Theo qui định tại Khoản 4 Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư nhà chung cư có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua căn hộ trong vòng 50 ngày kể từ ngày bàn giao căn hộ, trừ trường hợp chủ đầu tư và người mua căn hộ có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, nhiều dự án, người dân đã vào ở nhiều năm nhưng vẫn không biết bao giờ quyền lợi hợp pháp của mình được bảo đảm.
Đơn cử, tháng 10 vừa qua, hàng trăm hộ dân sinh sống tại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã căng băng rôn đòi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Ban đầu, lác đác vài băng rôn, sau đó hàng trăm hộ dân đồng loạt treo băng rôn với dòng chữ “trả sổ hồng cho cư dân HH Linh Đàm” ở ban công các căn hộ tạo nên một màu đỏ rực tại tòa chung cư cao tầng này.
Tại dự án Capital Garden (102 Trường Chinh, Hà Nội), do bất đồng trong nội bộ chủ đầu tư nên chưa hoàn thành nộp tiền sử dụng đất cho ngân sách dẫn đến tình trạng hàng nghìn cư dân chịu trận do chưa thể làm sổ hồng.
Ðiều 31, Nghị định số 91/2019/NÐ-CP vừa có hiệu lực sẽ tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, việc đơn vị kinh doanh bất động sản hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất nếu không nộp hồ sơ, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, nhận chuyển quyền sử dụng đất sẽ bị xử phạt tối đa một tỉ đồng.
Bên cạnh việc nộp phạt hành chính, chủ đầu tư buộc phải có biện pháp khắc phục hậu quả bằng việc nộp hồ sơ hoặc cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo qui định.
Ông Mai Văn Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lí Đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ rõ, có hai nhóm chung cư bị chậm về sổ hồng, trong đó nhóm chung cư có trước thời điểm Luật Nhà ở (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) nhiều nhất. Chủ đầu tư những dự án xây dựng sai phép hoặc công trình chưa được nghiệm thu nhưng đã để người dân vào ở. Ðối với những chung cư này, người dân vừa phải sinh sống trong điều kiện mất an toàn vừa không có giấy tờ pháp lí.
Nhóm thứ hai là những dự án có sau Luật Nhà ở 2015, dù ít hơn nhưng một số dự án chưa nghiệm thu, nhất là phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn đưa dân vào ở. Ðể đẩy nhanh tiến độ cấp chủ quyền, cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra các giải pháp, chế tài xử lí nghiêm công trình đã xây dựng trái phép mà đang tồn tại, để làm gương cho các cá nhân, tổ chức khác. Ðối với các dự án không xảy ra sai phạm mà việc cấp sổ vẫn chậm là do sự phân cấp đơn vị chịu trách nhiệm kí sổ hồng cho các chung cư (Sở Tài nguyên và Môi trường).
Ông Phấn khẳng định, trong quá trình xử lí cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải tách bạch các đối tượng: Người mua nhà, chủ đầu tư và cơ quan nhà nước có liên quan mà không để mối quan hệ “tay ba”. Cụ thể, nếu người mua nhà có đầy đủ các giấy tờ theo qui định của pháp luật đất đai và pháp luật nhà ở thì phải được xem xét cấp giấy chứng nhận để bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng.
Đối với cơ quan nhà nước phải làm rõ các hành vi vi phạm của chủ đầu tư và trách nhiệm của ban ngành có liên quan trong quá trình chủ đầu tư thực hiện từ thời điểm đề xuất dự án đến khi bán nhà cho khách hàng; đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng phải có giải pháp đề xuất cụ thể nhằm giải quyết triệt để các vi phạm.
Chủ đầu tư phải có trách nhiệm khắc phục các vi phạm làm ảnh hưởng đến công trình đã xây dựng để đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận cho người mua. Trường hợp không đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận cho người mua thì phải hoàn trả và bồi thường cho người mua.
Để chấm dứt tình trạng mua nhà không sổ, luật sư Trần Ðức Phượng - Đoàn luật sư TP HCM đề xuất, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lí hình sự với những chủ đầu tư vì tội lừa dối khách hàng, lạm dụng chiếm đoạt tài sản khi bán nhà cho khách hàng, hứa hẹn cấp sổ hồng nhưng lại không thực hiện.