Con cái là 'khoản đầu tư' quan trọng nhất cuộc đời

Những kế hoạch tích luỹ tài sản như mua nhà, mua xe...tạm gác lại, vì còn một sự nghiệp quan trọng hơn, một "khoản đầu tư" lớn hơn cần mẹ tập trung chăm sóc.
con cai la khoan dau tu quan trong nhat cuoc doi Những mẹ trẻ nói gì khi nghe câu: 'Ở nhà chăm con là ăn bám chồng'
con cai la khoan dau tu quan trong nhat cuoc doi Ở nhà chăm con là công việc cao quý, đâu phải ăn bám hay vô tích sự

Từng tốt nghiệp Đại học với bằng cử nhân Tài chính và Kinh tế ở Úc, trải qua vô vàn công việc từ thực tập ở một số tập đoàn tài chính, làm thư ký văn phòng cho một công ty kiến trúc đến tham gia các hoạt động xã hội, thế nhưng sau khi sinh con, chị Nguyễn Quỳnh Anh (hiện sống tại thành phố Brisbane, Úc) lại quyết định dừng lại mọi công việc, gắn bó với một công việc khác mà trước khi có con chị chưa từng nghĩ đến – ở nhà chăm con toàn thời gian.

con cai la khoan dau tu quan trong nhat cuoc doi

Kể từ khi đặt chân đến nước Úc vào năm 2010, chị Quỳnh Anh chia sẻ chưa lúc nào hết bận rộn với các công việc phục vụ cộng đồng như làm thư ký cho Hội chuyên gia Úc Việt, làm phát thanh viên bán thời gian ở đài phát thanh đa văn hoá, tổ chức và biên đạo cho các chương trình văn hoá, chương trình văn nghệ, ca nhạc từ thiện, tham gia giúp đỡ các bạn du học sinh quốc tế... Năm 2013, chị được chọn là 1 trong 30 đại sứ sinh viên quốc tế đến từ 30 nước khác nhau do Hội đồng thành phố Brisbane tuyển chọn để tham gia chương trình kéo dài một năm nhằm quảng bá về thành phố Brisbane như một điểm đến tuyệt vời để học tập, làm việc và du lịch. Đến năm 2014, chị sinh con gái đầu lòng.

- Chào chị, trước khi quyết định ở nhà chăm con, chị có cân nhắc đến vấn đề tài chính hay không, hay chị không phải lo lắng quá nhiều về tiền bạc nên mới nghĩ ở nhà chăm con cho nhàn, đi làm làm gì cho vất vả?

Em bé đến với mình rất bất ngờ. Trước khi có con, mình còn rất nhiều dự định. Ngay cả lúc đã mang thai, mình vẫn tiếp tục tổ chức và tham gia vào các chương trình biểu diễn, đêm nhạc để gây quỹ từ thiện. Mình cũng dự định khi con được 6 tháng sẽ gửi nhà trẻ để đi làm trở lại. Khi mình khẳng định điều này với một số anh chị bạn bè, họ nói: "Bây giờ có thể em nghĩ như vậy nhưng khi nào sinh con ra có thể em sẽ nghĩ khác, thế nên cứ từ tốn tận hưởng thôi. Làm mẹ là một công việc đặc biệt, khó có thể đem ra so sánh. Cứ từ từ suy nghĩ em nhé!"

Và quả thực, hành trình sinh con, làm mẹ đã làm thay đổi mình rất nhiều. Từ một người chưa hề chuẩn bị tâm thế để làm mẹ, mình đã trở thành một người mẹ "toàn thời gian". Vì mình sang Úc dạng du học, nên gia đình hai bên đều ở Việt Nam. Trước khi mình sinh con, các bà có hứa sang chăm, nhưng cũng chỉ được một tháng thôi lại phải về vì bố mẹ mình đều còn công việc ở nhà. Vì vậy từ lúc sinh con đến giờ, mình vẫn tự tay chăm con hoàn toàn. Có lẽ điều ấy đã tạo nên mối liên hệ gắn bó khăng khít với con, cùng với những gì mình đọc được rằng những năm tháng đầu đời vô cùng quan trọng, nó là bản lề cho cả cuộc đời con mà khi đã qua đi thì sẽ không bao giờ trở lại, mình đã quyết định ở nhà chăm sóc con. Sự nghiệp thì có thể đợi được, nhưng mình không muốn con phải "đợi" mẹ mà không biết đợi đến bao giờ.

Nếu nhận xét "ở nhà chăm con nghĩa là an nhàn và coi như không làm gì" thì thật...thiếu coi trọng công việc làm mẹ. Chăm sóc một đứa trẻ không phải chỉ có cho ăn, thay tã rồi cho đi ngủ. Từ 6 tháng trở đi, khá nhiều thời gian thức của con đã dành cho việc khám phá thế giới và phát triển những kĩ năng cơ bản. Lúc này, người mẹ không chỉ là người chăm sóc, mà còn là người thầy đầu tiên, người sẽ dạy con với toàn bộ sự ân cần mà không một người nào trên thế gian có thể có được.

Công việc làm mẹ là một công việc không có ngày nghỉ, không có ngày bãi nhiệm, vì thế nó yêu cầu sức khoẻ cả thể chất và tinh thần, sự hiểu biết và cầu thị, cùng với tình yêu thiết tha. Điều này sẽ khó có thể đạt được nếu người mẹ bị chi phối quá nhiều vào các công việc khác và bị cuốn theo vòng xoay của xã hội, vì khi đã qua một ngày dài "chiến đấu" với bên ngoài, hẳn người mẹ đã vơi đi ít nhiều năng lượng. Mình đã từng đọc ở đâu đó những lý luận rất hay rằng: “Ta cống hiến hết tinh hoa cho người ngoài, ăn mặc đẹp trang điểm đẹp, nở những nụ cười thân ái xã giao...để đến cuối ngày, còn lại gì cho con ngoài thân xác mệt mỏi? Nếu thực sự coi con là khách quý, hãy dành tất cả những vui vẻ, xinh đẹp ấy cho con. Vị ‘khách quý’ ấy sẽ trao lại bạn phần thưởng xứng đáng”.

con cai la khoan dau tu quan trong nhat cuoc doi

Thế còn những người mẹ phải đi làm vì mưu sinh thì sao? Chắc chắn là có những người mẹ buộc phải quay trở lại công việc ngay sau khi sinh, vì miếng cơm manh áo, nếu không họ không thể đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho chính họ và con họ. Với những người mẹ này, mình xin dành cho họ sự kính trọng to lớn, vì trong đó có mẹ của mình. Còn đối với trường hợp chỉ một trong hai người đi làm đã đủ ăn đủ mặc, thì với mình như thế là đủ. Những kế hoạch tích luỹ tài sản như mua nhà, mua xe...tạm gác lại, vì còn một sự nghiệp quan trọng hơn, một "khoản đầu tư" lớn hơn cần mình tập trung chăm sóc.

Mình may mắn sống ở Úc, nơi có chính sách an sinh xã hội khá tốt, người mẹ ở nhà chăm con được nhà nước trợ cấp cho một khoản tiền nho nhỏ hàng tháng, bảo hiểm xã hội đã bao gồm tất cả dịch vụ khám chữa bệnh vì vậy mình không phải trả gì thêm cho dù là khám bệnh định kỳ hay tai nạn hoặc bệnh tật bất ngờ, nên cũng bớt đi một nỗi lo. Chắc chắn thu nhập không thể bằng đi làm, nhưng nếu cái gì cũng quy ra tiền thì...mình sẽ không chọn ở nhà với con.

- Chị chuẩn bị tâm lý trước cho mình thế nào? Thời gian đầu ở nhà chăm con chị gặp những khó khăn cụ thể gì?

Khi mang thai được 6 tháng, mình tình cờ nhìn thấy dòng chia sẻ của một chị bạn trên Facebook, là "Nếu bạn mong muốn nuôi con bằng sữa mẹ, thì hãy vào Hội sữa mẹ tìm hiểu nhé!" Lúc đó mình chưa có kiến thức gì hết, nên quyết định vào đọc thử xem sao. Không ngờ càng đọc, mình càng thấy sự liên kết của từng mảng kiến thức, sự thống nhất của tất cả các thông tin. Vì biết tiếng Anh nên mình tìm thêm những nguồn thông tin uy tín được chính phủ Úc bảo trợ, thì thấy hoàn toàn thống nhất với kiến thức mà hội chia sẻ. Mình say mê đọc hết tài liệu của hội. Những kiến thức khoa học này xoá tan rất nhiều ngộ nhận trong mình, và thật may, mình chưa có "cơ hội" thực hành sai.

Nhờ những tài liệu khoa học về sữa mẹ, nhận thấy lợi ích của việc nuôi con sữa mẹ quá lớn cho cả con và mẹ, trong đó 6 tháng sữa mẹ không phải là "tối đa", mà 2 năm sữa mẹ mới là "tối thiểu" theo khuyến cáo của WHO, mình bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc sẽ ở nhà với con nhiều hơn 6 tháng. Tuy nhiên từ suy nghĩ biến thành hành động cần một thời gian khá dài để sắp xếp, và để cho mình có thời gian trải nghiệm xem mình có thực sự sẵn sàng với kế hoạch đó hay không.

Cuộc sống ở Úc thực sự khép kín. Không có ông bà nội ngoại, không người giúp việc, không họ hàng làng xóm... Cả ngày từ sáng đến đêm chỉ có hai mẹ con. Gia đình mình ở Việt Nam cũng than thở "thế thì vất vả quá!" Nhưng mà lâu rồi cũng quen. Mình nhìn xung quanh thấy gần như gia đình nào cũng thế, đặc biệt là người Úc.

Suốt những tháng đầu, người mẹ sẽ tập trung hoàn toàn vào chăm sóc em bé và cũng sẽ học để chăm sóc chính mình. Lúc bắt đầu thì ai cũng lóng ngóng vụng về, nhưng khi được trao cơ hội và đặt mình vào hoàn cảnh "cần phải làm", thì ranh giới nào rồi cũng sẽ bước qua. Những trợ giúp từ xã hội như đường dây tư vấn sữa mẹ, các nhóm chơi "mẹ và bé", đường dây tư vấn tâm lý...luôn sẵn có để sử dụng khi cần. Còn hầu như hàng ngày, mình và con có rất nhiều thời gian tĩnh lặng bên nhau, ôm ấp nhau, tận hưởng nhau, tìm hiểu nhau... Điều này mình cho rằng vô cùng quan trọng với sức khoẻ của người mẹ sau sinh và của cả em bé. Dần dần, mình có được sự nhạy cảm mà người ta gọi là "bản năng làm mẹ". Chỉ cần nghe tiếng khóc của con là mình biết là vì đói, hay vì đau mệt, hay vì muốn được ôm ấp bế bồng..., sau này là nhìn phản ứng của con là mình biết vấn đề thực sự ở chỗ nào. Hiểu được thông điệp của con để đáp lại đúng là điều giúp cho đứa trẻ bồi đắp sự tin cậy với người chăm sóc. Con cũng vững tâm và bình yên hơn.

con cai la khoan dau tu quan trong nhat cuoc doi

- Nhiều người quan niệm rằng mẹ ở nhà chăm con là ăn bám chồng, là lười, chị nghĩ sao về quan niệm này?

Như mình đã nói, nếu mọi thứ đều quy ra tiền thì mình sẽ không chọn ở nhà chăm con. Làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ. Sẽ không ai làm điều này tốt hơn chính người đã mang nặng đẻ đau đứa con. Một người mẹ ở nhà chăm con, sẽ kèm theo cả quán xuyến công việc nhà, cơm nước sẵn sàng, quần áo thơm tho, để người bạn đời đi làm về cũng cảm thấy ấm lòng. Cuộc sống ở Úc không có ông bà nội ngoại, không có người giúp việc, nên hạnh phúc gia đình trở về với những thứ căn bản nhất. Người phụ nữ lúc này sẽ phải phát huy hết khả năng sắp xếp cuộc sống. Ai nói ở nhà chăm con là lười, cứ thử ở nhà đi, bạn sẽ thấy mình luôn chân luôn tay với công việc này như thế nào!

- Chị có cho rằng mẹ ở nhà chăm con sẽ bị tụt hậu, vì chỉ quẩn quanh cả ngày ở nhà với con, và để mình không bị tụt hậu, vẫn năng động thì chị đã và đang làm những gì?

Không chỉ ở nhà chăm con, một người vì bất cứ lí do gì nếu tự giam mình trong bốn bức tường và thiếu tiếp xúc với cộng đồng bên ngoài cũng sẽ cảm thấy mình bị lạc lõng. Bản thân mình trước kia là một người khá năng động, thích giao tiếp và thích dịch chuyển, vì vậy khi có con, mình cho con đi cùng mình luôn. Mình vẫn tiếp tục tham gia các công tác xã hội, dàn dựng các chương trình biểu diễn, làm phát thanh viên, tham gia các nhóm giao lưu mẹ và bé để bé nhà mình có cơ hội gặp gỡ nhiều người, vừa tốt cho bé vừa tốt cho mẹ. Ngày rảnh rỗi mát trời thì hai mẹ con địu nhau đi dạo, ra công viên chơi, cuối tuần thì lên núi hoặc xuống biển, đều là những trải nghiệm rất tốt cho cả bé và mẹ.

con cai la khoan dau tu quan trong nhat cuoc doi

- Đi làm thì có những áp lực của đi làm, thế còn ở nhà, áp lực cụ thể của chị là gì? Chắc chắn chị cũng có những lúc “không bình yên” bên con chứ?

Như mình đã chia sẻ, cuộc sống ở Úc không tạo thêm cho mình áp lực về quan niệm xã hội, hay áp lực mưu sinh. Có chăng chỉ là đôi chút lo lắng vì không biết khi quay trở lại công việc, mình có thể bắt nhịp được không, kiến thức có bị cũ đi không... May mắn là anh xã nhà mình rất "giỏi" giải toả tâm lý cho vợ. Anh luôn an ủi là "Em đừng sốt ruột. Người vợ nào cũng đến lúc phải sinh con. Mình sinh trước thì mình ổn định trước. Con mình phải nói là may mắn vì được ở nhà với mẹ hai năm liền, được hưởng trọn tình cảm và sự dìu dắt của mẹ. Anh lo được cho hai mẹ con. Sau này con lớn em có thể đi làm. Mà thấy chưa đủ lực thì mình học thêm. Học cũng là đầu tư cho tương lai. Có gì đâu!"

Mình nghĩ lựa chọn nào cũng sẽ có lúc khiến mình nghĩ ngợi. Nhưng nếu tự mình biết hài lòng, cộng thêm một người bạn đời tâm lý, giúp mình cân bằng trở lại những lúc mình thấy chênh vênh, thì mọi áp lực khác chỉ là chuyện đâu đó ngoài kia xa lắm!

- Một ngày bình thường của chị - một người mẹ chăm con toàn thời gian diễn ra như thế nào?

Mình bắt đầu gửi con đi nhà trẻ để đi làm trở lại khi con được 2 tuổi. Vì vậy quãng thời gian ấy đã qua. Nhưng đọng lại trong mình vẫn là cảm giác hạnh phúc khi được thức dậy bên con, nhìn thấy nụ cười của con, được vòng tay con ôm và âu yếm mẹ. Mình vui khi được tự tay chuẩn bị từng món ăn cho con từ nguyên liệu tươi, mình kiểm soát được có những gì trong món ăn, được ngắm con khám phá những hương vị mới - những món ăn đong đầy sự âu yếm quan tâm từ bàn tay mẹ. Xen kẽ với công việc nhà là những buổi chiều hai mẹ con ôm nhau nghe nhạc, lang thang chơi ngoài vườn hoặc cùng tắm. Khi con còn nhỏ, hai mẹ con không thiếu những buổi da tiếp da và nhiều thật nhiều những cữ bú khi con cần.

Mình tự cho mình được thư thả và thoải mái để làm mẹ, giống như con mèo mẹ nằm phè cho con bú, hay con voi mẹ lúc nào cũng sát cánh che chở, âu yếm và hướng dẫn con những kĩ năng sinh tồn. Mình hạnh phúc cùng với bầu sữa thơm dành cho con, cùng con vượt qua những tuần khó ở, những lúc ốm sốt... Khi con lớn thêm một chút, mình lại là người chứng kiến từng kĩ năng vận động của con, từng bước phát triển của con, cùng với con vừa làm vừa chơi, lại vừa học. Con học được rất nhiều kĩ năng vận động thô và vận động tinh, cũng như cách kiểm soát cảm xúc khi tham gia các công việc cùng với mẹ.

con cai la khoan dau tu quan trong nhat cuoc doi

- Ngoài chăm con, chị có làm thêm công việc gì, để có thêm thu nhập không?

Có chứ. Mình có một shop kinh doanh sản phẩm hữu cơ. Công việc này không chỉ cho mình chút thu nhập, mà còn rất nhiều niềm vui. Tuy bán sản phẩm hữu cơ, nhưng mình không "sa đà" vào hai chữ "hữu cơ", mà luôn suy ngẫm đến tự nhiên. Ví dụ trong tự nhiên, con người và các loài động vật có thực sự cần bổ sung viên vitamin này, viên thực phẩm chức năng nọ, cho dù nó là "hữu cơ"? Hoặc sữa bột cho trẻ em, dù là "hữu cơ", liệu có làm cho nó trở nên "thần thánh" ngang sữa mẹ, liệu có tốt? Đôi khi khách hàng tìm đến mình hỏi về sản phẩm, thay vì tư vấn xuôi theo khách, mình lại phản biện ngược như vậy, kết quả là chẳng mua bán gì nữa, hai bên lại ngồi “tám” với nhau, và trở thành những người bạn thân thiết dù chưa một lần gặp mặt!

Mình có đủ tự tin để làm việc song song với chăm con cũng vì ở Úc, người mẹ chăm con nhỏ được tôn trọng lắm. Việc cho con bú cũng là một phần trong Luật chống kì thị của Úc (Discrimination Act 1984), nên mình có thể cho con bú mọi lúc mọi nơi, không chỉ ngoài đường mà cả bên trong các văn phòng, cơ quan nhà nước... Có lần mình đi đăng ký mã số kinh doanh, đang loay hoay làm với sự giúp đỡ của một nhân viên nhà nước, bé nhà mình ngủ dậy khóc oà lên trong văn phòng yên tĩnh đông người, mình bối rối nói với cô ấy: "Xin lỗi, tôi cho con bú được không?". Cô ấy nhìn mình và trả lời: "Tất nhiên rồi. Em bé đang đói mà!" Lúc đó mình cảm thấy rất ấm áp và tự hào về việc làm mẹ.

- “Phần thưởng vô giá” mà “công việc” làm mẹ toàn thời gian mang lại cho bản thân chị là gì?

Có lẽ điều tuyệt vời nhất với mình khi được ở bên con suốt hai năm đầu đời, là lòng tin của con dành cho mình. Để xây đắp và giữ gìn được điều này, mình đã phải cố gắng rất nhiều để luôn thành thật với con, ở một mức độ mà con hiểu được. Trẻ em rất nhạy cảm. Chỉ một vài lần "lừa" con như bỏ con lại mà không chào tạm biệt, hay "lừa" để đút vào miệng con một thìa thức ăn mà con đã nhiều lần bày tỏ thái độ từ chối...cũng sẽ khiến trẻ mất niềm tin vào người chăm sóc.

Ngay từ khi bé nhà mình còn sơ sinh, mỗi lần con khóc, mình hứa "Mẹ bế con nhé" hay "Mẹ cho con ti ti nhé" mình đều đi kèm với hành động. Khi con sợ hãi hay ốm bệnh, mình có thể ôm con thật lâu và nhắc đi nhắc lại: "Có mẹ đây rồi. Mẹ sẽ không bỏ con đâu. Con đừng sợ." Từ sơ sinh cho đến khi con lớn lên, mình tôn trọng hoàn toàn nhu cầu ăn ngủ của con. Không bao giờ mình nài ép con. Mọi việc đều được thực hiện dựa theo bản năng. Điều duy nhất mình làm là đúng giờ đúng bữa và thực hiện một quy trình lặp đi lặp lại (routine) rất ít khi thay đổi, để con không bị xáo trộn quá nhiều.

Có lẽ mình luôn giữ lời hứa với con, luôn nói thật với con những gì sắp xảy ra kể cả những điều không mấy dễ chịu, và thực tế là mẹ luôn ở bên con, và hoàn toàn tôn trọng nhu cầu cá nhân của con (ăn, ngủ, nhu cầu tình cảm với mẹ như bế, ôm, ti ti; nhu cầu được cảm thấy an toàn như không muốn người lạ động chạm vào người hay bế ẵm khi chưa được bé đồng ý, v.v...), nên bé nhà mình có một niềm tin vững chắc với mẹ. Nhờ có niềm tin ấy, con luôn là một em bé ngoan, không dễ dàng nghe mọi lời mẹ nói nhưng biết lắng nghe mẹ thuyết phục (nếu thấy hợp lý con sẽ nghe theo, mà thường thì mẹ luôn lí luận rất hợp lý!) vì con tin mẹ không "lừa" con. Con cũng chẳng mấy khi mè nheo ăn vạ đòi bằng được thứ mình muốn. Khi mẹ phân tích tại sao không được cái này cái kia, con sẽ đồng ý hoặc bình tĩnh diễn đạt con chưa đồng ý, chứ không chơi "chiêu" lăn đùng ra đất. Khi muốn điều gì, con luôn xin phép đầy đủ rõ ràng. Nói chung con là đứa bé khá tự chủ, biết suy nghĩ và "thương lượng", dù lúc nào cũng hào hứng nhảy múa hát ca như một chú mèo con, yêu đời vô cùng!

con cai la khoan dau tu quan trong nhat cuoc doi

Người ta thường nói đến "khủng hoảng tuổi lên 2", "khủng hoảng tuổi lên 3"...có khi "khủng hoảng tuổi 30", "khủng hoảng tuổi 40" cũng vẫn...chưa hết khủng hoảng. Đối với riêng mình, nó chỉ là cách đặt tên cho hiện tượng mà thôi. Cũng như trẻ sơ sinh có "wonder week" (không hề xảy ra chính xác cho mọi đứa trẻ!), trẻ lớn và người lớn cũng có những "wonder week" vậy. Nó đơn giản chỉ là những giai đoạn tâm lý bất ổn, do ti tỉ lí do - thay đổi lớn trong cuộc sống, ốm bệnh, thay đổi thời tiết, căng thẳng... Với người lớn đôi khi phải tự vực mình dậy, nhưng phần lớn sẽ là tốt hơn nhiều nếu có một vài người bạn giúp chia sẻ và giúp mình ổn định tâm lý. Trẻ con không tự mình cân bằng được, thì đương nhiên chúng cần người giúp chúng vượt qua. Người đó còn có thể là ai khác ngoài mẹ?

Thật tốt khi có một khái niệm giúp người mẹ bớt đổ lỗi cho chính mình, và hy vọng vào một cái gì đó tốt đẹp khi đứa con bỗng trở nên khó tính. Nhưng sẽ còn tốt hơn nếu người mẹ hiểu rằng: chẳng có "khủng hoảng tuổi X" nào cả. Đó chỉ là những ngày "xấu trời" đương nhiên phải có trong suốt giai đoạn phát triển của một con người.

Giai đoạn nào, thời điểm nào cũng sẽ có những ngày mưa bão. Thời tiết không thể cứ đẹp mãi, nhưng chắc chắn sau mưa giông sẽ là ngày nắng đẹp. Người đang "gặp bão" sẽ cần người khác nâng đỡ để cùng vượt qua. Nghĩ như thế, người mẹ cũng sẽ chủ động giữ cho mình sự vững vàng nhất định, để giúp con, thay vì "đối phó" với cơn "khủng hoảng" của con, như thể hai mẹ con ở hai bờ chiến tuyến.

Mình đã rút ra chiêm nghiệm ấy sau những ngày tháng ở nhà chăm con. Điều này giúp mình thư thái hơn rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày. Nó có lợi cho mình, hẳn rồi. Nhưng sự thư thái của mình cũng rất có lợi cho con. Một người mẹ không dễ dàng cuống cuồng lên cũng sẽ khó mà có một đứa con dễ bị kích động. Anh xã mình trong một lần mải ngắm hai mẹ con đã buông ra lời nhận xét hơi bị văn thơ rằng: "Nhìn hai mẹ con ở bên nhau, cảm giác như bình yên là đấy chẳng đâu xa!" Bà ngoại nhìn con gái ngồi ôm con trong lòng, cũng nhận xét: "Cái mặt nó yên tâm thế kia, có mà đi lên mặt trăng cũng được!"

con cai la khoan dau tu quan trong nhat cuoc doi

- Phụ nữ đi làm có mong muốn được tăng lương, được sếp công nhận năng lực, được thăng tiến, còn với chị - một người làm mẹ toàn thời gian, tham vọng của chị là gì?

Tuy mình còn khá trẻ và bé nhà mình còn rất nhỏ, nhưng mình mong "cô gái" của mình sẽ lớn lên bình thản và luôn khiêm nhường cống hiến, có lẽ thế. Nếu không bình thản, thật dễ để bị cuốn theo những ham muốn và tham vọng bất tận của những người xung quanh. Mình hy vọng con mình lớn lên sẽ khiêm nhường học hỏi và trau dồi tư duy, để rồi cống hiến những giá trị thực sự và nhân văn cho cộng đồng. Con không cần phải giỏi tất cả mọi thứ, nhưng con sẽ đóng góp những gì con làm tốt nhất.

Ai cũng sống kiếp này một lần thôi, nếu mình từ tốn tận hưởng và để lại cho đời những gì mình có thể làm giỏi làm tốt, thì cuộc sống của mình sẽ có giá trị lắm. Để đạt được mong muốn đó, chính mình cũng đang nỗ lực trau dồi bản thân, để vừa làm được công việc mình yêu thích, mà công việc ấy cũng có giá trị với cộng đồng, đặc biệt là với những người mẹ và những em bé. Hiện mình đang học thêm chứng chỉ về khoa học sữa mẹ dành cho tư vấn viên sữa mẹ với Hiệp hội sữa mẹ Úc (Australian Breastfeeding Association) - một tổ chức được chính phủ bảo trợ. Trong tương lai, mình có mong muốn học thêm bằng cử nhân y tá để có thể thực hiện được mơ ước trở thành một y tá nhi đã được đào tạo bài bản về khoa học sữa mẹ, và có thể giúp cho thật nhiều em bé và bà mẹ được hưởng những giọt vàng quý giá này. Mình mong rằng con mình sẽ vui và tự hào về mẹ, và sẽ luôn tin tưởng mẹ, chìa bàn tay cho mẹ được đồng hành cùng con trên hành trình "sống trọn kiếp này".

- Xin cảm ơn chị vì những chia sẻ thật chân thành!

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.