Tranh minh họa: NOP- báo Tuổi trẻ |
Một câu chuyện gây ồn ào trên mạng xã hội nhiều ngày nay, đó là một tai nạn xảy ra ở một trường tiểu học Nam Trung Yên thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội). Một em bé lớp 2 khi nô đùa trên sân trường bị ngã gẫy xương đùi, theo lời bé kể lại thì bị một chiếc xe taxi đi vào trường đâm phải, trên xe em thấy có cô hiệu trưởng và 1 cô giáo khác.
Sân trường giờ ra chơi là chốn thiên đường của bầy trẻ, chúng nô đùa nào có biết đến hiểm nguy, ấy vậy mà trường tiểu học ấy lại cho phép xe taxi đi vào sân trường giữa giờ ra chơi của học trò, ấy là một sai lầm khủng khiếp. Và tai họa đã xảy ra.
Nhưng đứa bé đáng thương chẳng may bị gẫy chân ấy, vẫn chưa phải là thảm họa ghê gớm nhất. Thảm họa hơn hơn, theo dư luận trên mạng xã hội, chính là ở thái độ ứng xử của cô hiệu trưởng trước tai nạn của học trò trong trường mình.
Thoạt đầu, gia đình cháu bé chỉ được biết là cháu bé bị gãy chân cho chơi đùa bị ngã, nhưng khi vào bệnh viện Nhi trung ương, bác sĩ nói tai nạn này phải là một cú va đập cực mạnh, không thể đơn thuần là ngã mà gãy xương đùi. Bố hỏi cháu bé, lúc này mới biết có xe taxi chở cô hiệu trưởng đâm vào.
Ngay sau khi gia đình có ý kiến với nhà trường, hành động đầu tiên của cô hiệu trưởng không phải là đến thăm hỏi cháu bé mà cô lập tức phát phiếu khảo sát cho toàn bộ giáo viên, học sinh trong trường với câu hỏi: Có nhìn thấy xe taxi đi vào trường hay không?
Báo cáo của lãnh đạo trường do cô hiệu trưởng ký, ghi rõ kết quả khảo sát: “100% cán bộ, giáo viên khẳng định không có ôtô ra vào trường trong giờ học và giờ ra chơi; 100% học sinh cho biết không có ôtô ra vào trường trong giờ học và giờ ra chơi. Nếu có hiện tượng học sinh bị ngã là do nô đùa, đuổi nhau, chạy quá nhanh”.
Bức xúc lại càng bùng lên, ai cũng thấy quyết định “khảo sát” của cô hiệu trưởng trong hoàn cảnh này là “rất có vấn đề”. Em bé bị đâm ngã vào ngày 1/12/2016, sự việc bắt đầu được dư luận chú ý đến khi báo chí đăng tải vào ngày 30/12/2016.
Và cuối cùng, đến ngày 2/1/2017, sau cuộc làm việc của Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy với trường, ông Trưởng phòng Giáo dục cho biết, cô hiệu trưởng trường Nam Trung Yên “vừa mới nhớ ra” ngày 1/12/2016, cô đi khám bệnh và trở về trường bằng xe taxi cùng một cô giáo khác. Khi xe taxi đi rồi mới thấy báo có học sinh bị ngã.
Như vậy là đã rõ, em học trò lớp 2 không nói dối. Từ đầu đến cuối em đều khẳng định mình bị taxi màu xanh va vào, trên xe có cô hiệu trưởng và 1 cô giáo khác. Ấy vậy mà cô hiệu trưởng suốt hơn 1 tháng trời, quay cuồng phát phiếu khảo sát điều tra yêu cầu tất cả giáo viên, học sinh khẳng định không nhìn thấy taxi đi vào trường, đến giờ “mới chợt nhớ ra”.
Cô hiệu trưởng “mới chợt nhớ ra” là đúng ngày hôm đó, cô ngồi trên chiếc xe taxi ấy. Rõ ràng đây là một cách biện minh vụng về cho lời phủ nhận ban đầu của cô thông qua việc phát phiếu điều tra. Và điều này, làm cho tất cả chúng ta, những bậc phụ huynh học sinh, những người lớn, cảm thấy buồn tê tái.
Bởi em bé bị xe tông gẫy chân khiến phải mổ ra nẹp xương nằm cố định suốt 2 tháng kia đáng thương là một nhẽ. Nhưng cái cách mà người lớn- cụ thể là cô hiệu trưởng đối xử với em, với sự thật về chiếc xe taxi sẽ là một vết sẹo không bao giờ lành.
Làm sao chúng ta có thể dạy bọn trẻ trung thực khi trước một sự việc lớn đến thế, hệ trọng đến thế, cô hiệu trưởng lại lấy quyền của mình phát phiếu khảo sát điều tra để phủ nhận sự thật? Một sự thật mà sau đó ít lâu, chính cô lại thừa nhận?
Cô hiệu trưởng là một nhà sư phạm, cô có dám nhìn vào những đôi mắt trong veo của bọn trẻ để dạy chúng phải trung thực nữa hay không, sau sai lầm này?
Và người lớn chúng ta, sẽ rút ra được điều gì từ câu chuyện chiếc taxi màu xanh “thoắt ẩn thoắt hiện” trên sân trường, như ma ám?
Thời sự 01:50 | 02/03/2017
Thời sự 01:07 | 01/03/2017
Thời sự 07:47 | 27/02/2017
Thời sự 16:58 | 26/02/2017
Thời sự 08:05 | 22/02/2017
Thời sự 06:24 | 22/02/2017
Thời sự 08:52 | 21/02/2017