang được hét với giá 9-10 triệu đồng/m2, đất ở có nơi rao đến 30 triệu đồng/m2. "Nơi đây được quy hoạch thành đô thị xanh hiện đại giữa trung tâm TP nên giá đất cao là bình thường (!?)" - một chủ đất khẳng định.

Cò hét giá đất Biên Hòa lên tận nóc - Ảnh 1.

Bảng cảnh báo chính quyền địa phương dựng ở phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Ảnh hưởng lớn đến công tác đền bù

Theo ghi nhận của phóng viên, việc giá đất ở các xã mới lên phường tăng cao còn kéo theo giá đất ở các phường trung tâm TP Biên Hòa tiếp giáp các phường nói trên được đẩy lên khá nhiều. Tại phường An Bình, Tam Hiệp, Tân Hiệp, Tân Phong, hiện đất được rao giá tùy theo khu vực từ 17-33 triệu đồng/m2. Ở các phường Bửu Hòa, Tân Vạn nhiều khu vực được kêu giá từ 20-22 triệu đồng/m2.

Nhiều môi giới nhà đất lâu năm ở Biên Hòa cho biết hiện giá nhà đất tại nhiều khu vực ở TP Biên Hòa đã tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với vài năm trước.

Tuy nhiên có một thực tế là dù giá đất tăng cao nhưng giao dịch thực tế diễn ra không nhiều, các sàn môi giới khá yên ắng. Theo nhân viên tại một sàn môi giới, nhiều khả năng giá đất được đẩy lên cao giữa những người đầu cơ, còn người có nhu cầu ở thực thì không đủ khả năng mua hoặc không mấy tha thiết. Người này còn cho biết từ nhiều tháng trước, khi mới có thông tin các xã sẽ thành phường, đã có nhiều người từ xa tìm về đây để gom đất.

Trước thực trạng giá đất tăng đột biến ở một số khu vực, UBND TP Biên Hòa đã có cảnh báo. Tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa cũng đã có nhiều cuộc họp nắm bắt tình thế để xử lý. Theo bà Nguyễn Ngọc Liên, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, giá đất biến động tại một số khu vực trên địa bàn TP, xuất phát từ quyết định chính thức từ xã thành phường. Bà Liên đánh giá việc giá đất giao dịch trên thị trường bị đẩy lên quá cao sẽ ảnh hưởng lớn đến các dự án đang và sắp triển khai ở xung quanh. "Khi đó, việc tính toán bồi thường sẽ phải đặt trong một diễn biến mới để người dân đồng tình giao đất, nếu không công tác đền bù sẽ kéo dài" - bà Liên nhìn nhận.

Đất nông nghiệp cũng "nóng"

Thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) chính thức trở thành TP vào đầu tháng 7. Ngay sau đó, giá bán đất nông nghiệp tại đây đã tăng cao, có nơi gấp 3 lần thời điểm cách đây vài năm, đặc biệt có nơi cao gấp gần chục lần, dù không mấy người mua. Các vùng xung quanh như huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành, Thống Nhất... của tỉnh Đồng Nai, giá đất nông nghiệp cũng vọt theo. Cách đây vài năm, các xã Bảo Quang, Bình Lộc, Hàng Gòn (TP Long Khánh) giá đất nông nghiệp chỉ từ 1-2 tỉ đồng/ha tùy vị trí nhưng nay giá đã lên đến 8-12 tỉ đồng/ha. Tại xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc), ở những vùng đất cằn cỗi vài năm trước chỉ khoảng trên 200 triệu đồng/ha hiện nay lên đến 600-700 triệu đồng/ha. Tại xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ), những năm trước đất rẫy vùng gần trung tâm bán khoảng 1-1,2 tỉ đồng/ha, giờ được đẩy lên gần 10 tỉ đồng/ha. Theo tìm hiểu của phóng viên, giá đất nông nghiệp các huyện ở Đồng Nai tăng cao chủ yếu do nhiều người từ các vùng khác về mua để đầu cơ.

chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.