Con đường lây nhiễm dịch Covid-19 và những ca siêu lây nhiễm tại Việt Nam

Trong số các bệnh nhân Covid-19 đã được xác nhận tại Việt Nam, có 2 trường hợp được xem là "siêu lây nhiễm", đó là bệnh nhân thứ 34 tại Bình Thuận và bệnh nhân thứ 5 tại Vĩnh Phúc.

Các ca siêu lây nhiễm đã lây truyền bệnh như thế nào?

Hiện ở Việt Nam tính đến nay đã có tổng cộng 53 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 16 ca đã hồi phục và xuất viện, chưa có ca nào tử vong.

Trong số các bệnh nhân Covid-19 đã được xác nhận tại Việt Nam, có 2 trường hợp được xem là "siêu lây nhiễm", đó là bệnh nhân thứ 34 tại Bình Thuận và bệnh nhân thứ 5 tại Vĩnh Phúc.

Bệnh nhân thứ 5 có tên N.T.D. ở Vĩnh Phúc, là công nhân tại một công ty của Nhật Bản trên địa bàn tỉnh này, đi tập huấn tại Vũ Hán (Trung Quốc) và trở về Việt Nam ngày 17/1. Bệnh nhân này đã lây bệnh cho 6 người khác gồm bố, mẹ, em gái và người nhà/hàng xóm.

Bệnh nhân thứ 34 nhiễm Covid-19 cư trú trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tên là Đ.T.L.T (nữ, 51 tuổi), là chủ một doanh nghiệp tư nhân về vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, phát bệnh vào ngày 5/3 với triệu chứng ho, khạc đờm.

Con đường lây nhiễm dịch COVID-19 và những ca siêu lây nhiễm tại Việt Nam - Ảnh 1.

Sơ đồ các nguồn lây nhiễm của 53 ca bệnh Covid-19 tại Việt Nam tính đến hiện nay (Đồ họa: Alex Chu).

Điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, sáng 22/2, bệnh nhân từ sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM bay sang New York - Mỹ (có quá cảnh 3 giờ tại sân bay Incheon - Hàn Quốc) và ở tại New York; đến ngày 25/2, qua bang Washington.

Ngày 29/2/2020, bệnh nhân từ Washington bay về Qatar trên chuyến bay Qatar Airways QR 708 vào lúc 15h45 ngày 1/3. Sau đó, đến 18h45, bệnh nhân đi trên chuyến bay Qatar Airways QR 974 về sân bay Tân Sơn Nhất lúc 6h sáng ngày 2/3.

Bệnh nhân 34 này sau đó cũng là nguồn lây bệnh cho 9 người khác, bao gồm 7 người ở Bình Thuận (người nhà, nhân viên, giúp việc, thành viên đoàn Nữ doanh nhân Bình Thuận) và 2 người ở TP HCM (đối tác). Cơ quan y tế Bình Thuận nhận định số người lây bệnh liên quan tới bệnh nhân 34 còn có thể tăng nữa.

Ngoài hai bệnh nhân số 5 và số 34, bệnh nhân số 1 và số 17 cũng là hai trong những ca lây nhiễm cho nhiều người. Trong đó, bệnh nhân số 1 và cũng là bệnh nhân đầu tiên được xác nhận nhiễm Covid-19 trên lãnh thổ Việt Nam đó là ông Li Ding, 66 tuổi, quốc tịch Trung Quốc.

Li Ding cùng vợ từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đến Hà Nội ngày 13/1, sau đó di chuyển vào Nha Trang ngày 16/1. Li Zichao – con trai ông Li Ding, làm việc tại tỉnh Long An, ra Nha Trang gặp bố rồi từ Nha Trang đi TP HCM rồi về Long An.

Đến ngày 17/1, người bố bắt đầu sốt và ngày 20/1, người con có các triệu chứng tương tự. Hai cha con được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) tối 22/1. Ngày 23/2, Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận hai người này dương tính với SARS-CoV-2. Đây là bệnh nhân Covid-19 số 1 và số 2 tại Việt Nam.

Vào ngày 1/2, một người phụ nữ 25 tuổi là lễ tân khách sạn tại Nha Trang được xác định nhiễm Covid-19. Bệnh nhân này nhiễm bệnh do tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc (trường hợp bệnh nhân số 1, số 2). Đây là bệnh nhân thứ 6 của Việt Nam.

Hiện các bệnh nhân này đều đã được điều trị khỏi và xuất viện.

Còn bệnh nhân số 17 và cũng là bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên tại Hà Nội có tên N.H.N, quê quán ở Hải Phòng, cư trú tại Hà Nội. Người này đi du lịch châu Âu, từ Anh về Việt Nam trên chuyến bay VN0054 đáp xuống sân bay Nội Bài ngày 2/3.

Bệnh nhân được xác nhận nhiễm bệnh Covid-19 vào tối 6/3, sau đó tính đến nay đã lây bệnh cho 3 người gồm các bệnh nhân 19, 20 và 47 (bác gái, lái xe và người giúp việc của bệnh nhân).

Đến nay có tổng cộng 15 hành khách trên chuyến bay VN0054 đã được xác nhận nhiễm Covid-19, trong đó phần lớn là người nước ngoài mang quốc tịch Anh.

Bệnh nhân Covid-19 số 21 N.Q.T – một trong những hành khách trên "chuyến bay định mệnh" này hiện cũng là một trong những trường hợp gây tranh cãi khi chưa xác định được chính xác nguồn lây nhiễm từ đâu.

Trên chuyến bay VN0054, Bệnh nhân số 21 ngồi ghế 5A, trong khi bệnh nhân 17 ngồi ghế 5K. Hai ghế ở hai bên máy bay, có lối đi riêng, cách nhau khoảng 6 m.

Theo điều tra dịch tễ ban đầu, bệnh nhân 21 từ Việt Nam đi Ấn Độ, sang Anh, rồi từ Anh trở về Việt Nam trên chuyến bay VN0054. Trước đó, trên máy bay từ Ấn Độ đến Anh, ông ngồi cạnh một người nước ngoài có biểu hiện sốt và ho liên tục.

Do đó, cơ quan chức năng nhận định bệnh nhân 21 có hai khả năng lây nhiễm: lây trên chuyến bay VN0054, hoặc trên chuyến bay từ Ấn Độ đến Anh. Về khả năng lây trên chuyến bay VN0054 thì có thể lây từ bệnh nhân số 17 hoặc từ các hành khách khác, vì ngồi trên cùng một máy bay trong thời gian dài và có hệ thống điều hòa không khí kín.

"Khả năng có những nguồn lây nhiễm khác nhau trên chuyến bay VN0054", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định điều này dựa trên phân tích dịch tễ nguồn lây các bệnh nhân, trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố Hà Nội vào chiều 9/3.

Chính sách cách li tập trung đã giúp Việt Nam khống chế được nguồn lây từ Trung Quốc và Hàn Quốc?

Một điều đáng chú ý nữa trong sơ đồ 53 ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay, hiện toàn bộ 37 ca nhiễm mới tính từ tối 6/3 đến nay, không có ca nào có nguồn lây từ Trung Quốc - quốc gia có đường biên giới dài với Việt Nam và cũng là nơi dịch bệnh khởi phát và hoành hành nặng nhất. 

Toàn bộ 16 ca có nguồn lây từ Trung Quốc hiện đều đã được điều trị khỏi và xuất viện. Trong vòng hơn một tháng qua, Việt Nam đã khống chế được nguồn lây dịch bệnh từ Trung Quốc nhờ các chính sách được đưa ra kịp thời, đặc biệt là chính sách cách li tập trung những người đi và về từ vùng dịch. 

Nguồn lây từ Hàn Quốc cũng rất hạn chế, hiện đến nay mới chỉ có một trường hợp nhiễm Covid-19 tại Việt Nam có nguồn lây bệnh từ nước này. Đó là bệnh nhân số 18, là nam giới sinh năm 1993, quê Thái Bình, từng ở khu vực thành phố Daegu, Hàn Quốc cùng với em gái.

Theo báo chí phản ánh, bệnh nhân số 18 đã khai báo y tế đầy đủ. Vì về từ vùng dịch nên ngay sau khi nhập cảnh vào Việt Nam vào sáng 4/3 trên chuyến bay VJ981, bệnh nhân đã được được về khu cách li tập trung của trường Quân sự, Quân đoàn 1 tổ 19 phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Ngày 7/3, sau khi có kết quả dương tính SARS-CoV-2, anh T. được chuyển lên khu cách li của Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình điều trị. Tất cả những người có tiếp xúc gần, trực tiếp với bệnh nhân đều đã được chuyển đến Trung tâm y tế Tam Điệp và trung tâm y tế huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình để cách li, theo dõi.

Tất cả hành khách của chuyến bay VJ981 cũng đã được cách li ngay sau khi nhập cảnh và được theo dõi sức khỏe từ đó đến nay.

Trả lời trên báo chí, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lí khám chữa bệnh (Bộ Y tế), phó trưởng tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cho biết, mô hình ở Trung Quốc - nơi xuất phát của virus này - là 1 người lây cho 2-3 người.

Thế nhưng như bệnh nhân N.T.D (bệnh nhân số 5) trong 1 tuần đã lây bệnh cho 6 người. Hay bệnh nhân số 34 trong khoảng 10 ngày đã lây cho 9 người khác và số lượng người lây ở Bình Thuận liên quan đến bệnh nhân 34 còn có thể tăng.

"Nguyên tắc là càng tiếp xúc gần với nguồn bệnh thì nguy cơ lây bệnh càng tăng. Có những ý kiến cho rằng nồng độ virus ở nguồn lây (là bệnh nhân đã nhiễm bệnh) càng cao thì nguy cơ lây bệnh cũng tăng theo. Thế nhưng tôi cho rằng đây chỉ là một giả thiết. 

Chỉ cần một con virus bắn ra từ người bệnh, rồi bám vào bề mặt mà chúng ta sờ phải, rồi không tuân thủ rửa tay sạch thì vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh", ông Khuê nói.

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, tính đến nay virus SARS-CoV-2 mới được biết đến trong thời gian tròn 3 tháng. Vì vậy đây là loại virus rất mới và còn có nhiều điều chưa rõ ràng.

chọn
Savills: Giá thuê văn phòng tại Hà Nội từ nay đến 2026 sẽ tương đối ổn định
Giám đốc Savills Hà Nội nhận định trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế và hiệu quả hoạt động của các nhóm ngành trong ba năm tới, giá thuê văn phòng tại Hà Nội sẽ tương đối ổn định.