Có nên tiếp tục đổ tiền vào đất nền?

Hiện tượng sốt đất hồi đầu năm đã khiến cho đất nền một số khu vực bị đẩy giá lên cao sau đó lại quay đầu giảm. Một số nhà đầu tư chịu áp lực tài chính đã phải rao bán cắt lỗ, tháo chạy khỏi thị trường. Trong bối cảnh thị trường phức tạp và khó đoán định, đất nền có còn là mảng đầu tư hứa hẹn trong tương lai?

Biến động mạnh trong nửa đầu năm

Đất nền là phân khúc có sự biến động mạnh nhất trong nửa đầu năm qua.

Sau Tết Nguyên đán, hiện tượng sốt đất cục bộ xuất hiện tại một số địa phương trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận, Quảng Trị, Bình Phước, Bắc Giang...

Theo báo cáo của Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), giá giao dịch đất nền cho xây dựng nhà ở tại các dự án trong nửa đầu năm 2021 tăng tương đối cao ở hầu hết các địa phương. Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai là các địa phương có mức giá giao dịch bình quân tăng khá mạnh so với cả nước.

Từ cuối quý I đến đầu quý II, giá đất nền trong khu dân cư tại một số địa phương như Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội); TP. Thủ Đức, Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh); Thủy Nguyên, Kiến Thụy (Hải Phòng); Lục Nam, Yên Dũng (Bắc Giang); Từ Sơn (Bắc Ninh); Hớn Quản (Bình Phước); Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai)... tăng nhanh trong thời gian ngắn.

Giá rao bán tại các địa phương nêu trên tăng mạnh 20 - 30%, có nơi tăng 150 - 2.000% so với thời điểm cuối năm 2020. Tuy nhiên, lượng giao dịch thực tế tại các khu vực này hầu như rất ít. Hình thức giao dịch chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng đặt cọc ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.

Sau tất cả, có nên tiếp tục đổ tiền vào đất nền? - Ảnh 1.

Giá rao bán đất tăng khắp các tỉnh lân cận Hà Nội trong quý I. (Nguồn: Batdongsan.com.vn).

Sau khi có sự vào cuộc của Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương, tới giữa quý II, tình trạng sốt giá đất nền đã nhanh chóng hạ nhiệt.

Khi sốt đất hạ nhiệt, đã có hiện tượng giảm giá đất nền ở một số nơi, tuy nhiên không xuất hiện giảm giá sâu, hầu hết chỉ là các tin rao bán "cắt lỗ" để thu hút người mua. Mặt bằng giá vẫn còn ở mức khá cao (chủ yếu ở trong khu vực dân cư hiện hữu). Trong quý II, lượng giao dịch đất nền đã giảm so với quý trước.

Đất nền vẫn được "săn lùng"

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), phân khúc đất nền được dự báo sẽ vẫn là sản phẩm được các nhà đầu tư săn tìm trong 6 tháng cuối năm.

Trong khi đó, dự báo về xu thế thị trường 6 tháng cuối năm, Viện Kinh tế xây dựng nhận định phân khúc đất nền có tiềm năng phát triển tốt khi các dự án đầu tư hạ tầng và các dự án nhà ở, khu đô thị mới sẽ được phê duyệt và thực hiện triển khai. 

Trong ngắn hạn thị trường khó có thể xảy ra cơn sốt đất như trước, do các cơ quan quản lý nhà nước đang kiểm soát sốt đất khá tốt. Đồng thời các nhà đầu tư chưa tham gia ngay mà còn chờ thị trường tự điều chỉnh xuống ngưỡng hợp lý. 

Giá đất nền trong khu dân cư hiện hữu trong nửa cuối năm 2021 có thể giảm nhẹ nhưng vẫn tiếp tục giữ ở mức cao tại một số địa phương. Lượng giao dịch căn hộ chung cư, biệt thự, nhà liền kề, đất nền dự báo sẽ tăng khoảng 5 - 15% trong nửa cuối năm 2021.

Sau tất cả, có nên tiếp tục đổ tiền vào đất nền? - Ảnh 2.

Nguồn cung và tiêu thụ phân khúc đất nền tại TP HCM và các tỉnh lân cận. (Nguồn: DKRA Việt Nam).

Theo ghi nhận của DKRA Việt Nam, trong tháng 7 vừa qua, thị trường đất nền TP HCM và các tỉnh giáp ranh không ghi nhận nguồn cung mới được mở bán. Đây là lần đầu tiên thị trường xảy ra tình trạng thiếu vắng nguồn cung mới. 

Sức cầu chung toàn thị trường cũng giảm đáng kể do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài.

Tại thị trường thứ cấp, thanh khoản thị trường giảm mạnh so với giai đoạn trước khi dịch bùng phát. Vào cuối tháng, thị trường xuất hiện một số nhà đầu tư chịu áp lực về lãi vay nên đã phải chấp nhận cắt lỗ, giảm giá bán hoặc giảm một phần lợi nhuận để thu hồi dòng vốn.

Sự phục hồi của thị trường đất nền được dự đoán phụ thuộc vào tình trạng khống chế dịch bệnh ở địa bàn TP HCM và các tỉnh thành.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.