Nếu ở nhà chăm con là hi sinh thầm lặng, thì vừa đi làm vừa chăm con là nỗ lực tận cùng

Từ vị trí không mấy được coi trọng, những bà mẹ ở nhà chăm con giờ đây dần được công nhận, vậy còn những bà mẹ vừa đi làm vừa chăm con, thì sao?

Những năm gần đây, cùng với sự xuất hiện dày đặc của nhiều đầu sách nuôi dạy con, những hội thảo và diễn đàn chăm sóc con nhỏ, “công việc” làm mẹ được quan tâm nhiều hơn bao giờ. Cũng từ đó, người ta bắt đầu có cách nhìn nhận khác về việc làm mẹ, về những công việc mà trước đó bị coi là “tủn mủn, vặt vãnh”, từ thay bỉm thay tã, tắm cho con, cho con ăn, cho con ngủ đến chơi với con, bế ẵm và nói chuyện với con mỗi ngày.

neu o nha cham con la hi sinh tham lang thi vua di lam vua cham con la no luc tan cung

Hình ảnh bà mẹ chăm con mọn đầu bù tóc rối, quần áo xộc xệch, gương mặt lộ rõ mệt mỏi, một tay vừa bế con vừa làm việc nhà, tay làm việc, miệng thì liên tục nói chuyện với con từng được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Và từ đó, người ta hiểu rằng mẹ ở nhà chăm con không phải là ăn bám chồng, mẹ ở nhà chăm con cũng là một “công việc”, một “nghề” đáng được trân trọng và tôn vinh.

Không ít những bà mẹ từ cảm giác xấu hổ, tự ti, giấu diếm chuyện mình chỉ là “bà mẹ ở nhà chăm con”, giờ đã trở thành những bà mẹ có thể vỗ ngực tự hào “tôi làm mẹ toàn thời gian”. Khái niệm “làm mẹ toàn thời gian” cũng dần trở nên phổ biến và công việc này được coi là sự hi sinh thầm lặng, là công việc không có ngày nghỉ, không có ngày bãi nhiệm.

Từ vị trí không mấy được coi trọng, những bà mẹ ở nhà chăm con giờ đây dần được công nhận, vậy còn những bà mẹ vừa đi làm vừa chăm con, thì sao?

Vừa đi làm vừa chăm con, người mẹ phải nỗ lực gấp đôi

Nếu như bà mẹ toàn thời gian có thể chủ động phân chia quỹ thời gian của mình, thời gian nào dành cho việc nhà, thời gian nào dành cho việc nấu nướng, dạy con, chơi với con, thì bà mẹ vừa đi làm vừa chăm con lại có quỹ thời gian eo hẹp. Trong một ngày vỏn vẹn 24 tiếng đồng hồ ấy, mẹ vừa đi làm vừa chăm con phải tính toán kỹ lưỡng, có khi phải hi sinh quỹ thời gian cho bản thân, để dành thêm thời gian cho công việc, con cái.

neu o nha cham con la hi sinh tham lang thi vua di lam vua cham con la no luc tan cung

Buổi sáng của người mẹ vừa đi làm vừa chăm con là buổi sáng đầy vội vã, bắt đầu từ sáng sớm khi con vẫn còn ngủ say, tranh thủ đi chợ, sơ chế thực phẩm, chuẩn bị đồ ăn trong ngày cho con.

Buổi trưa của người mẹ vừa đi làm vừa chăm con có thể là buổi trưa không ngủ, tranh thủ xử lý công việc cấp trên giao, vì đã lỡ “ăn gian” giờ làm việc thành giờ chăm con.

Buổi chiều của người mẹ vừa đi làm vừa chăm con là buổi chiều tranh thủ, tranh thủ đón con, tắm cho con và nấu nướng cho bữa tối cuối ngày.

Buổi tối của người mẹ vừa đi làm vừa chăm con có thể là buổi tối rệu rã, vì đã dành hết năng lượng cho 8 tiếng công sở. Nhưng nhìn con khua tay đòi mẹ bế, kéo tay mẹ rủ chơi cùng trò nọ trò kia, mẹ không nỡ từ chối, vì cả ngày đã không dành cho con rồi.

Buổi đêm của người mẹ vừa đi làm vừa chăm con có thể là buổi đêm của sự hối hận. Hối hận vì đã tự hứa với bản thân, sẽ nằm ngủ với con một lúc rồi dậy làm việc, nhưng rồi vì mệt quá mà ngủ say lúc nào không hay.

Vừa đi làm vừa chăm con, không chỉ còn là sự nỗ lực gấp đôi, có khi là gấp ba, gấp bốn. Với công việc, phải nỗ lực để không bị liệt vào danh sách nhân viên yếu kém của công ty, không bị đối mặt với nguy cơ nghỉ việc. Với gia đình, phải nỗ lực để không bị coi là “bà mẹ trốn con, đi biệt tăm từ sáng đến tối, không quan tâm đến con đến cái”. Và với chính bản thân, phải nỗ lực để tìm ra khoảng không gian nhỏ nhoi cho riêng mình, để vẫn có thể cảm thấy hài lòng và hạnh phúc giữa quá nhiều lộn xộn và bộn bề.

Nếu như ở nhà chăm con là ăn bám chồng, thì vừa đi làm vừa chăm con là…?

Nếu như ở nhà chăm con là ăn bám chồng, thì người mẹ vừa đi làm vừa chăm con mọn bị coi là người mẹ vô tâm. Vô tâm khi để con cho người giúp việc, ông bà trông cả ngày, vô tâm khi cho con đi học mầm non quá sớm, vô tâm khi đi biệt tăm từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Nhưng nếu ai từng ở trong hoàn cảnh ấy, ai cũng từng làm mẹ, sẽ có một cái nhìn đầy cảm thông với những bà mẹ bị mang tiếng “mẹ trốn con”.

Làm mẹ - vốn đã là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và cả sự kiên nhẫn. Sau khi làm mẹ, có nhiều người bỏ công việc chính, tập trung cho công việc mà họ coi là quan trọng hơn này. Tất nhiên, cũng có những người lựa chọn cả hai, vì với họ công việc nào cũng quan trọng như nhau. Việc ở công ty là để kiếm tiền nuôi con, việc làm mẹ - nuôi dạy con dĩ nhiên không thể bỏ. Và một khi đã lựa chọn như vậy nghĩa là họ đã đồng ý bắt đầu bước vào cuộc hành trình đầy mệt mỏi, đòi hỏi nhiều năng lượng, sự lạc quan và tích cực. Nếu không bạn sẽ sớm gục ngã, bởi vừa đi làm vừa chăm con, sẽ luôn có những lời nhận xét, chỉ trích dành cho bạn. Ví dụ như “một nhân viên tồi và một bà mẹ tồi”.

neu o nha cham con la hi sinh tham lang thi vua di lam vua cham con la no luc tan cung

Nếu từng làm mẹ, xin bớt lời chỉ trích

Còn nhớ cách đây khoảng 3 năm, bài viết với tiêu đề “làm mẹ ở Việt Nam là khổ nhất” đăng trên báo VnExpress gây bão mạng xã hội.

“Em bé sơ sinh còi, mẹ bị nói là sữa nóng. Em bé ăn dặm còi, mẹ bị nói là không biết chăm con. Con bỏ ăn, mẹ bị chê là nấu dở. Con ti ít bị nói là sữa mẹ hết chất. Con chậm nói, mẹ bị quy kết là không biết hát kể chuyện, tâm sự với con. Con chậm lẫy, mẹ bị nói là không cho con đủ vitamin D.

Con chậm bò là do mẹ không biết cách hướng dẫn. Con chậm đi là do mẹ không nâng đỡ. Còn con mà đi nhanh thì mẹ lại quá hấp tấp để con đi sớm, con yếu xương sẽ vòng kiềng, mặc váy không được. Con nhai kém, rõ ràng là vì mẹ bắt ăn xay nhiều, nhưng nếu cho con ăn thô vội thì là ‘mẹ mìn’ chứ còn gì nữa. Con chưa răng nhai sao được mà cho con ăn, nó hóc, nghẹn, bỏ ăn, đói, còi, thương nó”.

Quả thật, làm mẹ ở Việt Nam sợ nhất là sự phán xét, từ bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ, chồng, anh chị em trong nhà, hàng xóm và kể cả từ người không quen biết. Người ta đòi hỏi gì nữa ở người làm mẹ, khi việc sinh hạ thành công một em bé đã là một điều quá kì diệu. Liệu có ai có thể làm được điều này tốt hơn?

Nếu từng làm mẹ, xin bớt lời chỉ trích. Dù là người mẹ ở nhà chăm con hay là người mẹ vừa đi kiếm tiền vừa chăm con mọn, họ vẫn xứng đáng là những người mẹ được tôn vinh suốt 365 ngày. Nhưng có lẽ với những người mẹ, sự tôn vinh hay ghi nhận từ người ngoài đâu có giá trị gì. Chỉ cần cuối ngày nhìn ánh mắt sáng rực của con khi được mẹ đón, đôi bàn tay bé xíu khua khua vội vàng đòi mẹ ôm ấp ngay hoặc có khi chỉ là một khoảnh khắc con nói “mẹ đẹp nhất, yêu mẹ nhất” dù khi đó mẹ không trang điểm, ăn vận luộm thuộm, người không hề thơm tho thì với người mẹ ,đó là nguồn năng lượng sống không gì có thể so sánh bằng.

XEM THÊM

neu o nha cham con la hi sinh tham lang thi vua di lam vua cham con la no luc tan cung Con cái là 'khoản đầu tư' quan trọng nhất cuộc đời

Những kế hoạch tích luỹ tài sản như mua nhà, mua xe...tạm gác lại, vì còn một sự nghiệp quan trọng hơn, một "khoản đầu ...

neu o nha cham con la hi sinh tham lang thi vua di lam vua cham con la no luc tan cung Gắn bó mẹ - con: Đặc điểm quan trọng của những năm đầu đời

Vai trò quan trọng của việc duy trì gắn bó mẹ con trong những năm đầu đời là rất to lớn.

neu o nha cham con la hi sinh tham lang thi vua di lam vua cham con la no luc tan cung Bám mẹ là bản năng gốc ở mọi loài, thế nhưng người ta lại coi nó là 'cái tội'

Bám mẹ là bản năng gốc ở mọi loài, thế nhưng trớ trêu thay, ở loài người, bám mẹ lại bị coi là “cái tội”.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.