“Con đường xưa em đi” liệu sẽ được trở lại?

Vậy là sau một thời gian chờ đợi thẩm định, Cục NTBD đã đưa quyết định từ tạm dừng tới lệnh cấm vĩnh viễn 5 ca khúc ra đời trước 1975 gồm "Cánh thiệp đầu xuân" (Lê Dinh – Minh Kỳ), "Rừng xưa" (Lam Phương). "Chuyện buồn ngày xuân" (Lam Phương), "Đừng gọi anh bằng chú" (Diên An), "Con đường xưa em đi" (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) .
 

Trước sự hoang mang của độc giả, Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn đã đưa ra lý do cấm là vì các ca khúc này bị sửa lời, sai tên tác giả, và như vậy là vi phạm nghiêm trọng các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan.

Trước đó, ngày 16/12/2016, Sở VH-TT TP.HCM đã có công văn số 7274 đề nghị xem lại nội dung một số bài hát sáng tác trước năm 1975 đã được cấp phép phổ biến. Ca khúc "Con đường xưa em đi" nằm trong danh mục cần xem lại này.

con duong xua em di lieu se duoc tro lai
Vợ nhạc sỹ Châu Kỳ: "Thú thực tôi nghe tin chỉ thấy buồn nhưng nghĩ mình chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện thế nào nên chưa vội kết luận” - (Ảnh: Lao Động)

Theo bà Kha Thị Đàng – người vợ của nhạc sỹ Châu Kỳ hiện đang sinh sống cùng gia đình tại TP.HCM, bà cho biết, từ khi biết tin ca khúc “Con đường xưa em đi” bị cơ quan quản lý văn hóa tạm dừng lưu hành cho đến khi có thông tin bài hát này bị cấm vĩnh viễn, bà và gia đình vẫn chưa hiểu lý do của việc này.

“Thú thực tôi nghe tin chỉ thấy buồn nhưng nghĩ mình chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện thế nào nên chưa vội kết luận” – bà chia sẻ.

Bà Kha Thị Đàng cho biết, ca khúc “Con đường xưa em đi” do nhạc sỹ Châu Kỳ viết nhạc, còn nhà thơ Hồ Đình Phương viết lời. Sau này, bởi muốn ca khúc này được lưu hành rộng rãi tới người yêu nhạc, nên chồng bà đã bàn bạc, sẽ sửa chữa mấy từ trong câu: “Chiến trường anh bước đi” thành “Lối mòn anh bước đi”, “Nơi đây phiên gác canh dài” thành “Nơi đây, thao thức canh dài”. Bà cũng khẳng định đây là bài hát về đôi lứa, và hai vợ chồng mới bàn bạc với nhau ý định sửa chữa đó chứ cũng không có văn bản nào để chứng tỏ bài hát đã sửa là của nhạc sỹ Châu Kỳ.

con duong xua em di lieu se duoc tro lai
Ảnh hai vợ chồng nhạc sỹ Châu Kỳ. Vợ của nhạc sỹ năm nay đã 80 tuổi và bà cho biết không rành để xin cấp phép. (Ảnh: NVCC)

Thôi thì câu chuyện đã qua được… vài ngày. Vậy là Cục NTBT có ý tốt, là muốn cấm phát hành những “dị bản” của “Con đường xưa em đi” cho đến bao giờ xác nhận được bản gốc chính xác như nào, đồng thời phải có ai đó hoặc cơ sở nào đó đứng ra xin phát hành trở lại ca khúc gốc thì Cục sẽ xem xét lại việc cấp giấy phép.

Cũng khá nhiều thắc mắc rằng không rõ Cục lấy đâu bản gốc để đối chiếu và có quyết định, nhưng theo tờ Lao Động, ông Nguyễn Đăng Chương cho biết: “Về nguyên tắc, bản gốc được tác giả viết tay và tác giả sẽ là người giữ bản gốc. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước cũng có đủ tư liệu đối chiếu, so sánh với nội dung để loại bỏ những bản nhạc dị bản. Trong trường hợp tác giả ca khúc đã mất, theo Luật Bản quyền, người được ủy quyền hoàn toàn có thể thay thế tác giả để xác nhận bản gốc”.

Điều buồn là về phía bà vợ nhạc sỹ, bà cho biết bà cũng đã 80 tuổi, không rành việc xin cấp phép sau văn bản cấm này và từ lúc xảy ra sự việc tới nay bà chưa nhận được một thông tin chính thức nào, tất cả, đều qua thông tin trên báo chí. Để gỡ được lệnh cấm vĩnh viễn, ca khúc "Con đường xưa em đi" cần phải được đơn vị, cá nhân đến Cục NTBD cung cấp bản gốc và nộp hồ sơ xin cấp phép phổ biến ca khúc.

Hành trình để một ca khúc trở lại quả là phức tạp và gian truân khi dường như hai phía không có một cuộc đối thoại hay văn bản nào chính thức cho gia đình tác giả.

Tuy nhiên, phút chót, theo tin của nhà báo Phan Phương (Trưởng ban hội viên Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khẳng định, khi còn sống, nhạc sỹ Châu Kỳ đã ủy quyền cho đơn vị này bảo vệ quyền tác giả các ca khúc do ông sáng tác, trong đó có bài “Con đường xưa em đi”. Hiện tại Trung tâm còn giữ bản gốc của ca khúc “Con đường xưa em đi do nhạc sỹ Châu Kỳ cung cấp. Bản nhạc này được phổ biến từ ngày 1.9.1969 theo giấy phép số 3577 BTT/NBC/PHNT). Trong bản gốc này, lời ca khúc viết rõ cụm từ: “Chiến trường anh bước đi”, “Nơi đây phiên gác canh dài” như bà vợ nhạc sỹ đã xác nhận.

Không hiểu thông tin này có giúp ích gì được việc ca khúc sẽ được phát hành trở lại không, khi trong hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam của nhạc sỹ Châu Kỳ có phần xác nhận của nhạc sỹ sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản nhạc của mình, để tránh có sự nhầm lẫn với tác phẩm của người khác hoặc sai sót về nội dung.

Mọi sự so sánh là khập khiễng, nhưng "Con đường xưa em đi" những tưởng sau thời gian thẩm định lại sẽ được phát hành, nhưng nào ngờ... Cũng giống như một người đàn bà đã đi qua thời tuổi trẻ, giờ vì cuộc sống mà bà "bị" thẩm mỹ lại nhan sắc dù ngoài ý muốn của bà. Làm phẫu thuật nhẹ xong, bà lại mất đi quyền công dân. Nói vậy thôi chứ chắc nhạc sỹ Châu Kỳ và Hồ Phương dưới suối vàng chắc cũng không buồn. Công chúng luôn có cách lưu giữ bởi đi vào lòng người là khó nhất thì ca khúc đó đã đạt được giá trị của riêng mình.

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng Luật Giải Phóng, quyết định của Cục NTBD cấm phát hành ca khúc “Con đường xưa em đi” là chưa đủ căn cứ. Ông Hưng đưa ra ba điểm:

- Thứ nhất, chưa đủ căn cứ để xác định có hay không có hành vi vi phạm bản quyền theo quy định tại điều 28 Luật sở hữu trí tuệ - quy định 10 hành vi xâm phạm quyền tác giả. Trong trường hợp này, nhiều ca khúc không tìm thấy bản gốc, nên không có cơ sở để đối chiếu và quan trọng hơn chúng đã được nhà nước cấp phép lưu hành. Nên muốn tạm dừng lưu hành thì phải có căn cứ pháp lý. Căn cứ pháp lý hiện hành điều chỉnh hoạt động này chính là Nghị định 79 năm 2012. Tuy nhiên, Nghị định này không có bất cứ quy định nào nói về căn cứ, trình tự, thủ tục “tạm dừng lưu hành” các bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Mặt khác, trường hợp này không phạm vào điểm a khoản 3 điều 6 Nghị định này về hành vi bị cấm: “Thêm, bớt hình ảnh hoặc âm thanh làm thay đổi nội dung bản ghi âm, ghi hình đang được phép lưu hành;”. Bởi, lời của ca khúc không đúng với bản gốc, nếu có đã xảy ra trước khi chúng được cấp phép lưu hành. Trường hợp khác, nếu tìm được bản gốc để đối chiếu, thì Cục NTBD cũng không cần thiết và không được quyền tạm dừng lưu hành những ca khúc đã được cấp phép mà chỉ có thể yêu cầu điều chỉnh là cho phù hợp với bản gốc và tất nhiên trong mọi trường hợp là phải có ý kiến của tác giả.

- Thứ hai, Cục nghệ thuật biểu diễn không có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ. Các cơ quan có thẩm quyền bao gồm: Tòa án, Thanh tra, quản lý thị trường, Hải quan, công an, UBND các cấp.

- Thứ ba, Tác giả và người thừa kế hợp pháp không có bất cứ yêu cầu nào đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm bản quyền và xử lý hành vi đó. Từ những căn cứ pháp lý trên đủ cơ sở để chứng minh, quyết định của Cục NTBD là chưa đủ căn cứ pháp lý để ra quyết định này.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.