Come out và những hệ lụy

Coming out (công khai giới tính hoặc xu hướng tính dục của bản thân) là một dấu mốc hết sức quan trọng trong cuộc đời của mỗi người trong cộng đồng LGBTQ. Hành động này mang tính biểu tượng cho việc tìm ra và chấp nhận con người mình, cũng như là lời trấn an và khích lệ cho các cá nhân khác vẫn còn đang mặc cảm về xu hướng tính dục hoặc giới tính của mình cùng come out.

Tuy vậy, việc come out không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Cộng đồng LGBTQ luôn phải hứng chịu sự phản đối hết sức gay gắt từ bên ngoài, mà một số không nhỏ ở đây, trớ trêu thay, lại ngay từ cha mẹ họ.

Phản ứng của đa số phụ huynh khi biết con mình thuộc LGBTQ là sốc nặng nề, và vì thế có những hành động rất bộc phát. Ở Việt Nam, có người bị mẹ đánh rồi lấy nước mắm đổ lên vết thương, có người thì bị trói vào cầu thang gần 20 chục ngày cho đến khi “hứa không ẻo lả nữa” mới được thả ra. Nhiều cha mẹ bắt con mình cắt hết liên lạc với bạn bè xung quanh vì sợ con lây, con đua đòi từ bạn. Họ khăng khăng rằng con họ bị bệnh và một hai đưa con đi chữa đồng tính. Họ đưa con đến phòng khám để xem hormone lệch lạc ở đâu. Họ nghe mẹo dân gian bắt con ăn gạo lứt, muối mè để “bổ dương khí”, bắt con lên tầng thượng nắng nóng, mưa dột để rèn luyện tính đàn ông mạnh mẽ.

Có những trường hợp gặp được bác sĩ chẩn bệnh “đến năm 21 tuổi giới tính sẽ cố định,” cha mẹ càng điên cuồng. Họ đưa con lên chùa làm lễ giải hạn, xin quẻ khấn bái, rồi nhờ thầy đồng đuổi vong người âm đang “quấy” con. Nhớ lại những ngày đưa con đến thầy chữa đồng tính, một bà mẹ kể: “Đến đó, họ chọc ngoáy vào những chỗ hiểm trên người, bắt con tôi nói nó là ai nhưng lần nào thằng bé cũng nói 'Con là thằng Duy'. Họ lại đè người, trói tay chân, chọc vào yết hầu nó. Con tôi thất thanh kêu lên 'Đau, đau, đau, con là gay, con yêu con trai.'” Sau này khi đã chấp nhận con, bà mẹ mới hiểu những hành động mê tín dị đoan kia thật dở khóc dở cười.

come out va nhung he luy

(Ảnh minh họa. Ảnh: Gaysthetix)

Nhưng đau lòng và nghiêm trọng nhất có lẽ là những trường hợp cha mẹ gửi con vào trại tâm thần, trại chữa đồng tính. Dĩ nhiên, xu hướng tính dục và bản dạng giới của con người không phải là thứ có thể bị ép buộc. Những trại chữa thực chất là những địa ngục trần gian, khủng bố và vắt kiệt tinh thần cũng như thể xác của con người. Corrective rape (hiếp dâm sửa chữa) cũng là một hình thức “chữa bệnh” khác cực kỳ dã man.

Pearl Mali, người Nam Phi, kể mẹ cô vì lo con mình đồng tính nên đã dùng tiền nhờ một người đàn ông đến hiếp dâm cô. Sáng hôm sau, mẹ cô vẫn hành xử bình thường như không có gì xảy ra, rồi nhờ người đàn ông kia đến ở chung. Năm đó cô mới 12 tuổi. Suốt 4 năm sau đó, cô liên tục bị cưỡng hiếp nhưng không nhận được sự giúp đỡ từ cảnh sát. Chỉ đến khi cô có thai, người đàn ông kia mới bị bắt. Bi kịch không chấm dứt tại đó. Sau khi sinh, Pearl bị mẹ bắt cách li với con vì sợ “lây đồng tính cho đứa bé”, còn người đàn ông kia chỉ bị bắt giam vài tháng đã được thả. Một câu chuyện khác là Simphiwe Thandeka, bị một người họ hàng cưỡng hiếp năm 13 tuổi. Cô kể chuyện với mẹ và nói rằng mình bị chảy máu rất nhiều, mẹ cô đáp rằng đấy là “chuyện gia đình,” không hề cho cô biết người đàn ông kia dương tính HIV. Hai câu chuyện trên thật kinh hoàng, nhưng lại không phải là điều hiếm ở Nam Phi và Ấn Độ, nơi corrective rape diễn ra ngang nhiên và được ủng hộ bởi gia đình nạn nhân cũng như xã hội.

Tại Mỹ, một nghiên cứu chỉ ra 40% người vô gia cư là nhóm người trẻ thuộc LGBTQ+. Nguyên nhân chính của tình trạng này là các bậc cha mẹ đã đuổi con ra khỏi nhà vì không chấp nhận một đứa con “không bình thường.” Chỉ trong chốc lát, tất cả những gì họ từng biết bị đảo lộn: không nhà, không xe, không tiền, không người thân, may mắn thì còn một chút đồ dùng cá nhân. Không phải ai cũng tìm được chỗ trú chân an toàn. Preston, một người chuyển giới nữ, kể rằng cô phải tìm đến các drop-in center vào buổi sáng để ngủ do chúng chỉ mở cửa vào ban ngày. Cô không có chỗ ngủ ban đêm vì các khu tạm trú nữ thì nói cô mang giới tính tính sinh học là nam nên không được chấp nhận, còn các khu tạm trú nam thì nói trong đó sẽ không an toàn cho cô.

Trong phút đường cùng, những người vô gia cư phải dùng “survival sex” – quan hệ tình dục để lấy tiền, hay đơn giản chỉ là đổi lấy một đêm không phải nghỉ trên băng ghế ngoài công viên - để tồn tại. Nghiên cứu này cũng cho biết, thanh thiếu niên thuộc LGBTQ+ phải dùng survival sex nhiều hơn gấp 3 lần những người vô gia cư cùng lứa tuổi. Giáo dục giờ đây cũng nằm ngoài tầm tay của họ. Từng là một học sinh xuất sắc toàn diện, là niềm tự hào của bố mẹ nhưng sau cái hôm nghe mẹ mình nói ở đầu bên kia điện thoại “Tao không biết mình đã làm gì nên tội để Chúa cho mình một đứa đồng tính bệnh hoạn làm con,” việc học với Jackie đã trở thành điều xa xỉ. Cơ hội tìm được việc làm ổn định của cô và những người trẻ cùng hoàn cảnh khác cũng bị dập tắt.

Tương lai của họ là mỗi ngày mở mắt ra đều lo xem họ có đủ tiền mua đồ ăn không, có nơi nào ở nhờ tối nay khi trời lạnh không, vì bố mẹ họ thà chấp nhận con mình không có cái ăn nơi ở còn hơn chấp nhận nó “bị đồng tính.” Cũng có những trường hợp may mắn hơn vì tìm được người nhận nuôi hoặc đã tự chủ được kinh tế, nhưng thế không có nghĩa nỗi đau bị chối bỏ tư cách sống như một người bình thường sẽ chấm dứt. Những câu nói như “Mày không phải là con tao,” “Đừng bao giờ bước chân lại vào nhà này” hay cay nghiệt đến độ “Tao mong trời phạt mày sống đau khổ cả đời” sẽ là vết thương không bao giờ lành trong lòng những người con.

come out va nhung he luy Ricky Martin - nước mắt, nụ cười từ khoảnh khắc công khai đồng tính
come out va nhung he luy Làm thế nào để công khai giới tính thực sự với bố mẹ?

Với những người trong cộng đồng LGBTQ+, nỗi đau bị hắt hủi bởi những người đáng ra phải thân thiết nhất, ủng hộ nhất, bao bọc họ trước một xã hội đầy rẫy cực đoan là sự dày vò tinh thần nhiều cũng như thể xác. Đôi khi người ta nói LGBTQ+ là đi đôi với bệnh tâm lý, vì họ thật sự phải chịu rất nhiều áp lực. Chống chọi với những cơn hoảng loạn, tâm trạng lo âu, những ám ảnh nặng nề đã là quá khả năng của họ, sự ruồng bỏ từ gia đình chỉ càng khiến họ rơi sâu hơn vào vực thẳm. Có những người đã chọn cái chết làm cách giải thoát.

Tại Mỹ, người LGB trẻ bị gia đình phản đối có nguy cơ tự tử cao hơn 8.4 lần những người ít bị phản đối hoặc được ủng hộ, mà người trẻ thuộc LGB nói chung đã có tỷ lệ tự tử cao hơn 4 lần người dị tính. Matthew Ogston và Nazim Mahmood là một cặp đôi đồng tính đã yêu nhau được 13 năm, Nazim quyết định come out với bố mẹ và thông báo họ chuẩn bị làm đám cưới. Mẹ anh phản ứng rất gay gắt và từ đó, tinh thần Nazim ngày càng tồi tệ. Tháng 7/2014, anh nhảy từ ban công căn hộ của mình và người yêu tự tử. Thể theo yêu cầu của mẹ Nazim không muốn gây nhiều xì xầm về chuyện con trai bà là người đồng tính, Matthew đã chấp nhận không được đóng vai trò quan trọng gì trong tang lễ mà chỉ là một người đến viếng bình thường. Anh đến chỗ mẹ Nazim hẹn và không thấy ai ở đó. Hóa ra địa điểm tang lễ của Nazim là ở đằng xa, và Matthew không thể vĩnh biệt Nazim lần cuối vì khi tới nơi, họ đã chôn cất anh xong rồi.

Come out là một bước ngoặt trong cuộc đời của mỗi người thuộc LGBTQ+. Nếu được những người xung quanh ủng hộ, cuộc sống của họ sẽ tốt lên rõ rệt. Thức dậy hàng ngày cùng với lo lắng bất an phải che giấu con người mình, cố hành xử chuẩn theo khuôn mẫu dị tính gây ra rất nhiều stress cho những người thuộc LGBTQ+, và một khi được giải thoát khỏi cảm giác đó, họ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Họ biết chấp nhận bản thân hơn, cởi mở và thành thật hơn, giảm các chứng bệnh tâm lý, làm việc hiệu quả hơn. Muốn họ được sống bình thường, tất cả những gì chúng ta, đặc biệt là những bậc phụ huynh, người thân và bạn bè cần làm là đối xử bình đẳng với họ như với tất cả những người khác. Mặt khác, kì thị và xua đuổi sẽ gây ra những hậu quả thương tâm, và mạng sống là cái giá quá đắt để đổi lấy sự yên bình.

Gaysthetix là một dự án xoay quanh LGBTQ và nghệ thuật. Dự án với mong muốn cung cấp những kiến thức chính xác và chuyên sâu cũng như những vấn đề về LGBT cho cộng đồng. Sự kiện chính của dự án là triển lãm về LGBT "La Rêverie". Để biết thêm thông tin xin vui lòng truy cập trang facebook của dự án: Gaysthetix.
chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.